Nằm ở vùng Amhara của Ethiopia, cách thủ đô Addis Ababa khoảng 600 km về phía bắc, có một thị trấn nổi tiếng nhưng đầy bí ẩn tọa lạc trên độ cao 2.500 m so với mực nước biển được gọi là Lalibela. Tại trung tâm của thị trấn này là một Di sản Thế giới gồm 11 nhà thờ được chạm khắc từ đá nguyên khối.
Khu phức hợp được cho là có từ triều đại Zagwe dưới thời trị vì của vua Lalibela (1181 – 1221), người muốn thành lập một “Jerusalem mới” trên đất châu Phi mà tất cả người dân Ethiopia đều có thể tiếp cận được. Tên của các nhà thờ, cũng như đặc điểm của chúng, gợi nhớ đến những công trình ở Jerusalem như nhà thờ Golgotha và Lăng mộ của Adam.
Các nhà khảo cổ học đến nay đã biết nhiều về lịch sử của khu phức hợp, nhưng vẫn còn những câu hỏi chưa thể giải đáp, một trong số đó là cách chúng được xây dựng. Bằng cách nào mà người Ethiopia cổ xưa có thể tạo nên kỳ quan phức tạp này với những công cụ và kỹ thuật hạn chế vào thời điểm đó?
11 nhà thờ đá nguyên khối của Lalibela được chia thành hai nhóm chính: nhóm phía bắc gồm 6 nhà thờ và nhóm phía nam gồm 4 nhà thờ. Nhà thờ còn lại, Bet Giorgis hay St. George, nằm riêng biệt, cách hai nhóm chính một đoạn ngắn.
Các nhà thờ được kết nối với nhau bằng một mê cung đường hầm và lối đi, mỗi nhà thờ có một thiết kế và cách bố trí độc đáo. Tất cả chúng đều đặc trưng bởi kiến trúc cắt đá ấn tượng, với một số cấu trúc có mặt tiền, cột và cổng vòm phức tạp. Nội thất cũng ấn tượng không kém với các tác phẩm chạm khắc tinh xảo, tranh bích họa và đồ tạo tác tôn giáo.
Khu phức hợp nhà thờ đá ở Lalibela là một trong những cấu trúc nguyên khối lớn nhất trên thế giới. Nhà thờ lớn nhất, Bet Medhane Alem, cao 10 m, dài 33 m và rộng 22 m. Biete Medhane Alem có nghĩa là “ngôi nhà của Đấng Cứu Rỗi thế giới”.
Được chạm khắc từ đá cứng từ trên xuống dưới theo nhiều phong cách khác nhau, các nhà thờ ở Lalibela hiện vẫn đứng vững trước thử thách của thời gian và là minh chứng cho kỹ năng và sự khéo léo của người Ethiopia cổ đại.
Truyền thuyết cho rằng các nhà thờ được đục đẽo trong 24 năm, nhưng theo các nhà khảo cổ học, điều này là không thể. Ngay cả ngày nay, việc hoàn thành công việc này bằng cách sử dụng mũi đục có đầu bằng thép carbon và lưỡi kim cương cũng là phi thường. Ngoài ra còn có nhiều điểm bất thường khác về việc xây dựng khu phức hợp. Ví dụ, lẽ ra phải có một khối lượng lớn đất và đá, thứ được loại bỏ từ xung quanh và bên trong các nhà thờ, nhưng không thể tìm thấy chúng ở đâu.
Các nhà thờ đá ở Lalibela được quản lý bởi cả Giáo hội và chính quyền Ethiopia trong nhiều thế kỷ. Đây là nơi sinh sống của một cộng đồng linh mục và tu sĩ, khiến nơi này trở thành địa điểm thu hút nhiều người hành hương để cử hành các ngày lễ lớn theo lịch Thiên Chúa giáo của người Ethiopia.
Đoàn Dương (Theo Ancient Origins)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/nhung-nha-tho-da-nguyen-khoi-bi-an-o-ethiopia-4580487.html