“Anh ta không biết dùng máy giặt hay dọn giường. Anh ta làm hỏng con dao yêu thích của tôi, làm ngập bếp, nhiều lần suýt phóng hỏa cả căn hộ hay đi nhậu nhẹt suốt ba ngày liền”, Lianne, 29 tuổi, ở London kể. “Đời sống tình dục của chúng tôi hoàn toàn biến mất sau 6 tháng chung sống. Tôi cảm thấy mình như mẹ anh ta”.
Những chàng trai như vậy được gọi là “man-child” – chỉ người đàn ông trưởng thành nhưng tính tình và cách cư xử vẫn như trẻ con. Những dấu hiệu phát hiện “man-child” có thể là không bao giờ làm việc nhà, luôn tỏ ra vô ơn và bất lực khi phải chăm sóc bản thân và đôi khi là cả con cái.
Đặc điểm chính của một “man-child” là họ sẽ cố gắng thay đổi trong một thời gian ngắn nhưng đâu lại hoàn đó. Cô Katie 24 tuổi người Mỹ chia sẻ: “Khi tôi nói ra những bất bình, anh ấy thấy tội lỗi vì nhận ra tôi là người gánh vác toàn bộ việc nhà. Sau khi giúp tôi được vài tuần, anh từ bỏ khi nhận ra rằng phải làm việc liên tục. Người đàn ông ấy đã nói với tôi rất nhiều lần rằng sẽ thay đổi nhưng không bao giờ làm được”.
Jordan Dixon, nhà tâm lý học người Anh cho biết, nhiều người gặp khó khăn trong việc chăm sóc bản thân cả về cảm xúc lẫn thể chất. Điều này có thể bắt nguồn từ môi trường nuôi dưỡng và những mối quan hệ hồi trẻ.
Dixon cho rằng không chỉ đàn ông mới có thể trở thành “bé bự”, nhưng bà quan sát thấy chuyện này thường xảy với nam giới do những kỳ vọng về giới tính. Dixon giải thích rằng vai trò giới tính do xã hội áp đặt lên đàn ông từ trước đến nay thường không bao gồm làm việc nhà. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ có khả năng đảm nhận vai trò chăm sóc tốt hơn do những kỳ vọng từ xã hội thường ép phụ nữ phải sống vì người khác thay vì bản thân. Điều này có thể dẫn đến kiệt quệ về cảm xúc và thể chất, hay cảm thấy phẫn uất với bạn đời của mình.
Vậy làm gì khi bạn đang trong mối quan hệ với một “man-child”? Sau khi chuyển đến sống cùng bạn trai, Annie, cô gái 22 tuổi từ Anh phát hiện ra rằng anh chỉ chơi điện tử xuyên đêm và không biết làm việc nhà. Tệ hơn, anh ta không chịu được những lời chỉ trích và coi đó là công kích cá nhân. Cô thậm chí còn đề xuất các phương pháp để quản lý việc phân chia công việc nhưng vẫn chưa có kết quả.
“Tôi vẫn yêu và quan tâm tới anh ấy, nhưng tôi cảm thấy bản thân đang dần lùi xa khỏi mối quan hệ này”, Annie chia sẻ. Lúc này cô nghĩ ra một giải pháp tạm thời là không dọn dẹp một thời gian và xem chuyện gì sẽ xảy ra.
Theo chuyên gia, trước hết cần phải xem liệu có bên nào đang phải đảm nhiệm vai trò “phụ huynh” không và nếu có thì cách tốt nhất là hai bên cùng đánh giá, xem xét lại một cách trung thực mọi mặt của mối quan hệ. Nếu không hiệu quả, bạn nên tham khảo ý kiến của một nhà trị liệu. Nếu vấn đề đã quá ăn sâu, có lẽ nên cân nhắc tới chuyện đường ai nấy đi.
Emily Harris, tiến sĩ chuyên ngành giới tính học đưa ra giải pháp đơn giản: Đàn ông cần đảm nhận một phần việc nhà. “Điều này có nghĩa là suy nghĩ về những gì mình đã luôn dựa dẫm vào đối phương, như lên kế hoạch cho các sự kiện xã hội và hỗ trợ tinh thần cho bản thân và con cái”, cô nói thêm. Đàn ông cũng cần khuyên bảo lẫn nhau để thay đổi, như vậy mới giúp các mối quan hệ trở nên bình đẳng hơn, một chuyên gia cho hay.
Đức Anh (Theo Vice)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/nhung-dan-ong-khong-chiu-lon-4589305.html