Đầu tháng 5, cảnh sát châu Âu và Nam Mỹ phối hợp bắt giữ 132 thành viên của tổ chức mafia khét tiếng ‘Ndrangheta. Nhóm này bị cáo buộc liên quan đến rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo, buôn bán ma túy và vũ khí. Người phát ngôn của Cơ quan cảnh sát châu Âu Europol cho biết vụ án được phá nhờ lần theo đường dây thông tin từ mạng di động mã hóa Sky và những chiếc smartphone đặc biệt của No. 1 BC.
Theo cơ quan điều tra, ‘Ndrangheta giấu lượng lớn ma túy trong các thùng chuối tại cảng Turbo, Colombia. Sau đó, container vận chuyển đến Catania, Sicily ở Italy. Tại đây, nhân viên cảng được chỉ định sẽ chuyển hàng và tư vấn cách đóng gói để vượt qua máy quét. Một nhóm khác sẽ bốc dỡ ma túy bên ngoài cảng.
Thông tin về series của container được gửi đến iPhone mã hóa của No. 1 BC. Chỉ người trong tổ chức mới được cung cấp thiết bị. Các dữ liệu trong điện thoại gần như không thể bị xâm phạm bởi cơ quan chức năng. Bruzzaniti, một thành viên của ‘Ndrangheta, dùng smartphone để sắp xếp lần vận chuyển ma túy này.
Trong điện thoại, một ứng dụng nhắn tin mã hóa được cài sẵn. Người dùng có thể chủ động xóa tin nhắn đã gửi, hoặc liên hệ với nhà cung cấp để hủy tất cả dữ liệu trên điện thoại từ xa. Tính năng này đặc biệt có giá trị với nhóm mafia, như trong trường hợp một thành viên nào đó của tổ chức bị bắt giữ và điều tra.
Một nguồn tin cho biết No. 1 BC tải ứng dụng của họ lên iPhone bằng máy Mac và công cụ quản lý thiết bị di động (MDM). Trong video trên trang web của No. 1 BC, công ty nói sử dụng giải pháp MDM của BlackBerry để đẩy và cập nhật ứng dụng cho điện thoại. BlackBerry không đưa ra phản hồi.
Trong một thông cáo báo chí từ 2009, Anton Isser, CEO của No. 1 BC, cho biết smartphone của họ là “giải pháp mang tính cách mạng để bảo vệ thông tin liên lạc bằng giọng nói”.
Cảnh sát châu Âu cũng thâm nhập vào mạng điện thoại mã hóa Sky và thu thập lượng tin nhắn khổng lồ. Trong số các tin nhắn bị chặn từ Sky, một nhóm tội phạm Albania trao đổi về việc trả hơn 10.000 USD cho sáu smartphone của No. 1 BC vì tin đó là thiết bị di động an toàn nhất thế giới. Trước đây, tội phạm mạng thường chọn điện thoại Blackberry để nhắn tin mã hóa. Sau khi hãng này ngừng bán, iPhone đã trở thành lựa chọn phổ biến.
Theo hồ sơ của cơ quan chức năng, No. 1 BC được đăng ký bởi Giám đốc công nghệ Vyacheslav Zlatogursky. Hai nhà đồng sáng lập khác là một doanh nhân người Mỹ và một người ẩn danh có tiền án buôn ma túy, rửa tiền.
Ban đầu, No. 1 BC là một công ty hợp pháp trong lĩnh vực điện thoại mã hóa, về sau họ chuyển sang phục vụ các nhóm tội phạm. Các bộ công cụ cũng giúp dữ liệu người dùng của No. 1 BC nằm ngoài quyền quản lý của các hãng công nghệ như Apple, Google hay Meta.
No. 1 BC nói riêng và các công ty trong ngành điện thoại mã hóa đều dùng hệ thống đại lý phân tán để bán thiết bị. Trên trang web, No. 1 BC liên tục mời gọi mọi người tham gia hệ thống chân rết để bán hàng và mở rộng ra khắp thế giới.
Theo nguồn tin trong ngành, No. 1 BC gần như thống thị thị trường bán điện thoại mã hóa. Một cựu nhân viên của công ty nói trung bình một chiếc iPhone mã hóa có giá 1.450 Euro (37 triệu đồng), dùng trong sáu tháng. Khi No. 1 BC gặp rắc rối với cơ quan chức năng, trang web của công ty ra thông báo về việc phát triển ứng dụng mới tên No. 1 Live, phiên bản thay thế No. 1 BC.
Theo các chuyên gia, bất kỳ thay đổi nào liên quan đến cơ sở hạ tầng của công ty mã hóa điện thoại đều được cơ quan chức năng theo dõi kỹ. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp và lợi nhuận khổng lồ, thị trường mã hóa điện thoại vẫn khó kiểm soát.
Huế Nguyễn (theo Motherboard)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/nhung-chiec-iphone-ma-hoa-cua-mafia-italy-4604992.html