Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội ghi nhận trong tuần từ 24 đến 31/3 có 63 trẻ mắc tay chân miệng, tăng hơn 1,8 lần so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố phát hiện 248 ca mắc, trong khi cùng kỳ năm ngoái có 2.
Tuần qua, thủ đô cũng ghi nhận 4 ổ dịch tay chân miệng ở trường mầm non, tăng gấp đôi so với đầu năm.
Sốt xuất huyết vẫn chưa hạ nhiệt, hiện thành phố có 197 ca mắc, 9 ổ dịch, gấp hơn 19 lần so với cùng kỳ năm ngoái, phân bố tại 26/30 quận, huyện, thị xã.
Số trẻ mắc thủy đậu tuần qua cũng tăng gần gấp đôi so với tuần trước, nhiều chùm ca lây lan tại các trường mầm non, tiểu học. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 800 ca thủy đậu, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ 11, không có trẻ tử vong.
Trong khi chân tay miệng, thủy đậu đậu tấn công nhiều trẻ lớn thì virus hợp bào hô hấp (RSV) lại là nguyên nhân gây bệnh trên nhiều trẻ nhỏ. Chiều 4/4, các giường tại khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn) chật kín, nhiều trẻ nằm ghép.
Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Phó trưởng khoa Nhi, cho biết 20% trẻ nhập viện là do RSV, phần lớn dưới hai tháng tuổi. Nguyên nhân do virus này gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp rất nhanh.
“Nhiều trẻ nhập viện không phải do khám muộn mà vì RSV biến chứng suy hô hấp, viêm phổi rất nhanh, sớm, đặc biệt với các em nhỏ có hệ miễn dịch kém”, bác sĩ Sang nói, thêm rằng việc điều trị khi trẻ bị biến chứng viêm tiểu phế quản, viêm phổi rất khó khăn.
Như trường hợp hai trẻ sơ sinh chưa tròn một tháng tuổi, nhập viện trong tình trạng nặng, suy hô hấp, biến chứng viêm phổi. 4 ngày trước, các cháu bị ho, sốt, khò khè, bất ngờ trở nặng nên được đưa vào cấp cứu. Ngoài hai trẻ này, còn có ba trẻ khác phải thở oxy, trong đó có hai bé gái sinh đôi.
“Các bé đang bội nhiễm có dấu hiệu viêm phổi phải điều trị kháng sinh, hiện vẫn thở oxy nên chưa thể tiên lượng được bệnh”, bà Sang cho hay.
CDC Hà Nội dự báo các bệnh truyền nhiễm sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, do thời tiết giao mùa. Các chuyên gia cũng nhận định mùa đông xuân, độ ẩm không khí cao, nấm mốc là nguyên nhân khiến virus, vi khuẩn lây lan. Ngoài ra, qua hai năm Covid-19, hệ miễn dịch của trẻ chưa được huấn luyện đầy đủ, dẫn đến sức đề kháng kém, dễ nhiễm bệnh.
Để ứng phó, ngành y tế yêu cầu các đơn vị triển khai tiêm bổ sung ngay trong tháng đối với các trường hợp trì hoãn tiêm chủng. Đồng thời, tổ chức tiêm vét cho tất cả đối tượng thuộc diện tiêm chủng mở rộng nhưng chưa được chích ngừa đầy đủ.
Các cơ sở y tế theo dõi sát tình hình, sẵn sàng nhân lực, vật tư, hóa chất phục vụ cho phòng, chống dịch bệnh.
Người dân được khuyến cáo thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc. Nhà ở, nhà trẻ, lớp học cần thông thoáng, sạch sẽ và đủ ảnh sáng. Người mắc bệnh truyền nhiễm phải được khám, điều trị và cách ly tại cơ sở y tế.
Lê Nga
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/nhieu-benh-truyen-nhiem-tang-o-ha-noi-4589488.html