Ngày 14/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, ghi nhận người này nhiễm uốn ván giai đoạn toàn phát, điều trị tại Bệnh viện Quân y 103. Vết mổ ở gót chân trái còn đóng vảy, sưng nề do ông đi lại nhiều. Vết thương lâu lành cùng với môi trường làm việc xây dựng mất vệ sinh có thể là tác nhân khiến vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể bệnh nhân.
Uốn ván là bệnh cấp tính do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Dấu hiệu là những cơn co cứng cơ kèm đau, trước tiên là cứng cơ nhai, mặt, gáy, sau đó là cơ thân.
Thời gian ủ bệnh thường 3-21 ngày, phụ thuộc vào đặc điểm, độ lớn và vị trí vết thương. Hầu hết trường hợp triệu chứng xuất hiện trong vòng 14 ngày kể từ khi nhiễm vi khuẩn uốn ván. Vết thương bị nhiễm bẩn nặng thì thời gian ủ bệnh ngắn hơn, mức độ cũng nặng hơn.
Uốn ván là bệnh nguy hiểm do thời gian điều trị kéo dài, có thể vài tuần đến vài tháng, chi phí rất tốn kém. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân nguy cơ cao tử vong do suy hô hấp, ngừng tim đột ngột, nhiễm trùng toàn thân, xuất huyết.
Tháng trước, một cụ bà 83 tuổi ở huyện Quốc Oai đã tử vong do uốn ván. Hai tuần trước đó, cụ đi dự lễ hội làng, ngã bị thương và nhiễm uốn ván.
Hiện, tiêm huyết thanh phòng uốn ván (SAT) là biện pháp đơn giản và hiệu quả phòng ngừa bệnh khi có vết thương ngoài da.
Lê Nga
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/nhiem-khuan-uon-van-tu-vet-thuong-lau-lanh-4581112.html