Ông Nguyễn Thanh Yên (66 tuổi, Bình Phước) bị mụn nhọt, gây sốt âm ỉ nên đến bệnh viện địa phương điều trị. Vết thương chưa lành, ông xin xuất viện. Chiều 25/3, sau ba ngày xuất viện, ông bị sốt trở lại, nôn ói, ăn uống kém, huyết áp thấp, khó thở, được gia đình đi cấp cứu.
BS.CKI Tôn Minh Trí, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, tiếp nhận người bệnh trong tình trạng sốt 38,5 độ, huyết áp 70/60 mgHg (bình thường 120/80 mgHg), chỉ số nhiễm trùng máu là 4,1 ng/ml, tăng 82 lần so với bình thường. Gia đình cho biết ông bị suy thượng thận mạn 8 năm nay.
Bác sĩ Trí nhận định, người bệnh bị nhiễm trùng huyết gây suy thượng thận cấp trên nền suy thượng thận mạn. Bác sĩ truyền dung dịch nước muối sinh lý, tiêm thuốc điều chỉnh nước điện giải, bổ sung hormone thay thế.
Khi qua cơn nguy kịch, ông Yên được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) kiểm tra tình trạng suy thượng thận cấp mỗi 4-6 giờ, phòng tái phát, đồng thời, dùng kháng sinh điều trị nhiễm trùng huyết. Sau đó, bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường tiếp tục theo dõi, điều chỉnh thuốc và đánh giá thêm. Ngày 5/4, ông hết nhiễm trùng, được xuất viện và tái khám suy thượng thận định kỳ.
Suy tuyến thượng thận cấp là tình trạng thiếu hụt hormone corticoid cấp tính. Hormone này do tuyến thượng thận sản xuất, có vai trò điều hòa chuyển hóa glucose, dị hóa protein, thay đổi chuyển hóa canxi… Các nguyên nhân gây suy thượng thận cấp gồm nhiễm trùng; phẫu thuật, xuất huyết tuyến thượng thận; sau khi dùng thuốc kháng đông, ngừng dùng thuốc corticoid đột ngột… Người bệnh thường có biểu hiện rối loạn tiêu hóa (nôn ói, ăn kém…) tụt huyết áp, tay chân lạnh…
Theo bác sĩ Trí, 24 giờ đầu tiên sau khi có dấu hiệu suy thượng thận cấp là giai đoạn nguy hiểm. Tình trạng mất nước, sốt cao, mất tri giác, loạn mạch… có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Người bệnh cần được nhập viện theo dõi, tránh tử vong. Chẩn đoán suy thượng thận cấp thường khó khăn do triệu chứng lâm sàng không rõ ràng, dễ bỏ sót và nhầm lẫn với chẩn đoán trụy tim mạch không rõ nguyên nhân. Trường hợp của ông Yên, dựa trên tiền sử bệnh suy thận mạn và các biểu hiện sốt, ăn uống kém, nhiễm trùng từ vết thương… nên bác sĩ nghĩ ngay đến suy thượng thận cấp và điều trị kịp thời.
Người bệnh suy thượng thận cần tái khám định kỳ với bác sĩ khoa nội tiết – đái tháo đường để được chỉ định xét nghiệm, điều chỉnh liều thuốc corticoid phù hợp, tránh suy thượng thận cấp. Chích ngừa vaccine dự phòng cúm, phế cầu giúp phòng tránh các bệnh nhiễm trùng. Khi có vết thương, sốt, chán ăn không rõ nguyên nhân… cần đến bệnh viện thăm khám.
Nguyễn Trăm
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/nguy-kich-do-not-mun-o-ma-nhiem-trung-4592805.html