Lao là bệnh truyền nhiễm mạn tính do vi khuẩn mycobacterium tuberculosis gây ra. Tiểu đường là bệnh mạn tính không lây nhiễm – một trong những yếu tố thúc đẩy bệnh lao tiến triển. Theo BS.CKI Trần Đông Hải, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, người bệnh tiểu đường thường mắc lao phổi, nhưng ngược lại người mắc lao phổi không phải đều bị tiểu đường.
Năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có hơn 10 triệu người mắc bệnh lao. Tại Việt Nam, năm 2018, WHO ước tính có khoảng 174.000 người mắc lao mới, 11.000 người tử vong do bệnh lao và là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất trên thế giới.
Nguyên nhân khiến người bệnh tiểu đường nhiễm lao phổi và các bệnh nhiễm khuẩn là cơ thể suy giảm miễn dịch, sức đề kháng giảm sút. Người bệnh tiểu đường nhiễm lao phổi thường không có triệu chứng, phát hiện tình cờ qua tầm soát sức khỏe. Ngoài ra, một số người có dấu hiệu sốt nhẹ vào buổi chiều, sụt cân, ho dai dẳng.
Cơ thể người bệnh có thể tăng chất kháng viêm khiến đường huyết khó kiểm soát hơn. Ngoài ra, việc tự ý mua thuốc ở các tiệm thuốc tây, dùng thuốc không đúng cách, không theo chỉ định của bác sĩ cũng khiến tình trạng bệnh thêm nặng nề, đường huyết tăng cao. Sự kết hợp giữa lao và đường tuyết tăng cao khiến người bệnh rơi vào nguy kịch tính mạng, thậm chí tử vong.
Điều trị song hành cả hai bệnh tiểu đường và lao phổi, theo dõi chức năng gan mới đạt hiệu quả. Người bệnh cần đạt mục tiêu đường huyết lúc đói dưới 126 mg và HbA1C dưới 7%. Bác sĩ thường cho người bệnh dùng insulin nhằm đạt được hiệu quả giảm các tác dụng phụ của thuốc và giảm biến chứng bệnh tiểu đường.
Bác sĩ Hải cho biết, quá trình triều trị và chăm sóc người bệnh tiểu đường nhiễm lao phổi gặp nhiều khó khăn. Bởi thuốc tiểu đường (sulfonyl urae, metformin, acarbose…) và thuốc trị lao đều có tác dụng phụ gây suy giảm chức năng gan. Thuốc điều trị lao cũng làm tăng đường huyết như thuốc rifampicin. Nếu người bệnh uống thuốc điều trị lao mà không tái khám với bác sĩ nội tiết – đái tháo đường, đường huyết sẽ liên tục tăng cao dẫn dến các biến chứng nguy hiểm khác: tăng áp lực thẩm thấu máu, nhiễm toan ceton (tình trạng máu chứa nhiều axit, tổn thương mạch máu, tim, thận…). Đồng thời, người bệnh thường đáp ứng kém với các thuốc điều trị lao, khiến quá trình chữa bệnh thêm khó khăn.
Người bệnh tiểu đường nhiễm lao không nên ăn uống kiêng khem dẫn đến suy kiệt sức khỏe khiến việc điều trị khó khăn hơn. Mỗi bữa ăn hàng ngày cần đảm bảo các chất dinh dưỡng: tinh bột (cơm, bún, phở…), vitamin (rau xanh, trái cây ít ngọt…), đạm (thịt bò, thịt ga, thịt heo…). Hàng ngày, người bệnh nên vận động, luyện tập thể dục để nâng cao sức đề kháng; tái khám với bác sĩ để điều chỉnh thuốc, tư vấn chế độ dinh dưỡng, luyện tập phù hợp.
Bác sĩ Hải khuyên, người bệnh tiểu đường nhiều năm, không kiểm soát tốt đường huyết… khi có triệu chứng sốt, ho kéo dài không nên tự ý mua thuốc điều trị. Người bệnh nên khám bác sĩ khoa nội tiết – đái tháo đường để được tư vấn, chụp phim phổi… tầm soát có hay không nhiễm lao, tư vấn chiến lược điều trị. Chích ngừa vaccine cúm, phế cầu… giúp phòng ngừa mắc các bệnh hô hấp, tăng cường nhiều lớp bảo vệ cơ thể.
Nguyễn Trăm
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/nguy-co-nhiem-lao-phoi-o-nguoi-tieu-duong-4592458.html