Theo nghiên cứu thường niên của S&P Global Mobility – hãng chuyên cung cấp dữ liệu ngành công nghiệp ôtô – tuổi trung bình của ôtô đã tăng 3 tháng so với con số của năm 2022. Đây cũng là mức tăng lần thứ 6 liên tiếp kể từ 2018 được ghi nhận tại Mỹ, nơi có hơn 284 triệu chiếc xe hơi lưu hành.
Sau những tác động từ đại dịch Covid-19 lên thị trường ôtô, xe mới vẫn giữ mức giá đắt đỏ, với giá niêm yết trung bình là 47.409 USD trong tháng 4, theo Cox Automotive. Các hãng xe đang ưu tiên lợi nhuận hơn so với thị phần và tranh thủ kiếm lời trong thời kỳ phần lớn khách hàng sẽ chấp nhận mua bất cứ chiếc xe nào họ có thể nhận được.
Lượng hàng tồn kho của cả xe mới và cũ gần như hoàn toàn trống rỗng, và thời gian chờ đợi để lấy xe mới ngày càng dài. Cùng với những bất lợi về kinh tế cũng như lãi suất tăng vọt, nhiều người quyết định một cách đơn giản là giữ lấy thứ mà họ đang có trong lúc chờ cơ hội tốt hơn.
Nhưng ôtô càng nhiều tuổi, càng cần đến quá trình bảo dưỡng và làm dịch vụ – một lợi ích đối với lĩnh vực sửa chữa ôtô. Các ngành kinh doanh linh phụ kiện cũng tăng cơ hội khi các tài xế giữ xe lâu hơn, vì họ sẽ cần đến đồ để thay thế khi chiếc xe ngày càng già cỗi.
Tình trạng này có thể tạo ra những vấn đề về cung và cầu. Nếu có thêm các tài xế cần sửa xe, thời gian chờ đợi chiếc xe được sửa sẽ lâu hơn, chi phí cũng tăng theo.
Khách hàng ở thị trường xe cũ cũng đối mặt với khó khăn, vì sẽ ít xe cũ bán ra hơn. Giá bán của dòng xe đã qua sử dụng có thể cũng tăng. Theo đó, trong tháng 4, giá niêm yết trung bình của một chiếc xe cũ là 26.799 USD – mức ổn định nhưng cao hơn đôi chút so với trước đại dịch.
Sau đó, đến khi những chiếc xe cũ này được bán ra, khách hàng sẽ phải chọn giữa các xe có tuổi đời nhiều hơn trước đây, với số quãng đường lớn hơn bình thường. Có nghĩa, tình hình thực tế lúc này sẽ còn tác động lâu dài lên thị trường ôtô ở Mỹ.
Mỹ Anh (theo Business Insider)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/nguoi-my-dung-oto-lau-ky-luc-4606196.html