Bản phục dựng toàn bộ cơ thể một thiếu niên thời kỳ Đồ Đá mang tên Vistegutten đang được trưng bày tại bảo tàng Hå Gamle Prestegard, miền nam Na Uy, Live Science hôm 15/2 đưa tin. Dự án phục dựng kỳ công được thực hiện trong suốt nhiều tháng.
Các nhà khảo cổ phát hiện hài cốt Vistegutten trong một hang động ở Randaberg, dọc theo bờ biển phía tây Na Uy năm 1907. Cậu bé 15 tuổi cao 1m25, khá thấp so với lứa tuổi, kể cả theo tiêu chuẩn của thời kỳ Đồ Đá giữa. Có thể Vistegutten đã chết một cách cô độc vì hài cốt của cậu bé trông như đang ngồi dựa vào vách hang.
“Có thể cậu bé được đặt ở tư thế này sau khi mất, nhưng cũng có khả năng cậu bé thực sự chết trong tư thế này”, Oscar Nilsson, nghệ nhân pháp y Thụy Điển, người tái tạo chân dung Vistegutten, cho biết.
Vistegutten mắc chứng đầu hình thuyền (scaphocephaly), xảy ra khi đường nối dọc trên đỉnh hộp sọ đóng lại quá sớm khiến đầu dài ra theo hướng trước sau mà không mở rộng sang hai bên, dẫn đến phần trán nhô ra.
“Tuy nhiên, dị tật này không đi kèm với các vấn đề về khả năng phát triển hay thiểu năng trí tuệ”, Sean Dexter Denham, chuyên gia về xương tại Bảo tàng Khảo cổ thuộc Đại học Stavanger (Na Uy), nói. Hộp sọ bất thường và vóc dáng thấp bé có thể khiến Vistegutten sở hữu ngoại hình khác lạ, nhưng những dấu vết để lại cho thấy cậu bé vẫn được ăn uống đầy đủ và khỏe mạnh.
Để phục dựng, nhóm chuyên gia tiến hành chụp cắt lớp vi tính (CT) hộp sọ hai lần. Từ đó, Nilsson tạo ra một bản sao bằng nhựa in 3D. Vì không rõ độ dày mô trên khuôn mặt cậu bé, Nilsson đã dựa vào số đo của những thiếu niên 15 tuổi ở Bắc Âu hiện đại.
Nilsson nhận thấy cậu bé có trán tròn và hơi nhô, sống mũi mảnh nhưng phần dưới mũi khá rộng. Phân tích ADN cũng cho thấy màu da, tóc và mắt của cậu gần giống với những người Na Uy khác trong thời kỳ đó, chủ yếu là mắt nâu, tóc sẫm màu và màu da trung bình.
Trang phục của Vistegutten do nhà khảo cổ Thụy Điển Helena Gjaerum thiết kế với những kỹ thuật thuộc da thời tiền sử. Trang phục gồm áo tunic dài từ da nai sừng tấm cạo lông, hai tấm da cá hồi quấn quanh eo, túi treo ở thắt lưng làm từ da hươu. Xương của những con vật này đều được tìm thấy tại địa điểm khảo cổ. “Bộ đồ được khâu bằng cả sợi gân và dây da, sau đó bôi thêm tro và mỡ để trông chân thực hơn”, Gjaerum chia sẻ. Ngoài ra, cậu bé còn đeo vòng cổ từ xương sống của cá hồi và vỏ sò vỡ.
Thu Thảo (Theo Live Science)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/ngoai-hinh-khac-la-cua-cau-be-song-cach-day-8-300-nam-4571167.html