Nhóm nghiên cứu đứng đầu là Kathrin Bolstad, giáo sư sinh thái học ở Đại học Công nghệ Auckland, bắt gặp nghĩa địa xác cá voi hoàn toàn tình cờ trong một chuyến thám hiểm năm 2017. Nhận thấy đây là phát hiện hiếm, họ ghi lại thước phim độ phân giải cao để phân tích sau đó. Đây là nghĩa địa cá voi tự nhiên ở xa xích đạo nhất từng được phát hiện. Các nhà nghiên cứu công bố kết quả quan sát trên tạp chí Polar Biology, Newsweek hôm 24/2 đưa tin.
Nghĩa địa cá voi nằm ở độ sâu 945 m ngoài khơi bán đảo Tây Nam Cực. Địa điểm này khiến phát hiện trở nên khác thường hơn. Đa số khu vực nghĩa địa cá voi nằm ở bắc Thái Bình Dương, ngoài khơi California và Nhật Bản. Chưa đến 5% nghĩa địa cá voi nằm gần vùng cực.
Xác cá voi ở nghĩa địa có kích thước khổng lồ, chỉ riêng hộp sọ đã dài hai mét. Nhóm nghiên cứu xác định con vật thuộc loài cá voi minke Nam Cực, có thể dài tới 10,7 m, theo Cục Khảo sát Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA).
Theo Bolstad, bộ xương có thể nằm ở đáy biển 1 – 2 năm. Trong thời gian đó, xác cá voi bị hệ sinh thái sinh vật biển xâm chiếm. “Phần lớn nghĩa địa cá voi có hàng chục, thậm chí hàng trăm loài khác nhau tận dụng nguồn thức ăn bất ngờ này”, Bolstad nói.
Để quan sát hệ sinh thái phong phú như vậy, và cộng sự quay phim độ phân giải cao suốt hai giờ và xem lại chi tiết để xác định các loài có mặt. Họ nhận thấy trong số đó có bọ chét biển, giun biển lông cứng và những chỗ dịch nhầy hé lộ sự tồn tại của giun ăn xương. Xác cá voi cung cấp lượng thức ăn dồi dào cho quần thể dưới biển sâu trong nhiều thập kỷ.
Xác cá voi rơi xuống đáy biển thường trải qua 4 giai đoạn phân hủy. Con cá voi trong video đang ở cuối giai đoạn hai, trong đó phần lớn mô mềm đã bị các loài ăn xác thối lớn tiêu hóa, nhưng bộ xương vẫn còn một ít mô sót lại, thu hút động vật nhỏ hơn. Thước phim giúp các nhà nghiên cứu hiểu sâu hơn về quá trình phân hủy liên tục với nhiều loài khác nhau cùng sinh tồn.
An Khang (Theo Newsweek)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/nghia-dia-ca-voi-duoi-day-nam-cuc-4574630.html