Nghị luận về Văn học góp phần phát triển trí tưởng tượng của tuổi trẻ thế nào? Là một trong những chủ đề rất hay nằm trong bài viết nghị luận về vai trò của văn học đối với tuổi trẻ sách Ngữ văn 12 Cánh diều tập 1.
Văn học góp phần phát triển trí tưởng tượng của tuổi trẻ thế nào mang đến bài văn mẫu cực hay. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều gợi ý tham khảo, trau dồi kiến thức để biết cách viết bài văn nghị luận. Đồng thời qua đó hiểu được vai trò của thơ văn đối với đời sống tâm hồn và sự phát triển phẩm chất của con người nói chung và đặc biệt đối với tuổi trẻ nói riêng. Ngoài ra các bạn xem thêm nghị luận về một tác phẩm đã làm thay đổi cuộc sống của bản thân.
Văn học góp phần phát triển trí tưởng tượng của tuổi trẻ như thế nào
Bất cứ công việc sáng tạo nào của con người cũng cần có trí tưởng tượng. Dưới góc độ khoa học, Albert Einstein cho rằng “Imagination is more important than knowledge. Knowledge is limited. Imagination encircles the world. – Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn cả kiến thức. Kiến thức là hữu hạn. Trí tưởng tượng là vô cùng.” Còn trong văn học, nhà văn Nguyễn Đình Tú đã bộc bạch: “Nhà văn xét cho cùng, chỉ sống một phần bằng vào sự trải nghiệm thôi, nhà văn tồn tại bằng trí tưởng tượng của mình.”
Những nhận định trên tái khẳng định giá trị và khả năng vô hạn của trí tưởng tượng trong các công việc, đặc biệt là lĩnh vực sáng tạo, phát minh. Vậy nên nhiều sách lý luận văn học đều nhất trí rằng: Trí tưởng tượng phong phú chính là “tư chất nghệ sĩ của nhà văn”.
Trí tưởng tượng được hiểu theo rất nhiều nghĩa khác nhau, nhưng định nghĩa phù hợp nhất và có tính khái quát nhất như sau: Trí tưởng tượng, hiểu đơn giản là việc sử dụng bộ não và các giác quan để tạo ra một hình ảnh nào đó trong tâm trí. Trí tưởng tượng có thể dựa trên trải nghiệm hoặc kiến thức đã tiếp thu, từ đó chúng ta hoặc kết hợp các dữ liệu đã có lại với nhau để tạo ra dữ liệu mới.
Khi đọc và cảm nhận các tác phẩm văn học, ta có thể thấy trí tưởng tượng phong phú của nhà văn thể hiện ở việc khéo léo xây dựng được nhiều câu chuyện sáng tạo và đi sâu vào chi tiết, có sự logic, đúng với quá trình tâm lý, tình thái của con người. Không chỉ vậy, các nhà văn còn mô tả các hình ảnh vô cùng sinh động để tạo ra sự liên tưởng cho chính người đọc. Quá trình cảm thụ, liên tưởng khi tiếp nhận văn bản chính là cách mà độc giả giao tiếp với tác giả. Từ đây, ta tìm lại kết nối với cuộc sống cũng như tư tưởng, tình cảm của nhà văn.
Trí tưởng tượng phong phú đã giúp nhà văn có năng lực đồng cảm sâu sắc với nhiều câu chuyện trong cuộc đời, đồng thời khi viết sẽ hòa làm một với nhân vật, sống một cách tha thiết, mãnh liệt nhất như chính mình mang số phận ấy.
Nhà văn Nam Cao trong “Chí Phèo” đã sử dụng khả năng tưởng tượng để tạo nên không gian làng Vũ Đại có một Chí Phèo bên ngoài gàn dở, gớm ghiếc, bên trong đầy xấu xa, đê tiện. Nhưng có lẽ chỉ ông mới nhìn thấu được câu chuyện bi kịch phía sau con người ấy, hiểu và lột tả nỗi đau đớn, bất lực cùng tận, khát khao mãnh liệt được sống giản dị, lương thiện:
Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được. Họ sẽ thấy rằng hắn cũng có thể không làm hại được ai. Họ sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện.
Khi viết ra những dòng chữ này, nhà văn đã hoà vào làm một với Chí Phèo, ta không còn nhận ra đó là lời văn của tác giả mà đó là lời thoại của anh Chí bần cùng, tha hoá.
Trí tưởng tượng phong phú còn giúp phát triển khả năng liên tưởng, tạo ra sự nối kết các hình tượng với những ý nghĩa đặc sắc, sáng tạo. Như trong bài thơ Qua đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
(Qua đèo Ngang – bà Huyện Thanh Quan)
Sự liên hệ đặc biệt giữa con chim cuốc – quốc (đất nước), chim đa đa – da da- gia (nhà) chính xuất phát từ khả năng liên hệ các từ đồng âm, gần âm. Nỗi nhớ nước thương nhà cũng dẫn dắt cảm hứng cho nhà thơ khi nghe tiếng chim lại cảm thấy trống vắng, đau lòng, da diết, không gian đèo Ngang thì hiu quạnh, hoang sơ. Sự sáng tạo này là tự nhiên, bất ngờ và không có công thức, phụ thuộc vào trải nghiệm và cảm xúc cá nhân.
Trí tưởng tượng sẽ giúp nhà văn khai phóng mọi khả năng tiềm ẩn của não bộ, vụt sáng những phán đoán và sáng tạo bất ngờ chưa từng có, khẳng định cá tính và màu sắc của mình.
Trí tưởng tượng phong phú còn là bản lề để nhà văn thể hiện ước mơ, khát vọng chiến thắng cái hữu hạn của đời sống hiện thực. Chẳng hạn, từ cốt truyện “Vợ chàng Trương”, Nguyễn Dữ đã phát triển thành “Chuyện người con gái Nam Xương” với một cái kết khác. Ông không dừng lại ở sự ra đi của Vũ Nương, dừng lại ở kết thúc nghiệt ngã của người phụ nữ. Tác giả đã viết tiếp không gian tưởng tượng kì ảo ở thùy phủ, nơi Vũ Nương có cuộc sống thứ hai và được quay trở về giải nỗi oan khuất cho mình.
Nguyễn Dữ mong muốn phản ánh hiện thực tàn nhẫn về số mệnh phụ nữ đương thời. Ngoài ra, ông còn thể hiện niềm cảm thông với họ, thay họ bày tỏ khao khát được đấu tranh, bảo vệ chính mình. Tuy nhiên sự tưởng tượng không được quá xa rời với thực tại, xuất hiện để thể hiện khát vọng, mong muốn thay đổi tốt đẹp của con người.
Bạn biết những nhà văn khác cũng có trí tưởng tượng phong phú? Theo bạn, họ đã làm gì để nuôi dưỡng trí tưởng tượng ấy?
Ngữ văn là môn học giúp phát triển tư duy hình tượng. Đối với con người, tư duy logic của toán học và tư duy hình tượng của văn học là vô cùng quan trọng. Phát triển tốt năng lực tư duy này để ứng dụng vào rất nhiều bộ môn khác, lĩnh vực nghề nghiệp khác trong cuộc sống. Vì vậy, chúc bạn sẽ học tập chăm chỉ và để tâm rèn luyện, bồi đắp trí tưởng tượng cho mình.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Nghị luận về Văn học góp phần phát triển trí tưởng tượng của tuổi trẻ thế nào? Viết bài nghị luận về vai trò của văn học đối với tuổi trẻ của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.