Từ ngày 01/05/2018, Nghị định 32/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 08/03/2018 chính thức có hiệu lực. Nghị định sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Theo đó, Nghị định bổ sung quy định phương thức thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/2018/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 08 tháng 3 năm 2018 |
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 91/2015/NĐ-CP NGÀY 13 THÁNG 10 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐẦU TƯ VỐN NHÀ NƯỚC VÀO DOANH NGHIỆP VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN, TÀI SẢN TẠI DOANH NGHIỆP
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp như sau:
1. Bổ sung khoản 7, khoản 8, khoản 9 vào Điều 4 như sau:
“7. Chủ sở hữu đối với vốn nhà nước hoặc vốn của doanh nghiệp nhà nước (sau đây gọi là chủ sở hữu vốn) là cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc doanh nghiệp nhà nước có vốn đầu tư chuyển nhượng.
8. Đấu giá công khai là phương thức chuyển nhượng vốn đầu tư của nhà nước hoặc của doanh nghiệp nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, bao gồm, đấu giá thông thường hoặc đấu giá theo lô.
– Đấu giá thông thường là cuộc đấu giá trong đó không hạn chế số lượng cổ phần, phần vốn góp đặt mua đối với nhà đầu tư tại cuộc đấu giá chuyển nhượng vốn.
– Đấu giá theo lô là cuộc đấu giá trong đó số lượng cổ phần bán đấu giá được xác định theo một hoặc nhiều lô, nhà đầu tư tham gia đấu giá phải đặt mua tối thiểu từ một lô trở lên. Việc chia tổng số cổ phần thành từng lô cổ phần để bán đấu giá theo lô do chủ sở hữu vốn quyết định.
9. Ngày hoàn thành chuyển nhượng vốn là ngày Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam hoàn thành việc chuyển quyền sở hữu cổ phần cho các nhà đầu tư đã mua được cổ phần của phần vốn chuyển nhượng phù hợp với từng phương thức giao dịch chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần (đối với công ty cổ phần đã đăng ký là công ty đại chúng); hoặc là ngày nhà đầu tư được ghi tên trong sổ đăng ký cổ đông (đối với công ty cổ phần chưa đăng ký là công ty đại chúng), sổ đăng ký thành viên (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) sau khi đã mua được phần vốn góp của nhà nước hoặc của doanh nghiệp nhà nước.”
2. Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 5. Phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp nhà nước
1. Doanh nghiệp nhà nước cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội, bao gồm:
a) Dịch vụ bưu chính công ích;
b) Xuất bản (không bao gồm lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm);
c) Hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp theo quy định của Chính phủ;
d) Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè đá lấn biển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
đ) Quản lý, khai thác, điều hành hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị;
e) Dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn;
g) Bảo đảm an toàn hàng hải (không bao gồm nạo vét, duy tu luồng hàng hải công cộng);
h) Trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
2. Doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
3. Doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên, bao gồm:
a) Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia và quản lý lưới điện phân phối; thủy điện đa mục tiêu; điện hạt nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội gắn với quốc phòng, an ninh;
b) Sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp;
c) In, đúc tiền và sản xuất vàng miếng và các vật phẩm lưu niệm bằng vàng;
d) Kinh doanh xổ số;
đ) Doanh nghiệp nhà nước có chức năng đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, mua bán và xử lý nợ phục vụ tái cơ cấu và hỗ trợ điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô;
e) Trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
4. Doanh nghiệp nhà nước ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế”.
3. Bổ sung khoản 5 Điều 10 như sau:
“5. Đối với phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt sử dụng nguồn Quỹ Đầu tư phát triển tại doanh nghiệp để đầu tư bổ sung vốn điều lệ, doanh nghiệp nhà nước căn cứ mức vốn điều lệ xác định lại và vốn còn thiếu cần bổ sung, nguồn Quỹ Đầu tư phát triển tại doanh nghiệp đã được trích lập theo quy định để hạch toán tăng vốn đầu tư (vốn góp) của chủ sở hữu trong vốn điều lệ đã được xác định lại (doanh nghiệp không phải lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền cấp bổ sung vốn điều lệ theo quy định tại khoản 1 Điều này). Sau khi hạch toán tăng vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu để quyết định điều chỉnh lại mức vốn thực góp trên giấy đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp”.
4. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 11 như sau:
“b) Khi doanh nghiệp tiếp nhận tài sản từ nơi khác chuyển đến được đầu tư bằng vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, tiếp nhận tiền theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước (hỗ trợ di dời, sắp xếp lại, xử lý nhà đất, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp căn cứ vào quyết định điều chuyển tài sản của cấp có thẩm quyền và biên bản bàn giao tài sản, quyết toán tiền hỗ trợ của Nhà nước, thực hiện ghi tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trường hợp khi thực hiện ghi tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vốn góp thực tế của chủ sở hữu cao hơn mức vốn điều lệ đã được phê duyệt, doanh nghiệp báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định điều chỉnh lại mức vốn điều lệ cho doanh nghiệp trên cơ sở hồ sơ hạch toán tăng vốn nêu trên mà không phải lập hồ sơ xác định lại vốn điều lệ và hồ sơ đề nghị đầu tư bổ sung vốn theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Nghị định này.”
5. Khoản 2 Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Doanh nghiệp được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này hoạt động trong các ngành, lĩnh vực sau đây:
a) Quản lý, khai thác các cảng hàng không, sân bay; dịch vụ khai thác khu bay;
b) Quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa; bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia;
c) Dịch vụ thông tin dẫn đường, giám sát, dịch vụ khí tượng hàng không;
d) Khai thác khoáng sản quy mô lớn theo quy định hiện hành về phân loại quy mô mỏ khoáng;
đ) Tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí;
e) Đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc ở địa bàn kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa;
g) Trồng và chế biến cao su, cà phê tại các địa bàn kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn chiến lược, miền núi, vùng sâu, vùng xa gắn với quốc phòng, an ninh.”
6. Khoản 2 Điều 19 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Đối với doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động:
a) Doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động khi thực hiện điều chỉnh mức vốn điều lệ, việc xác định lại mức vốn điều lệ phải trên cơ sở các nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Đối với doanh nghiệp nhà nước thực hiện điều chỉnh tăng mức vốn điều lệ:
– Phương thức xác định lại mức vốn điều lệ và xác định mức vốn điều lệ tăng thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.
– Trình tự, thủ tục lập, phê duyệt hồ sơ đề nghị đầu tư bổ sung vốn điều lệ và thực hiện cấp bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 10, Điều 11 Nghị định này.
c) Đối với doanh nghiệp nhà nước thực hiện điều chỉnh giảm mức vốn điều lệ thì cơ quan đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định xử lý giá trị vốn điều lệ giảm.
d) Trường hợp cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hình thức tách doanh nghiệp nhà nước, căn cứ phương án tách doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp phê duyệt và biên bản bàn giao tài sản, vốn khi tách doanh nghiệp để điều chỉnh lại vốn thực góp của chủ sở hữu trong vốn điều lệ của doanh nghiệp bị tách và doanh nghiệp được tách.
đ) Trong thời hạn áp dụng mức vốn điều lệ điều chỉnh lại quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định, trường hợp nguồn bổ sung vốn điều lệ không đủ để bổ sung theo mức vốn điều chỉnh lại đã được phê duyệt hoặc do thay đổi chính sách doanh nghiệp không còn thuộc đối tượng được nhà nước đầu tư vốn thì cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh lại mức vốn điều lệ cho doanh nghiệp.”
Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Nghị định 32/2018/NĐ-CP Phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.