Từ ngày 01/01/2018, Nghị định 168/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 31/12/2017 chính thức có hiệu lực. Nghị định hướng dẫn Luật Du lịch. Theo đó, sản phẩm du lịch được xếp vào loại có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch khi có một hoặc một số hoạt động sau:
- Bay dù lượn, khinh khí cầu; nhảy dù; đu dây mạo hiểm hành trình trên cao.
- Đi xe đạp, mô tô, ô tô địa hình trên núi, trên đồi cát; đi trên dây; leo núi, vách đá; đu dây vượt thác.
- Lặn dưới nước, chèo thuyền vượt ghềnh thác; đi mô tô nước; lướt ván; ca nô kéo dù bay.
- Thám hiểm hang động, rừng, núi.
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 168/2017/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2017 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT DU LỊCH
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch; biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch đối với những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch; điều kiện công nhận điểm du lịch, khu du lịch; ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành; cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch; điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch của cơ sở lưu trú du lịch và nguồn hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam.
3. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cơ quan khác, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến du lịch.
Chương II
ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI TÀI NGUYÊN DU LỊCH
Điều 3. Điều tra tài nguyên du lịch
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định điều tra tổng thể tài nguyên du lịch. Căn cứ nhu cầu thực tiễn hoặc theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định điều tra bổ sung để cập nhật thông tin về tài nguyên du lịch.
2. Thời gian thực hiện điều tra do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Điều 4. Nội dung cơ bản trong điều tra tài nguyên du lịch
1. Thông tin chung về tài nguyên du lịch: Tên gọi, vị trí, phạm vi, diện tích đất, (đất có) mặt nước đang sử dụng, chủ thể quản lý, sử dụng.
2. Hiện trạng khai thác và sử dụng tài nguyên du lịch.
3. Đặc điểm, tính chất của tài nguyên du lịch.
4. Giá trị của tài nguyên du lịch.
Điều 5. Đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch
1. Căn cứ kết quả điều tra, tài nguyên du lịch được đánh giá về giá trị, sức chứa, mức độ hấp dẫn, phạm vi ảnh hưởng và khả năng khai thác phục vụ phát triển du lịch.
2. Căn cứ kết quả đánh giá, tài nguyên du lịch quy định tại Điều 15 Luật Du lịch được phân loại thành tài nguyên du lịch cấp quốc gia và tài nguyên du lịch cấp tỉnh.
Điều 6. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng kế hoạch, phương án điều tra tài nguyên du lịch phù hợp với chiến lược phát triển du lịch, có trọng tâm, trọng điểm. Phương án điều tra có sử dụng toàn bộ hoặc một phần kết quả điều tra có liên quan đến tài nguyên du lịch do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành đã thực hiện;
b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch, phương án điều tra tài nguyên du lịch;
c) Tổng hợp kết quả điều tra, tổ chức đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch;
d) Công bố và lưu trữ kết quả điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch.
2. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ:
a) Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch, phương án điều tra tài nguyên du lịch;
b) Cung cấp dữ liệu liên quan đến tài nguyên du lịch thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của bộ, cơ quan ngang bộ.
3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
a) Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan tổ chức điều tra tài nguyên du lịch theo kế hoạch, phương án điều tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
b) Cung cấp dữ liệu liên quan đến tài nguyên du lịch thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Điều 7. Kinh phí điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch
1. Kinh phí điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân và nguồn huy động hợp pháp khác.
2. Việc quản lý, sử dụng kinh phí điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch thực hiện theo quy định của pháp luật.
Chương III
BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM AN TOÀN CHO KHÁCH DU LỊCH ĐỐI VỚI NHỮNG SẢN PHẨM DU LỊCH CÓ NGUY CƠ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TÍNH MẠNG, SỨC KHỎE CỦA KHÁCH DU LỊCH
Điều 8. Sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch
Sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch khi có một hoặc một số hoạt động sau đây:
1. Bay dù lượn, khinh khí cầu; nhảy dù; đu dây mạo hiểm hành trình trên cao.
2. Đi xe đạp, mô tô, ô tô địa hình trên núi, trên đồi cát; đi trên dây; leo núi, vách đá; đu dây vượt thác.
3. Lặn dưới nước; chèo thuyền vượt ghềnh thác; đi mô tô nước; lướt ván; ca nô kéo dù bay.
4. Thám hiểm hang động, rừng, núi.
Điều 9. Biện pháp bảo đảm an toàn khi kinh doanh các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch
1. Có cảnh báo, chỉ dẫn về điều kiện khí hậu, thời tiết, sức khỏe và các yếu tố liên quan khi cung cấp các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch.
2. Có phương án cứu hộ, cứu nạn; bố trí lực lượng cứu hộ khách du lịch và can thiệp, xử lý, ứng cứu kịp thời các sự cố, tai nạn, rủi ro xảy ra; duy trì, bảo đảm thông tin liên lạc với khách du lịch trong suốt thời gian cung cấp sản phẩm.
3. Bố trí, sử dụng huấn luyện viên, kỹ thuật viên, hướng dẫn viên có chuyên môn phù hợp.
4. Phổ biến các quy định về bảo đảm an toàn cho khách du lịch; hướng dẫn các thao tác kỹ thuật cho khách du lịch trước khi cung cấp sản phẩm du lịch.
5. Cung cấp, hướng dẫn sử dụng và giám sát việc sử dụng trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, bảo đảm an toàn cho khách du lịch.
Điều 10. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân
1. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trực tiếp kinh doanh các sản phẩm du lịch quy định tại Điều 8 Nghị định này:
a) Thực hiện các biện pháp quy định tại Điều 9 Nghị định này;
b) Thông báo bằng văn bản cho Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi tổ chức kinh doanh sản phẩm du lịch chậm nhất 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh;
c) Tuân thủ các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Trách nhiệm của Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
a) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm du lịch quy định tại Điều 8 Nghị định này, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức kiểm tra và công bố trên Cổng thông tin điện tử Danh mục tổ chức, cá nhân đáp ứng đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn quy định tại Điều 9 Nghị định này.
Trường hợp tổ chức, cá nhân chưa đáp ứng được các biện pháp bảo đảm an toàn, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo bằng văn bản yêu cầu hoàn thiện, bổ sung các biện pháp bảo đảm an toàn và chỉ được kinh doanh sau khi đáp ứng đầy đủ các quy định tại Điều 9 Nghị định này;
b) Thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm du lịch quy định tại Điều 8 Nghị định này.
3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch:
a) Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định tại Điều 9 Nghị định này của các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm du lịch trong phạm vi quản lý;
b) Tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp trực tiếp kinh doanh các sản phẩm du lịch;
c) Phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp xảy ra rủi ro đối với khách du lịch.
4. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành:
a) Tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp trực tiếp kinh doanh các sản phẩm du lịch;
b) Sử dụng dịch vụ do tổ chức, cá nhân thuộc Danh mục tổ chức, cá nhân đáp ứng đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch cung cấp trong trường hợp không trực tiếp kinh doanh các sản phẩm du lịch này.
Chương IV
ĐIỀU KIỆN CÔNG NHẬN ĐIỂM DU LỊCH, KHU DU LỊCH
Điều 11. Điều kiện công nhận điểm du lịch
1. Có tài nguyên du lịch, có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Tỷ lệ bản đồ phụ thuộc vào yêu cầu quản lý và địa hình khu vực.
2. Có kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch, bao gồm:
a) Có kết nối giao thông, thông tin liên lạc thuận lợi;
b) Có điện, nước sạch;
c) Có biển chỉ dẫn, thuyết minh về điểm du lịch;
d) Có dịch vụ ăn uống, mua sắm.
3. Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, bao gồm:
a) Có bộ phận bảo vệ trực 24 giờ mỗi ngày;
b) Công khai số điện thoại, địa chỉ của tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch;
c) Có hình thức tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của khách du lịch;
d) Nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng, được bố trí đủ, tương ứng với số lượng khách du lịch vào thời kỳ cao điểm;
đ) Có biện pháp thu gom và xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường;
e) Áp dụng các biện pháp phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Điều kiện công nhận khu du lịch cấp tỉnh
1. Có ít nhất 01 tài nguyên du lịch cấp tỉnh; có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Tỷ lệ bản đồ phụ thuộc vào yêu cầu quản lý và địa hình khu vực.
2. Có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch, bao gồm:
a) Có hệ thống điện lưới, hệ thống cung cấp nước sạch;
b) Có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 100.000 lượt khách mỗi năm; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 50.000 lượt khách lưu trú mỗi năm;
c) Có nội quy, hệ thống biển chỉ dẫn, thuyết minh về khu du lịch; có hệ thống biển chỉ dẫn, biển báo về giao thông, các cơ sở dịch vụ, các điểm tham quan;
d) Cung cấp dịch vụ thuyết minh, hướng dẫn du lịch.
3. Có kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông quốc gia.
4. Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, bao gồm:
a) Có bộ phận bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn;
b) Công khai số điện thoại, địa chỉ của tổ chức quản lý khu du lịch;
c) Có bộ phận thông tin hỗ trợ khách du lịch; có hình thức tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của khách du lịch;
d) Nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng, được bố trí đủ, tương ứng với số lượng khách du lịch vào thời kỳ cao điểm;
đ) Có hệ thống thu gom và biện pháp xử lý rác thải; có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt hoặc hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt liên thông với hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường;
e) Áp dụng các biện pháp phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia
1. Có ít nhất 02 tài nguyên du lịch, trong đó có tài nguyên du lịch cấp quốc gia; có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Tỷ lệ bản đồ phụ thuộc vào yêu cầu quản lý và địa hình khu vực.
2. Có trong danh mục các khu vực tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch, bao gồm:
a) Có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 500.000 lượt khách mỗi năm; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 300.000 lượt khách lưu trú mỗi năm, trong đó có cơ sở lưu trú du lịch được công nhận hạng từ 4 sao trở lên;
b) Các điều kiện quy định tại các điểm a, c, và d khoản 2 Điều 12 Nghị định này.
4. Có kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông quốc gia.
5. Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, bao gồm:
a) Có hệ thống thu gom và xử lý rác thải, nước thải tập trung theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường;
b) Các điều kiện quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 4 Điều 12 Nghị định này.
Chương V
KINH DOANH DU LỊCH
Mục 1. KÝ QUỸ KINH DOANH DỊCH VỤ LỮ HÀNH
Điều 14. Mức ký quỹ và phương thức ký quỹ
1. Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng.
2. Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế:
a) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 250.000.000 (hai trăm năm mươi triệu) đồng;
b) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng;
c) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng.
3. Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam và được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ phù hợp với quy định của pháp luật. Tiền ký quỹ phải được duy trì trong suốt thời gian doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Điều 15. Nộp tiền ký quỹ và cấp Giấy chứng nhận tiền ký quỹ
1. Khi doanh nghiệp có yêu cầu nộp tiền ký quỹ vào tài khoản tại ngân hàng, ngân hàng nhận ký quỹ và doanh nghiệp thực hiện giao kết hợp đồng ký quỹ. Trên cơ sở hợp đồng ký quỹ, ngân hàng nhận ký quỹ thực hiện phong tỏa số tiền ký quỹ của doanh nghiệp gửi tại ngân hàng.
2. Hợp đồng ký quỹ có các nội dung chính gồm: Tên, địa chỉ, người đại diện của doanh nghiệp; tên, địa chỉ, người đại diện của ngân hàng; lý do nộp tiền ký quỹ; số tiền ký quỹ; lãi suất tiền gửi ký quỹ; trả lãi tiền gửi ký quỹ; sử dụng tiền ký quỹ; rút tiền ký quỹ; hoàn trả tiền ký quỹ; trách nhiệm của các bên liên quan và các thỏa thuận khác phù hợp với quy định của pháp luật và không trái với quy định tại Nghị định này.
3. Sau khi phong tỏa số tiền ký quỹ, ngân hàng nhận ký quỹ cấp Giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành cho doanh nghiệp theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.
Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Nghị định 168/2017/NĐ-CP Hướng dẫn Luật du lịch của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.