Vụ phóng diễn ra vào lúc 3h24 sáng ngày 24/2 theo giờ địa phương, tức 7h24 cùng ngày theo giờ Hà Nội từ Sân bay Vũ trụ Baikonur do Nga điều hành ở Kazakhstan. Tàu cứu hộ Soyuz MS-23 dự kiến cập bến ISS vào ngày 25/2.
“Một chuyến bay hoàn hảo lên quỹ đạo của Soyuz MS-23! Phương tiện sẽ đưa các nhà du hành vũ trụ Sergey Prokopyev và Dmitry Petelin của Nga và phi hành gia Frank Rubio của NASA (phi hành đoàn Expedition 69) trở về Trái Đất vào cuối năm nay”, phát ngôn viên của NASA Rob Navias cho biết trong buổi bình luận trực tiếp về vụ phóng.
Việc phóng và cập bến tàu Soyuz mới diễn ra trong một tuần rất bận rộn đối với các hoạt động của ISS, vì tàu vũ trụ Crew-6 Crew Dragon của SpaceX cũng sẽ phóng 4 phi hành gia tới ISS cho NASA vào ngày 27/2 và dự kiến đến nơi sau khoảng 24 giờ.
Rắc rối với bộ ba thành viên phi hành đoàn Expedition 69 bắt đầu vào ngày 14/12 sau khi tàu Soyuz MS-22 trên ISS bị rò rỉ chất làm mát mà nguyên nhân được cho là do va chạm với thiên thạch nhỏ. Dù sự cố không gây ra mối đe dọa ngay lập tức đối với ISS hoặc các hoạt động của nó, Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos xác định cần có một chiếc Soyuz mới để thay thế chiếc MS-22 bị rò rỉ.
Lịch trình phóng tàu cứu hộ gặp khá nhiều trục trặc. Lúc đầu, Soyuz MS-23 được lên kế hoạch bay vào cuối mùa xuân với cả phi hành đoàn, nhưng Roscosmos đã đẩy lịch lên ngày 19/2 và quyết định phóng tàu không chở người. Thay vào đó, nó mang theo gần 430 kg vật tư và một con gấu bông đồ chơi để làm vật chỉ báo tình trạng không trọng lực.
Chuyến bay của Soyuz MS-23 tiếp tục bị điều chỉnh sau một sự cố rò rỉ chất làm mát nữa của tàu chở hàng Progress-82 trên ISS vào ngày 11/2. Lúc đầu, Roscosmos định lùi lịch phóng cho đến tháng 3 trong trường hợp hai vụ rò rỉ có liên quan đến nhau, nhưng cuối cùng đã đẩy lịch lên sớm hơn vào ngày 24/2. Các quan chức Roscosmos xác định rằng hai tàu bị rò rỉ chất làm mát do hai vụ va chạm thiên thạch khác nhau.
Trạm Vũ trụ Quốc tế được phóng vào năm 1998 vào thời điểm Nga và Mỹ tăng cường hợp tác sau “cuộc chạy đua vào không gian” trong Chiến tranh Lạnh. Đến nay, không gian vẫn là địa điểm hợp tác hiếm hoi giữa hai quốc gia này kể từ khi Nga tấn công Ukraine và chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Đoàn Dương (Theo Space/AFP)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/nga-phong-tau-cuu-ho-len-iss-4574294.html