Theo dõi các bài viết của độc giả VnExpress về vấn đề xử phạt nồng độ cồn thời gian qua, tôi rất đồng tình với bài viết ‘Nên có giới hạn nồng độ cồn không bị phạt’.
Sẽ thật khó khăn với những trường hợp chữa bệnh bằng thuốc có chứa rượu hay cồn. Bản thân tôi bị viêm xoang lâu năm, tôi thường xuyên phải sử dụng thuốc xịt mũi pha bằng rượu với một số thảo dược. Thời gian gần đây, nhất là dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tôi không dám sử dụng thuốc này dù thời tiết mùa này khiến căn bệnh quái ác của tôi hành hạ. Những lo lắng việc sử dụng thuốc mà lỡ bị kiểm tra nồng độ cồn rồi bị phạt nặng theo luật, tôi đành chịu đau đớn.
Ngoài ra, tôi thấy nhiều người sử dụng rượu bia hôm trước, sau một ngày nghỉ ngơi hôm sau đi làm vẫn có thể còn dư lượng cồn dù rất ít trong hơi thở. Với dư lượng này không còn nguy hiểm trong việc điều khiển phương tiện nhưng vẫn có nguy cơ bị phạt. Không lẽ sau một cuộc vui phải nghỉ ở nhà hoặc tốn tiền đi các phương tiện khác mới có thể đi làm. Đồng nghĩa với việc tuyệt đối sẽ không còn bao giờ nên uống rượu bia trừ phi không phải đi làm.
Tôi có đọc một được một bình luận trong bài viết: “Về khoa học, mọi thứ đều có ngưỡng, giới hạn của nó. Ví dụ, hãy xem chính Luật giao thông đường bộ của Việt Nam hiện nay: Tại sao khi đi ôtô trong khu dân cư (ví dụ khi có dải phân cách cứng), quy định của Luật là tốc độ không quá 60 km/h nhưng chỉ khi bạn đi với tốc độ quá quy định 5 km/h mới bắt đầu bị xử phạt? 5 km/h quá tốc độ đó là ngưỡng sai số do thiết bị đo”.
Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm và cách so sánh của độc giả này và nghĩ cơ quan chức năng cũng nên cân nhắc “vùng xanh” cho việc nồng độ cồn.
Độc giảNguyên Ngọc
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/nen-co-vung-xanh-trong-viec-gioi-han-nong-do-con-4567390.html