Hải, 23 tuổi, quê Bắc Giang, hoàn thành chương trình hệ kỹ sư ngành Kỹ thuật máy tính của Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông sớm một kỳ với điểm học tập (CPA) 3,74/4. Ngoài ra, nam sinh đạt 95/100 điểm rèn luyện – chỉ số đánh giá sự tích cực của sinh viên trong các hoạt động phong trào và nội quy của nhà trường.
Trong hơn 2.200 tân kỹ sư, cử nhân của Đại học Bách khoa Hà Nội tốt nghiệp đợt tháng 5, có 69 em đạt loại xuất sắc. 8 sinh viên, trong đó có Hải được trường khen thưởng nhờ có CPA từ 3,6 và điểm rèn luyện từ 90 trở lên.
Đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết hiếm có sinh viên nào vừa học tập, vừa rèn luyện tốt như Hải. Nam sinh từng đạt học bổng tài năng, giành học bổng khuyến khích học tập 5 lần, trong đó có 4 lần loại A (cao nhất), ba lần đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp thành phố.
“Mức điểm rèn luyện 95/100 rất hiếm, là mức cao nhất với lứa sinh viên tốt nghiệp năm nay”, vị này nói.
Trọng Hải trúng tuyển đại học năm 2018 với điểm thi tốt nghiệp THPT đạt 26,35. Năm đó, cả nước chỉ có 320 thí sinh có điểm khối A00 (Toán, Lý, Hoá) trên 26. Với mức này, Hải có thể trúng tuyển bất kỳ ngành học nào của Đại học Bách khoa Hà Nội. Thế nhưng, nam sinh kiên định chọn ngành Kỹ thuật máy tính, không đổi nguyện vọng sau khi biết điểm thi. Ngành này sau đó lấy điểm chuẩn 23,5.
Lựa chọn của Hải dựa trên những tìm hiểu kỹ lưỡng về các chuyên ngành thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin. Em cho rằng cơ hội việc làm rộng mở nếu theo ngành này bởi được học kiến thức chuyên môn cả về phần cứng, phần mềm cùng các kỹ thuật thiết kế và tích hợp tối ưu giữa hai phần.
Từng học trường chuyên nên Hải đỡ bị ngợp khi vào đại học. Dù vậy, nam sinh đánh giá ở cấp 3 có học nặng đến mấy cũng không thể bằng ở Bách khoa. Hải lấy ví dụ một buổi học thời THPT có 5 tiết, mỗi tiết một môn và mỗi môn chỉ tìm hiểu một bài ngắn, thậm chí chỉ luyện tập kiến thức đã học. Còn ở đại học, một buổi có 6 tiết với hai môn. Mỗi môn kéo dài ba tiết, phải học nửa chương đến một chương giáo trình.
“Để bắt kịp thầy cô giảng trên lớp đã khó chứ chưa nói đến hiểu bài ngay tại lớp”, Hải nói. Vì vậy, khi về nhà em buộc phải nghiên cứu lại. Hải cũng lên chiến lược học đều, bám sát các nội dung trong suốt quá trình thay vì dồn đến lúc thi mới ôn tập như cấp 3 bởi lượng kiến thức nạp vào đầu mỗi buổi rất lớn.
Ngoài ra, thầy cô chấm điểm cũng rất khắt khe, theo Hải. Nam sinh kể hồi thi giữa kỳ môn Giải tích năm nhất, em rất tự tin khi làm được hết 10 câu, chỉ phân vân kết quả một câu nên nghĩ sẽ đạt điểm giỏi, nhưng kết quả nhận về là 6,5.
“Thời gian thi ngắn mà lượng bài phải làm nhiều khiến em khó phát hiện ra sai sót, chỉ biết ra được đáp án đúng là mừng. Rồi điểm trả về gây thất vọng. Áp lực vô hình đó khiến em phải chắt chiu hơn để đạt điểm cao nhất có thể”, Hải chia sẻ.
Khi đã hiểu và bắt nhịp được với việc học ở năm đầu, các năm sau học chuyên ngành dễ dàng hơn với Hải, dù kiến thức mới và khó hơn. Theo Hải, điều quan trọng là phải thực hành nhiều, chịu khó tìm tài liệu thêm trên mạng và tự học bởi lĩnh vực Công nghệ thông tin thay đổi rất nhanh, chỉ học theo giáo trình sẽ không thể đáp ứng được.
Hải còn là thành viên tích cực của câu lạc bộ hỗ trợ học tập. Từ năm thứ hai, Hải đã đứng lớp giảng bài, hướng dẫn các em năm đầu hệ thống hóa kiến thức để học tập tốt hơn. Đến kỳ II năm thứ hai, em được bầu làm Phó chủ nhiệm câu lạc bộ này.
Tham gia Hội Sinh viên, Hải từng đại diện sinh viên đối thoại với ban giám đốc nhà trường, tham gia hỗ trợ sinh viên tìm nhà trọ, lập nhóm học tập trên Facebook, các ngày hội văn hóa, thể thao cùng nhiều hoạt động tình nguyện khác.
Cuối năm thứ ba, Hải thực tập tại tập đoàn FPT. Ở đây, em có thêm góc nhìn về doanh nghiệp, hiểu được quy trình làm việc, các quy chuẩn và yêu cầu liên quan đến công việc thực tế. Giữa năm năm thứ tư, Hải ứng tuyển vị trí lập trình viên và được nhận vào làm tại Viettel dù chưa bảo vệ đồ án, chưa có bằng tốt nghiệp.
Bận rộn với việc học, hoạt động ngoại khóa và đi làm nhưng Hải vẫn hoàn thành 68 môn học với 155 tín chỉ sớm một học kỳ so với quy định.
Để làm được điều này, nam sinh Bắc Giang đăng ký học nhiều môn trong hai năm đầu đại học. Hải cho rằng khi đó, dù tham gia nhiều hoạt động xã hội nhưng thời gian không bị gò bó nên dễ sắp xếp. Em vẫn có thời gian cho sở thích cá nhân như chơi và xem đá bóng.
Từ cuối năm thứ ba trở đi, khi số lượng môn học không còn nhiều, em thoải mái đi thực tập bán thời gian và đi làm. Theo Hải, việc này giúp kỹ năng giải quyết vấn đề thực tế tốt hơn, thuận lợi hoàn thành đồ án tốt nghiệp, đạt 9,4/10 điểm.
Ngô Đình Sáng, bạn cùng lớp với Hải, ấn tượng với khả năng cân đối giữa việc học và ngoại khóa của bạn. Theo Sáng, chương trình học ở Bách khoa nặng, sinh viên thường chỉ tham gia một câu lạc bộ nữa là đã hết thời gian. Ngoài ra, Sáng đánh giá Hải năng động, hòa đồng, rất thông minh và có chính kiến.
“Điểm đầu vào dư sức đỗ những ngành cao hơn nhưng bạn tìm hiểu kỹ và theo đúng ngành mong muốn”, Sáng nói.
Theo Hải, việc tìm hiểu và định hướng rõ ràng từ cấp 3 giúp em thấy mình đã đi đúng hướng và tìm được việc làm phù hợp. Cuối tuần này, Hải sẽ nhận bằng kỹ sư của Đại học Bách khoa Hà Nội.
“Em vẫn gắn bó với công việc hiện tại, trau dồi thêm tiếng Anh để sẵn sàng du học bậc thạc sĩ nếu có cơ hội”, Hải nói.
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/nam-sinh-bach-khoa-ha-noi-tot-nghiep-som-xuat-sac-4609644.html