Năm 2016, chị Ngọc Anh (38 tuổi) một chuyên viên bất động sản được người bạn thân mời mua bảo hiểm nhân thọ, đóng phí 30 triệu đồng mỗi năm, kéo dài 15 năm. Người bạn thuyết phục, người mua bảo hiểm này nếu ốm đau, phải đi viện sẽ được chi trả toàn bộ viện phí, mỗi năm có thêm 10 triệu đồng ngoại trú và sau 15 năm nhận về gấp 2-3 lần số tiền đã đóng. Thời đó làm ăn khấm khá nên Ngọc Anh nghĩ 30 triệu đồng không quá nhiều, hơn nữa bạn mời nhiệt tình nên ngại, mua ủng hộ luôn.
Hai năm sau, bạn mời mua thêm gói thứ hai 35 triệu đồng, chị đồng ý. Năm 2019, người bạn này tiếp tục tư vấn gói bảo hiểm “bảo vệ tính mạng”, phí 12 triệu đồng. Ban đầu chị từ chối nhưng người bạn liên tục nhắn tin, gọi điện thuyết phục. Nghĩ bạn đang cần doanh số mà mình không giúp, trong lòng áy náy nên Ngọc Anh lại mua cái thứ ba.
Covid-19 khiến Ngọc Anh mất hoàn toàn thu nhập. Khoản phí bảo hiểm trở thành gánh nặng. Chị liên hệ bạn nhờ rút tiền để qua giai đoạn khó khăn nhưng được trả lời sau 10 năm mới rút được. Trước kia người bạn hồ hởi, ngọt ngào bao nhiêu, giờ phớt lờ tin nhắn, không nghe điện thoại. Ngọc Anh còn bị trách là “trong hợp đồng có hết, không đọc kỹ mà đã ký thì tự chịu”.
Quá uất ức, chị hủy ngang cả ba hợp đồng, mất hơn 200 triệu đồng đã đóng, tình bạn gần 20 năm cũng tan.
Cũng vì cả nể, Lệ Thu, 33 tuổi ở Hải Phòng mua ủng hộ cô bạn thân cấp ba một hợp đồng bảo hiểm hơn 20 triệu đồng mỗi năm. Năm ngoái, Chị đến một hãng bảo hiểm khác tự làm hợp đồng, kê khai thông tin mới tá hỏa vì hợp đồng người bạn làm cho chị sai nhiều thông tin. Thu thắc mắc thì nhận được câu trả lời “Cậu có 21 ngày cân nhắc sao không đọc hợp đồng rồi bổ sung. Bây giờ trách ai?”.
“Tôi thật sự cảm thấy ngỡ ngàng vì người bạn lạnh lùng, vô trách nhiệm. Ngay lập tức tôi hủy hợp đồng”, chị nói. Ba năm đóng phí 60 triệu đồng, giờ Thu chỉ nhận được vài triệu.
Chị Phạm Thị Loan (Ninh Bình), trưởng nhóm kinh doanh của một hãng bảo hiểm, cho biết kinh nghiệm 5 năm làm tư vấn giúp chị nhận ra kiểu “mua vì cả nể” rất phổ biến. Mỗi lần tiếp quản hợp đồng do đại lý nghỉ việc, chị thường nhận được chia sẻ của khách rằng “Đứa em (bạn) lúc làm bảo hiểm mời nên mua ủng hộ, cũng chẳng rõ quyền lợi gì đâu”.
Lê Thị Kim Ngân (Hà Nội), đại lý bảo hiểm 4 năm kinh nghiệm chung nhận định này. Ngân kể, có những chuyện tưởng như bịa mà hoàn toàn có thật là đại lý đi tư vấn bị chủ nhà thả chó đuổi vẫn không nản chí, vẫn cố mời mọc và chốt được hợp đồng. Nhiều khách được mời đi ăn uống, massage, tặng quà, rồi nể quá cũng đành ký. Một đại lý có bác làm sếp khá to đã giới thiệu cô cháu cho tất cả cấp dưới. Vì cả nể và sợ nên ai cũng mua một hợp đồng bảo hiểm.
“Có đại lý vì muốn ký được hợp đồng đã đến nhà khách hàng từ chiều đến tối, làm đủ các việc kể cả nấu cơm, rửa bát, trông con cho khách. Người này ngồi đến nửa đêm, tận khi khách chịu thua, đồng ý ký cho xong chuyện”, Ngân nói.
Cố vấn tài chính Nguyễn Thùy Dung (Hà Nội) chia sẻ nguyên nhân của tình trạng này là do cách thức bán bảo hiểm của nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam.
Khi một tư vấn viên vào nghề, điều đầu tiên họ được đào tạo là khai thác các “mối quan hệ nóng” – tức bán hàng cho chính họ, người thân, người quen, bạn bè. Vậy nên, hãng nào cũng tuyển ồ ạt vì tư vấn viên chính là khách hàng của hãng.
“Những người làm giám đốc hay MDRT (thuật ngữ chỉ những người bán bảo hiểm giỏi) càng bị ép doanh số và được chia hoa hồng nhiều hơn tư vấn thường nên tỷ lệ ‘bán bất chấp’ nhiều hơn nữa”, bà Dung chia sẻ.
Tính đến 12/2022 Việt Nam có 79 doanh nghiệp bảo hiểm. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 245.877 tỷ đồng, tăng 15% so với 2021. Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh tư vấn viên đóng góp hơn một nửa tổng doanh thu phí mới.
“Người Việt sống duy tình hơn duy lý. Vì e ngại mất đi một mối quan hệ, công việc, hoặc sợ bị nhìn nhận, đánh giá, hay không muốn chịu thêm phiền phức mà nhiều người đã tặc lưỡi bỏ tiền ký một hợp đồng bảo hiểm”, bà Dung phân tích.
Tình trạng “mua bảo hiểm vì cả nể” gây bất lợi cho cả người bán lẫn người mua. Lý do vì hợp đồng được kí kết không xuất phát từ nhu cầu thực tế nên bản thân người mua, không nghiêm túc dành thời gian tìm hiểu về sản phẩm. Có những hợp đồng kí xong, sau này khi gặp rủi ro, có thể quyền lợi đang cần lại không đòi được bồi thường, hoặc chi phí bảo hiểm vượt khả năng chi trả.
Thậm chí những thông tin bắt buộc cũng được kê khai qua loa. Không ít khách hàng chuyển tiền cho nhân viên tư vấn mà không làm bất kì việc gì, kể cả kí vào các giấy tờ bắt buộc. Một khi xảy ra tranh chấp, khách hàng dễ gánh chịu phần thiệt. Ngoài ra, do không được tư vấn kỹ và không nghiêm túc tìm hiểu nên ít nắm được quyền lợi và nghĩa vụ cụ thể của mình. Một khi những người tư vấn nghỉ việc, khách hàng trở thành “mồ côi”.
Đối với người tư vấn, có thể ngay lúc bán được hợp đồng bảo hiểm họ sẽ rất vui mừng vì sẽ có hoa hồng, được tham gia những chuyến du lịch, vinh danh, thăng cấp. Nhưng sau này, nếu khách không được chi trả quyền lợi bảo hiểm, bị mất tiền, hoang mang vì phát hiện ra những thông tin mà mình không hề được tư vấn trước đó, sẽ quay ra trách móc, dẫn đến đại lý mất uy tín là điều không tránh khỏi.
“Thậm chí, những hợp đồng sai nguyên tắc, người đại lý bảo hiểm còn phải gánh chịu hậu quả về tài chính tương ứng với hành vi sai phạm. Nhiều khi còn mất luôn cả nghề nếu như khách hàng gửi đơn kiện có đủ căn cứ chứng minh những sai phạm của đại lý”, Kim Ngân cảnh báo.
Luật sư Đỗ Hồng Sơn, giám đốc Công ty tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam, cho biết Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ “giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm”. Đây là điểm mới so với Luật năm 2000 nhằm hạn chế tranh chấp và đảm bảo quyền lợi của người mua.
Tuy nhiên, theo các luật sư đây vẫn là một lỗ hổng bởi việc “giải thích rõ ràng và đầy đủ” nhưng liệu khách hàng có tự hiểu được hết hay không lại là một vấn đề. Do vậy để đảm bảo quyền lợi khách hàng, nhất là các hợp đồng lớn, cần có bên thứ ba để tư vấn cho khách hàng. Bên thứ ba ở đây có thể là môi giới bảo hiểm, phụ trợ bảo hiểm hoặc là những người luật sư am hiểu trong lĩnh vực bảo hiểm.
Gợi ý cho những người gặp sai lệch hợp đồng, ông Sơn cho biết cần xem xét đây có là sai lệch có chủ đích và ảnh hưởng đến quyền lợi hay không. Nếu khách hàng có bằng chứng thì yêu cầu phải sửa lại sai lệch. Trường hợp không có bằng chứng, khách hàng có thể tiến hành thu thập lại bằng việc hỏi trực tiếp người đã tư vấn có ghi âm, ghi hình.
Với sai lệch không có chủ đích nhưng có ảnh hưởng đến quyền lợi, các bên sẽ ngồi lại đàm phán, thoả thuận để cùng thông báo đến hãng bảo hiểm tiến hành đính chính thông tin. Tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia, luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm là cần thiết trong các trường hợp này.
Luật sư Sơn nói thêm, trường hợp khách hàng thấy quyền lợi bị ảnh hưởng nghiêm trọng và không muốn duy trì hợp đồng, có thể yêu cầu toà án tuyên Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu do bị nhầm lẫn theo Bộ luật dân sự 2015 hoặc Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu do bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép theo Điều 127 Bộ luật dân sự 2015.
Có một số trường hợp đặc biệt khi đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có thủ đoạn gian dối để dụ khách hàng ký hợp đồng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay tội lừa dối khách hàng.
Quỳnh Nguyễn – Phan Dương
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/mua-bao-hiem-vi-ca-ne-4592652.html