Trong cuộc gặp gỡ lãnh đạo doanh nghiệp “đi đầu trong đột phá I” hồi tháng 5 của Nhà Trắng, hàng loạt đại diện của OpenAI, Alphabet/Google, Anthropic và Microsoft cùng có mặt. Tuy nhiên trong cuộc họp ấy không có sự góp mặt của Mark Zuckerberg.
Ông chủ Meta vốn được coi là một người thức thời khi quan tâm đến AI khá sớm. Năm 2013, Zuckerberg cùng CTO Facebook khi đó là Mike Schroepfer đã mời về công ty một trong những bộ óc hàng đầu về AI trên thế giới là giáo sư Yann LeCun. Nhưng hiện Meta bị đánh giá là đã tụt lại phía sau trong cuộc đua khi đối thủ ngày càng nhiều và mạnh.
Chỉ hai tuần trước khi ChatGPT xuất hiện cuối tháng 11/2022, Meta đã ra mắt Galactica – mô hình ngôn ngữ lớn tập trung vào khoa học. Tuy nhiên, hệ thống bị đóng cửa trong vòng ba ngày do bị giới khoa học chỉ trích vì đưa ra các câu trả lời không chính xác và thiên vị.
Trước đó, vào tháng 8/2022, công ty cũng phải rút về một chatbot khác có tên BlenderBot 3 sau một tuần. Nguyên nhân cũng đến từ những câu trả lời sai sự thật, xúc phạm và phân biệt chủng tộc. AI này thậm chí gọi CEO Zuckerberg là “kẻ thao túng đáng sợ”.
Theo giới phân tích, ở vị thế một công ty lớn, bị giám sát chặt chẽ bởi dư luận, Meta phải thận trọng khi đưa ra một sản phẩm AI tạo sinh như ChatGPT. Ngoài ra, định hướng của hãng nhiều năm qua là tập trung nghiên cứu AI mang tính học thuật thay vì cho ra mắt những sản phẩm dễ hiểu với người dùng.
Là nhà khoa học nổi tiếng về AI, Yann LeCun nhiều lần tuyên bố ông không tin tưởng vào các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) hiện nay. “Nếu Google, Meta chưa phát hành thứ giống ChatGPT, không phải họ không thể. Mà vì họ không làm thế”, ông nói tại hội thảo trực tuyến về AI hồi đầu năm. “Bằng việc tung ra bản thử nghiệm công khai, gây ấn tượng nhưng còn nhiều sai sót, các công ty lâu đời sẽ mất nhiều hơn được so với các công ty khởi nghiệp đang đói tiền”.
LeCun xuất thân từ giới học thuật và đưa về Meta các nhà nghiên cứu thay vì kỹ sư. Họ tạo ra những dự án nghiên cứu AI hơn là phát triển sản phẩm cho người dùng cuối. “Chiến lược này khiến phòng thí nghiệm AI của Meta trở nên rất hấp dẫn đối với những tài năng hàng đầu trong nhiều năm, nhưng lại thách thức khả năng thương mại hóa những tiến bộ của họ”, một nguồn tin nội bộ của Meta cho hay.
Meta đang bị đánh giá là đã phạm sai lầm trong việc phân phối phần cứng cho các bộ phận công ty. Một số nhà nghiên cứu được cung cấp nhiều chip máy tính hơn mức cần thiết và sử dụng chúng cho những nhiệm vụ không mang lại giá trị, trong khi số khác thiếu phần cứng cao cấp để xây dựng các mô hình AI.
Ví dụ, dự án OPT (Open Pretraining Transformer) năm 2022 của Meta sử dụng 1.000 chip, mô hình LLaMA 2023 được trang bị 2.000 chip. Trong khi con số này theo tiêu chuẩn ngành cần đến 5.000-10.000 chip.
Dù vậy, Mark Zuckerberg đang thực hiện những thay đổi nhằm đưa Meta trở lại vị thế đi đầu trong cuộc đua. Theo WSJ, Meta hiện tập trung nguồn lực của mình để tạo ra sản phẩm và tính năng AI có thể sử dụng phổ biến, bao gồm cả chatbot, sau nhiều năm ưu tiên cho nghiên cứu học thuật.
Trong cuộc họp báo cáo tài chính tháng 4, Mark Zuckerberg nhắc đến “AI” 27 lần. Trí tuệ nhân tạo là chân kiềng thứ ba của công ty, cùng với mảng mạng xã hội và AR/VR. Ông khẳng định AI sẽ là khoản đầu tư lớn nhất của công ty và sẽ “tích hợp vào mọi sản phẩm”.
Theo báo cáo nội bộ, Meta đã nhận được hơn 2.000 đơn đăng ký sản phẩm về AI, đồng thời cũng thu hút được hàng trăm người từ các nhóm khác về xây dựng sản phẩm. Nguồn tài nguyên phần cứng cũng được chuyển từ bộ phận nghiên cứu AI để sử dụng cho việc đào tạo các mô hình thế hệ mới.
Joelle Pineau, Phó giám đốc Nghiên cứu AI tại Meta, khẳng định họ “không đi sau về AI” và phòng lab của họ là một trong những điểm đến hàng đầu cho giới nghiên cứu. “Những đột phá của chúng tôi đã cung cấp một nền tảng to lớn để mang đến một đẳng cấp mới trong trải nghiệm AI tạo sinh trên các ứng dụng của mình”, Pineau nói.
Tuy nhiên, Meta hiện đối mặt thách thức về sự lớn mạnh của đối thủ, cũng như nhân sự suy giảm. Dựa trên nguồn tin nội bộ cũng như hồ sơ LinkedIn của các nhân sự, khoảng một phần ba nhân viên Meta thuộc nhóm AI liên quan đến các mô hình ngôn ngữ lớn đã rời đi từ năm ngoái. Sự thay đổi này bắt đầu sau cơn sốt ChatGPT, khiến trào lưu khởi nghiệp trong lĩnh vực AI tăng mạnh. Ngoài ra, một số “kiệt sức hoặc không tin Meta có thể theo kịp đối thủ cạnh tranh”. Trong một khảo sát nội bộ được thực hiện từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, chỉ 26% nhân viên nói cảm thấy tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của công ty.
Trong khi đó, phát ngôn viên Meta cho biết công ty đang tiếp tục tuyển dụng và đưa về những tài năng AI mới.
Theo các nhà phân tích, nếu thành công trong việc thương mại hóa các nỗ lực AI của mình, Meta có thể tăng mức độ tương tác của người dùng trên mạng xã hội, đồng thời tạo ra một metaverse hấp dẫn hơn với người dùng trẻ. “Nhưng nếu không thể tận dụng công nghệ này đủ nhanh, Meta có thể không còn là đối thủ của một loạt công ty khởi nghiệp AI đang phát triển nhanh chóng”, WSJ bình luận.
Lưu Quý
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/meta-di-truoc-ve-sau-trong-cuoc-dua-ai-4619046.html