“Mệt mỏi khủng khiếp”, chị Liên, 49 tuổi, sống tại Vĩnh Phúc, mô tả năm học lớp 3 của con gái. Chị kể hàng ngày, bé phải làm bài trong sách bài tập ngay tại lớp, đến tối được giao thêm 1-2 mặt giấy A5 hoặc A4, tùy đề Toán hay Tiếng Việt. Bài tập cuối tuần sẽ nhiều hơn, mỗi môn 4-5 tờ.
Bài tập về nhà được cô giáo chủ nhiệm gửi qua nhóm chat cho phụ huynh. Chị Liên cho biết nhìn trên điện thoại bị lỗi do file có nhiều ký hiệu toán học, các ô trống, mà không phải lúc nào cũng tiện mở máy tính để con nhìn rồi chép lại, chưa kể nhìn màn hình lâu gây hại mắt. Vì thế, chị thường ra hàng photo để in bài tập cho con. “Rất bất tiện, nhưng vì không có máy in, tôi cũng chỉ còn cách đó”, chị Liên nói, cho biết nhiều hôm vừa in bài về, cô giáo lại gửi thêm, nên phải vòng đi một lần nữa. Có lần giữa kỳ nghỉ lễ, cô gửi bài, người mẹ phải cố đi tìm bằng được hiệu photo. Chị Liên cho rằng việc giao bài tập cho học sinh qua nhóm chat rất phiền phức và không cần thiết.
Chị An, 41 tuổi, sống tại Hà Nội, cũng mệt mỏi vì ngày hai lần nhận được file mà giáo viên chủ nhiệm của con gái lớp 2 gửi, chưa kể tối có thêm dặn dò về ngày hôm sau. Công việc bận rộn, chị An cảm thấy mất thời gian khi tối nào cũng phải đọc tin nhắn, rồi in bài cho con, trong khi học sinh lớp 2 đã biết đọc, viết, đi học trực tiếp. Vì vậy, giáo viên nên giao bài, dặn dò tại lớp với học sinh. “Bố mẹ rất mất thời gian. Tôi cũng không muốn phải kè kè nhắc con từng việc. Chưa kể, việc này làm hạn chế tính chủ động và độc lập của các con”, chị An nói, cho rằng in phiếu bài tập còn gây lãng phí giấy, trong khi các bé chưa biết quản lý giấy tờ, bài tập, dễ để bừa bộn.
Việc sử dụng Zalo hoặc các nền tảng trực tuyến để giao bài tập cho học sinh phổ biến từ năm 2020, khi hàng triệu học sinh cả nước phải học online vì Covid-19, theo cô Thu Quỳnh, giáo viên lớp 2 tại Hà Nội. Sau hơn hai năm, hình thức giao bài tập này vẫn được nhiều giáo viên sử dụng, dù học sinh đã trở lại trường học trực tiếp.
Cô Quỳnh cho biết cũng gửi bài tập qua Zalo với số lượng khoảng 30% tổng số bài tập giao cho học sinh, nhưng một số đồng nghiệp gần như giao tất cả qua nền tảng này. Theo cô Quỳnh, việc này giúp bố mẹ nắm được tình hình học tập của con, cũng là cách gia đình đồng hành với thầy cô, nhà trường.
Chị Hương, 43 tuổi, mẹ của hai bé trai lớp 3 và 10 tại Thủ Đức (TP HCM), ủng hộ việc giao bài tập về nhà qua các nhóm chat, dù lớp con chị hiện không triển khai hình thức này. Chị Hương cho rằng khi biết hôm nay con phải làm bài nào, bố mẹ chỉ bài cũng dễ hơn. “Tôi thấy bé lớp 3 khá nhiều thời gian rảnh, cũng mong cô giao thêm bài tập”, chị Hương nói.
Theo chị An, khoảng 30% phụ huynh trong lớp con chị có quan điểm tương tự, bố mẹ có thể dành một tiếng mỗi tối để in bài, kèm con học, “cũng không quá mất thời gian”.
Cô Phương Cúc, giáo viên lớp 3 tại TP HCM, cho biết học sinh trường cô có thể lấy phiếu bài tập mỗi tuần trên tinh thần tự nguyện. Những phiếu này được in tại trường, kinh phí lấy từ quỹ lớp và các em chỉ cần liên lạc với giáo viên để lấy. Cô Cúc cũng gửi thêm bài qua nhóm phụ huynh của lớp cho những phụ huynh muốn kèm con học.
Ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho rằng công nghệ thông tin giúp ích trong việc trao đổi giữa phụ huynh và học sinh, nhưng giao bài tập cho học sinh thông qua bố mẹ không phải cách nhà trường và gia đình đồng hành.
Theo ông Điệp, sự đồng hành nên thể hiện ở việc thầy cô và bố mẹ phát hiện những bất thường trong cách cư xử, kết quả học tập của trẻ, tích cực trao đổi với nhau để tìm nguyên nhân và giải pháp. Còn với việc học, ông Điệp nói chuyện giao bài tập cần diễn ra tại lớp, có tương tác trực tiếp giữa giáo viên và học sinh. “Không phải phụ huynh nào cũng có trình độ, thời gian để làm mọi việc giáo viên giao, trong đó có in, chuyển bài tập cho con hàng ngày”, ông Điệp nói.
Ngoài ra, khi phụ thuộc bố mẹ, học sinh cũng giảm tính tự lập, ông Điệp nhận định. “Động việc gì cũng hỏi bố mẹ thì không ổn. Đến khi phụ huynh quên hoặc không thể hỗ trợ, trẻ lại trách là ‘Nay mẹ không nhắc con‘, lâu dầu sẽ thành thói quen đổ lỗi”, ông Điệp nói.
Ông Nguyễn Trung Hải, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bàu Sen (TP HCM), cho rằng không nên để phụ huynh in bài cho con, mà có thể sử dụng sách bài tập hoặc những bài đã được học sinh chép vào vở. Tuy nhiên, việc giao bài bằng hình thức nào, theo ông Hải, chỉ là phần ngọn. Thay vào đó, ông nhận định giáo viên nên hạn chế cho bài tập về nhà. Hiện, đa số học sinh ở TP HCM học hai buổi mỗi ngày nên bài tập và hoạt động thực hành có thể thực hiện vào buổi chiều, còn buổi tối nên để các em nghỉ ngơi hoặc xem trước bài hôm sau.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng việc quan trọng hơn của thầy cô là giúp học sinh thực sự hiểu bài. “In, giao bài hàng ngày không có nhiều ý nghĩa với việc học thực chất của học sinh, bà Thơ nói.
Sau nhiều bức xúc, chị An đã chia sẻ quan điểm của mình và thấy giáo viên “có tiết chế”. Dù vậy, người mẹ cho rằng chuyện giao bài qua phụ huynh nên dừng hẳn. Còn với chị Liên, từ đầu năm nay, khi con chị lên lớp 4, cô giáo chủ nhiệm không giao bài hàng ngày mà gần thi mới gửi thêm. “Tôi thấy ổn, dù vẫn vất vả mỗi lần đi in cho con”, chị Liên nói.
Để tìm giải pháp cho việc này, ông Lê Ngọc Điệp nói nên nhìn vào nhiệm vụ của từng nhóm. Giao bài tập là việc của giáo viên, còn phụ huynh có thể nhắc nhở, xem và hướng dẫn con làm bài. “Bố mẹ kè kè thì các con sao lớn được, cũng không thể để phụ huynh làm thay việc của thầy cô”, ông Điệp nói.
Thanh Hằng – Nhật Lệ
* Tên phụ huynh, giáo viên đã thay đổi
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/met-moi-vi-giao-vien-giao-bai-tap-ve-nha-qua-nhom-chat-4558239.html