Nguồn gốc của vật thể bay không xác định thứ tư bị bắn hạ trên bầu trời Bắc Mỹ trong hai tuần qua vẫn chưa được làm rõ, tương tự vật thể thứ hai ở Deadhorse, Alaska, hôm 10/2 và vật thể thứ ba ở Yukon, Canada hôm 11/2. Vật thể đầu tiên được xác định là khí cầu do thám của Trung Quốc bị bắn rơi hôm 4/2. Trung Quốc phủ nhận có liên quan tới bất kỳ vật thể nào trong số này.
Hình dạng bát giác của vật thể thứ tư rất khác thường. Khí cầu đầu tiên có hình tròn, trong khi vật thể thứ ba hình trụ. Cấu trúc hình bát giác cũng không có thiết bị treo bên dưới như các vật thể khác. Tuy nhiên, hình dạng này không quá khác thường nếu vật thể là khí cầu.
Theo Guy Gratton, phó giáo sư hàng không và môi trường ở Đại học Cranfield, Anh, đây là một hình dạng hợp lý để sản xuất khí cầu lớn. Nó rất hiệu quả về mặt cấu trúc, đòi hỏi lượng vật liệu tương đối thấp và không khó xoay tròn vì bất kỳ nguyên nhân nào liên quan tới điều khiển hoặc căn chỉnh thiết bị. “Đó cũng là hình dạng nhiều thiết bị camera sử dụng cơ cấu khẩu độ cơ học thường dùng để chụp vật thể nhỏ ở xa”, Guy Gratton nói.
Cấu trúc bát giác cũng có thể giúp vật thể bay êm khi di chuyển trong không khí. Theo Janet Bednarek, nhà sử gia hàng không ở Đại học Dayton, Ohio, có nhiều nghiên cứu cho thấy những tòa nhà hình bát giác dường như có khí động tốt về mặt cản gió.
Mặt khác, vật thể lạ hình bát giác có thể là thiết kế có chủ ý để thu hút sự chú ý của những người ưa phát hiện UFO do trông giống hình dáng đĩa bay phổ biến. Nếu đó là trò lừa bịp, hình dạng bát giác có thể dễ chế tạo hơn, ví dụ vụ Balloon Boy vào tháng 10/2009, Bednarek cho biết. Vụ việc xảy ra ở Fort Collins, Colorado khi Richard và Mayumi Heene thả một khí cầu heli tự chế có dạng đĩa bay và tuyên bố con trai học mắc kẹt bên trong. Richard Heene bị tuyên phạt 3 tháng tù và phải trả 36.000 USD chi phí cho nhà chức trách.
An Khang (Theo Newsweek)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/ly-giai-hinh-dang-vat-the-bi-my-ban-roi-gan-canada-4570705.html