Theo WSJ, trong một cuộc họp năm 2021, Mark Zuckerberg đặt câu hỏi tại sao Apple, Tesla được phép bán sản phẩm của họ tại Trung Quốc, còn Meta thì không. Ngay sau đó, công ty khởi động lại việc chinh phục thị trường này sau hơn một thập kỷ Facebook bị chặn. Họ gặp mặt một số quan chức Trung Quốc, cũng như đại diện của nhiều hãng công nghệ, trong đó có Tencent Holdings.
Phát ngôn viên Meta từ chối bình luận.
Quá khứ “vạ miệng”
Việc trở lại Trung Quốc được dự đoán không suôn sẻ với Zuckerberg. Năm 2019 tại Đại học Georgetown, Zuckerberg chỉ trích nước này đã hạn chế quyền tự do ngôn luận thông qua quy định nghiêm ngặt về truyền thông, đặc biệt là hệ thống tường lửa Great Firewall.
“Trung Quốc đang xây dựng mạng Internet riêng, tập trung vào các giá trị rất khác nhau. Họ đang ‘xuất khẩu’ cách làm đó sang các quốc gia khác”, ông nói khi đó. “Một thập kỷ trước, hầu hết nền tảng Internet lớn đều là của Mỹ. Ngày nay, sáu trong số mười nền tảng hàng đầu là của Trung Quốc”.
Một năm sau, Zuckerberg một lần nữa chỉ trích Trung Quốc liên quan đến tài sản trí tuệ. “Tôi nghĩ chính phủ Trung Quốc đánh cắp công nghệ từ các công ty Mỹ là điều đã được ghi chép rõ ràng”, ông nói trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ năm 2020.
Cũng năm đó, trong bài phát biểu tại Washington, CEO Meta nhấn mạnh mối đe dọa từ các công ty Internet Trung Quốc như TikTok. Trong một bữa tối riêng tại Nhà Trắng, Zuckerberg nói với tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump rằng sự trỗi dậy của các công ty Internet Trung Quốc đang đe dọa hoạt động của doanh nghiệp Mỹ. Do đó, ông Trump nên cấm các nền tảng Trung Quốc hơn là nhằm vào Facebook.
Khó quay lại Trung Quốc
Facebook rời Trung Quốc năm 2009 sau khi từ chối tuân thủ quy tắc kiểm duyệt của Bắc Kinh. Đến 2016, Mark Zuckerberg muốn đưa Facebook quay lại bằng cách đề xuất công cụ kiểm duyệt riêng, nhưng không thành công.
Những nỗ lực mới của Meta được dự đoán có thể tiếp tục thất bại. “Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Trung Quốc do dự hợp tác với Zuckerberg vì những lời cáo buộc trước đây của ông ấy”, một nguồn tin nói với WSJ. “Các quan chức Trung Quốc không dễ dàng thông qua giấy phép phê duyệt sản phẩm và dịch vụ khi Meta nộp lên”.
Việc bán hàng tại Trung Quốc được đánh giá sẽ giúp Meta tăng đáng kể thị phần kính VR, củng cố tham vọng metaverse của công ty. Ở chiều ngược lại, Tencent cũng được hưởng lợi khi phân phối sản phẩm cho một trong những công ty lớn nhất thế giới, cũng như tích hợp dịch vụ của hãng vào sản phẩm Meta.
Tuy nhiên, nguồn tin cho biết Tencent tỏ ra khá thận trọng. Các giám đốc công ty được cho là đã tranh luận sôi nổi về việc có nên bắt tay Meta hay không vào cuối năm ngoái. Chủ tịch Tencent Pony Ma sau đó quyết định trao đổi trước một phần, xem cả hai có thể đạt được thỏa thuận ban đầu thế nào.
Bên cạnh Tencent, Meta cũng đàm phán với Lenovo và một số công ty sản xuất smartphone, nhưng kết quả ban đầu chưa khả quan.
Thông tin Meta muốn quay lại Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh một số CEO hàng đầu của Mỹ đã tới thăm Trung Quốc những tháng gần đây, như Tim Cook của Apple và Elon Musk của Tesla. Dù vậy, các công ty Mỹ cũng đang đánh giá lại mối quan hệ của họ với Trung Quốc, chẳng hạn Apple đang dần chuyển một số hoạt động sản xuất sang quốc gia láng giềng như Ấn Độ.
Bảo Lâm (theo WSJ, Business Insider)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/mark-zuckerberg-kho-quay-lai-trung-quoc-vi-va-mieng-4624947.html