Bạn đang xem bài viết Lupus ban đỏ, căn bệnh nguy hiểm ít người biết tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Khá bất ngờ khi căn bệnh nguy hiểm này lại khá phổ biến nhưng lại nhiều người chưa biết căn bệnh này. Cùng An Khang tìm hiểu ngay bệnh Lupus ban đỏ là bệnh gì nhé.
Bệnh lupus ban đỏ là gì?
Lupus ban đỏ ( tên tiếng anh là Systemic lupus erythematosus, SLE hay lupus) là một bệnh tự miễn, cơ thể tự sản xuất ra kháng thể tấn công vào các mô của các cơ quan. Tùy theo cơ quan bị ảnh hưởng mà biểu hiện bệnh thay đổi khác nhau. Thể bệnh nhẹ, bệnh chỉ biểu hiện ngoài da. Thể bệnh nặng, nhiều cơ quan bị ảnh hưởng cùng một lúc như não, thận, tim, khớp, mạch máu…
Nguyên nhân gây bệnh
Lupus ban đỏ không có nguyên nhân đặc hiệu nào được xác định, có một số yếu tố kích hoạt từ môi trường xung quanh và một số yếu tố gen liên quan được biết đến.
Yếu tố gen
– Bệnh có thể phát sinh do gen. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh lupus ban đỏ hệ thống có mối liên quan về mặt di truyền. Bệnh di truyền theo gia đình, nhưng không có một gen riêng lẻ nào được xác định là nguyên nhân gây bệnh. Nhiều gen có thể có ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển bệnh khi có những yếu tố môi trường kích hoạt. Những gen quan trọng nhất nằm trên nhiễm sắc thể số 6, đột biến có thể là ngẫu nhiên hoặc di truyền. Ngoài ra còn một số gen khác có thể có liên quan đến bệnh và đặc trưng cho từng nhóm dân số.
Yếu tố kích thích từ bên ngoài
– Những yếu tố này không chỉ làm bệnh nặng thêm mà còn có thể kích hoạt quá trình hình thành bệnh. Chúng bao gồm: các loại thuốc (như một số thuốc chống trầm cảm và kháng sinh), trầm cảm nặng, phơi nắng, hoóc môn, và viêm nhiễm. Tia UV kích hoạt việc hình thành các vùng phát ban lupus và một số bằng chứng cho thấy tia UV cũng có thể thay đổi cấu trúc DNA (gen), dẫn đến việc hình thành các kháng thể tự miễn. Hormon sinh dục (như estrogen) có vai trò quan trọng trong sự hình thành bệnh, và thực tế cho thấy trong thời kỳ sinh sản ở người, tần số bệnh này ở phụ nữ cao gấp 10 lần ở đàn ông.
Những nhà bệnh học cũng đang tìm kiếm mối liên hệ với nhiễm khuẩn (gây ra do virus và vi khuẩn), nhưng chưa có bằng chứng đủ tin cậy nào xác thực mối quan hệ giữa các bệnh đó và lupus ban đỏ.
Các chất hóa học từ mỹ phẩm (như son môi,..), hóa chất sử dụng hằng ngày cũng bị nghi ngờ là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây ra bệnh.
Do thuốc gây ra
– Đây là bệnh lupus xảy ra ở những bệnh nhân mắc các bệnh cần điều trị lâu dài, các triệu chứng của bệnh cũng tương tự như lupus ban đỏ và thường biến mất khi ngừng thuốc. Theo thống kê, có khoảng 400 loại thuốc có thể gây ra hiện tượng này, phổ biến nhất là procainamide, hydralazine, quinidine, phenytoin.
Triệu chứng bệnh
Đây là một bệnh hệ thống, khi mắc bệnh, nhiều cơ quan và vị trí khác nhau trên cơ thể bị ảnh hưởng và biểu hiện triệu chứng như:
– Về da liễu: ở một số người bị vảy nến màu đỏ và dày trên da (gọi là lupus dạng đĩa) hay cũng có thể một số biểu hiện khác như rụng tóc, loét miệng, mũi và âm đạo và các thương tổn trên da. Phát ban hình con bướm ở khu vực mũi và gò má cũng là dấu hiệu khá đặc trưng cho bệnh có thể dễ dàng nhận thấy.
– Biểu hiện về cơ xương: đây là triệu chứng thường gặp nhiều nhất ở những người mắc bệnh, các tình trạng sau đây có thể xảy ra: đau khớp, viêm khớp, những khớp nhỏ ở tay và cổ tay thường bị ảnh hưởng nhất, mặc dù tất cả các khớp đều có nguy cơ. Không giống như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp trong lupus ít gây tàn tật và thường không gây hủy hoại trầm trọng cho khớp.
– Biểu hiện về huyết học: thiếu máu và thiếu sắt có thể xảy ra ở 50% trên người bệnh. Số lượng tiểu cầu và bạch cầu thấp có thể do bệnh gây ra hoặc do tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị gây ra.
– Biểu hiện về tim: bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống có thể bị viêm các phần khác nhau ở tim, ví dụ như viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, và viêm màng trong tim.
– Biểu hiện về phổi: viêm phổi và màng phổi có thể gây ra bệnh viêm màng phổi, tràn dịch màng phổi, viêm phổi lupus, bệnh xơ cứng khe phổi mãn tính, tăng huyết áp phổi, nghẽn mạch phổi, xuất huyết phổi, và hội chứng co phổi.
– Biểu hiện về thận: tiểu ra máu hoặc protein niệu (có protein trong nước tiểu) là dấu hiệu duy nhất biểu hiện trên thận để nhận biết. Việc hủy hoại thận cấp tính hoặc mãn tính có thể phát triển viêm thận lupus, dẫn tới suy thận cấp trong giai đoạn cuối.
– Biểu hiện về thần kinh-tâm thần: những hội chứng về thần kinh – tâm thần có thể xuất hiện khi bệnh lupus ban đỏ hệ thống ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương hoặc hệ thần kinh ngoại biên, các triệu chứng thường gặp như là đau đầu, sa sút trí tuệ, rối loạn tính khí, các bệnh về mạch máu não, động kinh, bệnh đa dây thần kinh, rối loạn lo âu, và loạn tâm thần. Có thể xuất hiện hội chứng tăng huyết áp trong sọ nhưng rất hiếm, với đặc điểm là áp suất trong sọ tăng cao.
– Biểu hiện hệ thống: mệt mỏi là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này không chỉ liên quan đến những diễn biến hay biến chứng bệnh như thiếu máu hay suy giáp mà còn do đau; trầm cảm; ngủ không ngon;…
Điều trị bệnh
Vì triệu chứng và hệ cơ quan bị ảnh hưởng rất khác nhau, cần đánh giá mức độ trầm trọng của mỗi người để có thể điều trị hiệu quả. Trường hợp nhẹ và giảm dần thì có thể không cần điều trị. Đây là bệnh mãn tính và chưa có phương pháp điều trị triệt để hoàn toàn, việc điều trị mang tính hệ thống, kết hợp giữa làm giảm các triệu chứng, mức độ ảnh hưởng của nó đồng thời dự phòng các cơn tái phát cấp tính bằng các loại thuốc. Các nhóm thuốc được chỉ định trong điều trị bao gồm:
– Nhóm thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (Disease-modifying antirheumatic drug – DMARD).
Được dùng để phòng các đợt bộc phát bệnh, tiến triển bệnh, và giảm nhu cầu sử dụng các loại steroid; chủ yếu để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp nhằm làm giảm quá trình phá hủy sụn và xương. Các loại DMARD phổ biến là các thuốc chống sốt rét như plaquenil và các chất ức chế miễn dịch (như methotrexate và azathioprine). Hydroxychloroquine là thuốc chống sốt rét được công nhận để điều trị các triệu chứng thuộc thể chất, về da liễu hoặc khớp. Cyclophosphamide được dùng cho trường hợp bị viêm cầu thận nặng hoặc các biến chứng hủy hoại các cơ quan khác.
– Các thuốc ức chế miễn dịch.
Trong những trường hợp bệnh nặng, cần dùng đến các loại thuốc điều hòa hoạt động của hệ miễn dịch (chủ yếu là các corticosteroid và các thuốc ức chế miễn dịch) để kiểm soát bệnh và ngăn ngừa các đợt bệnh tái phát (hay điều trị các cơn cấp tính). Có rất nhiều loại thuốc ức chế miễn dịch mới đang được thử nghiệm trong điều trị bệnh này, có tác dụng ức chế miễn dịch đặc hiệu từng loại tế bào thay vì ức chế miễn dịch không đặc hiệu (corticoid) như Belimumab hay Rituximab dùng trong điều trị viêm khớp dạng thấp.
– Thuốc giảm đau.
Các bệnh nhân mắc lupus ban đỏ thường phải chịu đựng các cơn đau mãn tính nên bác sĩ có thể phải kê các loại thuốc giảm đau mạnh hơn nếu những loại thuốc không cần kê đơn (chủ yếu là thuốc kháng viêm không steroid-NSAID) không có hiệu quả. Các thuốc NSAID mạnh như indomethacin và diclofenac lại thường chống chỉ định đối với bệnh này vì chúng làm tăng nguy cơ suy thận và suy tim.
Những cơn đau trung bình có thể điều trị bằng các chất gây tê loại nhẹ như dextropropoxyphen và co-codamol. Đối với cơn đau trung bình đến nặng phải dùng các loại thuốc giảm đau có tính gây nghiện cho tác dụng mạnh hơn như hydrocodon, oxycodone, methadone (cho tác dụng giảm đau kéo dài). Việc sử dụng các loại thuốc giảm đau gây nghiện này cần được kiểm soát và theo dõi chặt chẽ do tác dụng phụ và khả năng dung nạp thuốc.
– Thay đổi lối sống: ở những bệnh nhân mắc lupus ban đỏ cần hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vì đây là tác nhân kích thích sẽ làm bệnh nặng hơn. Ngoài ra cũng cần hạn chế tiếp xúc với các chất dễ gây kích ứng như silica, thủy ngân, hóa chất,.. Cần có chế độ vận động nghỉ ngơi hợp lý để giữ cho cơ thể linh hoạt và sức đề kháng tốt,..
– Chế độ dinh dưỡng: bệnh nhân cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng hợp lý để bổ sung dưỡng chất giúp cơ thể nâng cao khả năng bảo vệ trước các ảnh hưởng của bệnh cũng như tác dụng phụ do thuốc gây ra. Bệnh nhân cần bổ sung vitamin D và canxi để hạn chế tác dụng trên xương khớp của thuốc, và do việc phải tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến thiếu hụt vitamin này, hạn chế các thức ăn có nhiều dầu mỡ, cholesterol để phòng biến chứng trên tim mạch…
Cách phòng bệnh
Do chưa xác định được rõ ràng nguyên nhân mắc bệnh nên cũng không có cách phòng ngừa hữu hiệu. Bạn nên thiết lập cho mình lối sống lành mạnh để có thể nâng cao sức đề kháng và khả năng chống chịu của cơ thể trước những tác nhân gây bệnh bằng cách tuân theo một vài nguyên tắc sau:
– Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là vào giờ cao điểm.
– Bôi kem chống nắng, đội mũ và mặc áo dài tay khi ra ngoài.
– Ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm, sắt, vitamin…
– Hoạt động và làm việc vừa sức, hạn chế lo lắng, mất ngủ.
Bệnh lupus ban đỏ không thể chữa khỏi nhưng có thể hạn chế được. Khi không may bị mắc bệnh hay có dấu hiệu nghi ngờ, bạn cần đi khám ngay để có được sự hướng dẫn điều trị đúng đắn từ bác sĩ chuyên khoa, điều trị bệnh này cần sự tự ý thức và chăm sóc của người bệnh để có thể đạt kết quả tốt nhất, hạn chế tổn thương và tác dụng phụ, kéo dài tuổi thọ, duy trì đời sống sinh hoạt bình thường cho người bệnh.
An Khang
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Lupus ban đỏ, căn bệnh nguy hiểm ít người biết tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.