Theo Hồ sơ di sản của Cục Di sản Văn hóa, ấn là hiện vật gốc, độc bản và có hình thức độc đáo, là một trong 27 bảo vật quốc gia được công bố năm 2020.
Hiện vật làm bằng đồng, núm có dạng chuôi vồ cao 6,18 cm, nhỏ dần từ trên xuống dưới. Thân ấn hình vuông, mỗi cạnh dài 7 cm, dày 1,17 cm. Phần lưng khắc hai dòng chữ Hán là “Minh Mệnh thập tứ niên cát nguyệt nhật tạo” (Đúc vào ngày lành tháng tốt năm Minh Mạng thứ 14) và “Trọng thập ngũ lạng ngũ tiền thất phân” (trọng lượng 15 lạng 5 tiền 7 phân – tức ấn nặng 595 g). Mặt ấn có năm chữ Hán khắc nổi theo thể chữ triện: “Lương Tài Hầu chi ấn” (Ấn của Hầu tước Lương Tài).
Ấn được đúc vào tháng 3/1833, của một trong ba công thần là võ tướng đứng đầu ba đạo quân lớn khi đó: Tiền quân, Trung quân và Hậu quân, được phong Hầu tước. Trong đó Trần Văn Năng được phong Lương Tài Hầu. Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, đây là ấn được phong tặng cho Hầu tước là công thần, tướng lĩnh cấp cao đầu tiên không thuộc dòng dõi hoàng tộc. Hiện vật cũng được xem như làmẫu để chế tác ấncấp cho công thần phong tước.
Trong Đại Nam thực lục tập 3 nêu: “Quý Tỵ, năm Minh Mạng thứ 14 (1833), mùa xuân, tháng 3. Nay được lúc nước nhà hơi rỗi, chính là lúc nên thưởng tước, đền công để đáp lại công lao đặc biệt của các công thần. Năm trước đã liệt những công thần quá cố vào hàng phối hưởng ở miếu đình, ban cho tước Vương, tước Công, tước Hầu và đất ăn lộc tưởng đã đủ yên ủi được vong hồn họ rồi. Nay những công thần còn ở triều đình như Tiền quân Đô Thống phủ Chưởng phủ sự là Trần Văn Năng, Trung quân Đô Thống phủ Chưởng phủ sự là Phan Văn Thúy, đều là những người lập được nhiều công trạng vẻ vang ở đầu đời Trung Hưng. Vậy phong cho Trần Văn Năng làm Lương Tài Hầu, Tống Phước Lương làm Vĩnh Thuận Hầu, Phan Văn Thùy làm Chương Nghĩa Hầu”.
Việc đúc ấn triện mang tước hiệu để ban cho công thần, tướng lĩnh chỉ bắt đầu từ thời vua Minh Mạng. Mục đích là khích lệ, động viên những người có công trong việc bảo vệ lãnh thổ, củng cố bộ máy hành chính. Trong Đại Nam thực lục tập 3 nêu rõ: “Con cháu công thần được nối đời tập phong tước, ấn triện đúc cấp cho đều dùng chất đồng, theo thứ bậc mà giảm bớt đi. Ấn của tước Hầu: vuông 1 tấc 6 phân, 2 ly, dày 2 phân 7 ly. Dấu kiềm bằng ngà vuông 5 phân. Mặt khắc chữ triện đều dùng tên đất được phong và tước phong. Thí dụ mặt khắc năm chữ Lương Tài Hầu chi ấn, kiềm ngà khắc hai chữ Lương Tài, các tước khác cũng theo đó mà suy ra”.
Hồ sơ di sản viết: “Lương Tài Hầu chi ấn là một cứ liệu lịch sử, minh chứng cho một triều đại phong kiến kéo dài trên 140 năm ở Việt Nam. Đặc biệt, tình trạng bảo quản hiện vật nguyên vẹn, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu về lịch sử quan chế triều Nguyễn nói riêng và các triều đại phong kiến ở Việt Nam nói chung”.
Hội đồng Di sản quốc gia nhận định ấn có ý nghĩa, giá trị đặc biệt, gắn liền nhân vật lịch sử Trần Văn Năng (1763-1834) quê Vĩnh Xương, Khánh Hòa.
Năm 1777, ông đầu quân cho chúa Nguyễn Ánh, làm đội trưởng rồi thăng làm Thuộc nội cai đội. Ông theo Tả quân Lê Văn Duyệt đi đánh giặc, lập được nhiều chiến công, được thăng Vệ úy. Ông tiếp tục đi theo Tiền quân Nguyễn Văn Thành hạ thành Bình Định, được thăng Phó Đô Thống chế hậu doanh Thần sách. Sau đó, ông được giao cai quản năm doanh quân Thần sách – quân tín nhiệm nhất của triều Nguyễn, được cử đi đánh giặc ở Gia Định.
Năm 1810, ông kiêm lĩnh Chấn Vũ quân Phó tướng. Khi ấy, quân Xiêm xâm lấn Chân Lạp, vua nước này là Nặc Chân chạy xuống Gia Định, Trần Văn Năng được lệnh mang quân đến Tân Châu (nay thuộc tỉnh An Giang) phòng thủ. Sau đó, ông được giao trấn thủ ở Nghệ An, trông coi việc dựng cung Từ Thọ, lãnh kiểm duyệt quân đội. Ông lần lượt trải qua các chức Chưởng dinh, kiêm quyền lãnh Thương bạc và Quản giáo dưỡng binh, Quản Tào chính, quyền lĩnh ấn triện của tướng quân thống chế. Năm 1832, ông được thăng làm Tiền quân Đô Thống phủ Chưởng phủ sự. Năm 1833, xét theo công trạng, vua phong cho ông tước Lương Tài Hầu.
Cùng năm, Lê Văn Khôi khởi binh chiếm thành Gia Định, rồi cho người sang cầu cứu vua Xiêm. Vua Xiêm cho quân sang xâm lấn nước ta. Vua Minh Mạng phong Trần Văn Năng làm Bình Khấu tướng quân, cùng các tướng Trương Minh Giảng, Nguyễn Xuân, Phạm Hữu Tâm, Tống Phước Lương… dẹp giặc. Trước khi lên đường, ông được vua ban cho thanh gươm chuôi vàng, cho con là Phó vệ úy Trần Văn Lân đi theo.
Cuối cùng, quan quân triều Nguyễn thu phục được đồn Châu Đốc, thành Hà Tiên rồi vượt sang biên giới đánh đuổi quân Xiêm ra khỏi thành Nam Vang (Phnôm-Pênh).
Sau đó, Trần Văn Năng lâm bệnh nặng, giao quân cho Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân, rồi về nước. Tuy nhiên, khi đi đến bến Siêu (nay là Cù Lao Tây, Thanh Bình, Đồng Tháp) thì qua đời, thọ 72 tuổi. Vua truyền cho đưa thi hài về kinh đô an táng. Vua nghỉ triều ba ngày và làm thơ để viếng.
Theo Châu bản Minh Mạng, tập 52, tờ số 228: “Trần Văn Năng là tướng cũ triều trước rõ rệt có công cao. Lâu năm giúp ta cũng vẫn kính cẩn giữ lòng trung hậu, nết tốt không đổi. Trước đây khâm sai coi việc quân, lại hay đem lòng địch khái, khích lệ quân sĩ, nhiều lần dâng được công to. Nay giặc Xiêm hiện đã dẹp yên, mầm giặc Phiên An chẳng mấy ngày nữa sẽ bị bắt. Công lớn sắp làm xong. Nhân vì khó nhọc chồng chất, mắc thành bệnh đến chết! Nghe tin, ta rất thương tiếc! Vậy truy tặng hàm Thái phó, tấn phong Tân Thành Quận công, ban cho tên thụy là Trung Dũng”.
Năm 1858, vua Tự Đức cho bày bài vị ông ở đền Hiền Lương trên núi Hoàng Long (nay thuộc thôn Thượng 2, Thượng Xuân, Huế).
Hiện vật được nhà sưu tập Nguyễn Văn Phẩm ở TP HCM sưu tầm từ gia đình ông Trần Văn Năng. Năm 2011, ông tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để lưu giữ, trưng bày.
Hiểu Nhân
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/luong-tai-hau-chi-an-bao-vat-ghi-danh-cong-than-trieu-nguyen-4588829.html