Dự thảo Luật trồng trọt đã chính thức được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6. Mục đích ban hành Luật Trồng trọt nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường; có cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý. Mời các bạn cùng theo dõi nội dung chi tiết Luật trồng trọt trong bài viết sau đây.
QUỐC HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Luật số: /2018/QH14 |
LUẬT
TRỒNG TRỌT
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013;
Quốc hội ban hành Luật Trồng trọt.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hoạt động trồng trọt bao gồm hoạt động về giống cây nông nghiệp, giống cây dược liệu, giống cây cảnh và giống nấm ăn (sau đây gọi là giống cây trồng); phân bón; canh tác, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, thương mại và chất lượng sản phẩm cây trồng nông nghiệp, cây cảnh và nấm ăn (sau đây gọi là sản phẩm cây trồng).
2. Canh tác là quá trình con người sử dụng tài nguyên thiên nhiên, trang thiết bị, vật tư nông nghiệp và áp dụng quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm cây trồng.
3. Giống cây trồng là quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thực vật thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, nhận biết được bằng sự biểu hiện các tính trạng do kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác bằng sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được.
4. Vật liệu nhân giống là cây hoặc bộ phận của cây, nấm hoặc bộ phận của nấm có thể phát triển thành một cá thể mới dùng để nhân giống hoặc để gieo trồng.
5. Loài cây trồng chính là loài cây trồng được trồng phổ biến, có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế, cần được quản lý chặt chẽ.
6. Cây hằng năm là loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá 01 (một) năm, kể cả cây hằng năm lưu gốc để thu hoạch không quá 05 (năm) năm.
7. Cây trồng lâu năm là loại cây được gieo trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm.
8. Tính khác biệt của giống cây trồng: Giống cây trồng được coi là có tính khác biệt nếu có khả năng phân biệt rõ ràng với các giống cây trồng được biết đến rộng rãi.
9. Tính đồng nhất của giống cây trồng: Giống cây trồng được coi là có tính đồng nhất nếu có sự biểu hiện giống nhau về các tính trạng liên quan, trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép đối với một số tính trạng cụ thể trong quá trình nhân giống.
10. Tính ổn định của giống cây trồng: Giống cây trồng được coi là có tính ổn định nếu các tính trạng liên quan của giống cây trồng đó vẫn giữ được các biểu hiện như mô tả ban đầu, không bị thay đổi sau mỗi vụ nhân giống hoặc sau mỗi chu kỳ nhân giống trong trường hợp nhân giống theo chu kỳ.
11. Khảo nghiệm giống cây trồng là hoạt động theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu xác định tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định, giá trị canh tác, giá trị sử dụng theo phương pháp nhất định.
12. Khảo nghiệm có kiểm soát là khảo nghiệm giống cây trồng trong môi trường nhân tạo để giống cây trồng thể hiện đầy đủ đặc tính chống chịu sinh vật gây hại và điều kiện bất thuận.
13. Khảo nghiệm phân bón là hoạt động theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu nhằm xác định phương thức sử dụng, tác động đến môi trường, hiệu quả nông học, hiệu quả kinh tế của phân bón.
14. Khảo nghiệm diện hẹp là khảo nghiệm được tiến hành trên đồng ruộng, diện tích ô nhỏ, có lặp lại, bố trí thí nghiệm theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp khảo nghiệm đối với đối tượng được khảo nghiệm.
15. Khảo nghiệm diện rộng là khảo nghiệm được tiến hành trên đồng ruộng, diện tích ô lớn, không lặp lại, bố trí thí nghiệm theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp khảo nghiệm đối với đối tượng được khảo nghiệm.
16. Cây đầu dòng là cây tốt nhất trong quần thể của một giống cây trồng theo mục đích tuyển chọn để cung cấp vật liệu nhân giống vô tính.
17. Vườn cây đầu dòng là vườn cây được thiết lập đầu tiên sử dụng trong khảo nghiệm để công nhận lưu hành giống cây trồng, hoặc vườn cây được thiết lập khi công bố lưu hành giống cây trồng, hoặc vườn cây được nhân từ cây đầu dòng, hoặc vườn cây được nhân từ vườn cây đầu dòng bằng phương pháp vô tính để cung cấp vật liệu nhân giống vô tính.
18. Phân bón là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng hoặc có tác dụng cải tạo đất để tăng năng suất, chất lượng cho cây trồng.
19. Chỉ tiêu chất lượng phân bón là các thông số kỹ thuật về đặc tính, thành phần, hàm lượng phản ánh chất lượng phân bón được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng tương ứng.
20. Nguyên tố dinh dưỡng trong phân bón là các nguyên tố hóa học cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Điều 3. Nguyên tắc hoạt động trồng trọt
1. Phù hợp với chiến lược phát triển trồng trọt; tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; theo chuỗi giá trị, gắn với định hướng thị trường; tạo môi trường thuận lợi để phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, xây dựng vùng sản xuất hàng hoá tập trung, sản xuất có hợp đồng, sản xuất được cấp chứng nhận chất lượng; bảo đảm an ninh lương thực; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân.
2. Bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng; sử dụng an toàn và hiệu quả các loại vật tư nông nghiệp.
3. Phải thực hiện trong điều kiện môi trường đất, nước, không khí bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật. Tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
4. Hướng tới nền sản xuất nông nghiệp áp dụng cơ giới hoá đồng bộ, công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ chính xác; nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ.
5. Phát huy lợi thế vùng miền, gắn với bảo tồn các giống cây trồng đặc sản, bản địa; bảo vệ các hệ thống canh tác bền vững, các di sản, cảnh quan, văn hóa trong nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái và xây dựng nông thôn mới.
6. Chủ động phòng, chống thiên tai và sinh vật gây hại; thích ứng với biến đổi khí hậu.
7. Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tuân thủ các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 4. Chiến lược phát triển trồng trọt
1. Chiến lược phát triển trồng trọt được xây dựng cho chu kỳ 10 năm, tầm nhìn 30 năm hoặc dài hơn và được điều chỉnh phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, biến đổi khí hậu.
2. Chiến lược phát triển trồng trọt xác định quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo, tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển trồng trọt cho từng vùng và trên phạm vi toàn quốc.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển trồng trọt.
Điều 5. Chính sách của Nhà nước về trồng trọt
1. Nhà nước đầu tư cho các hoạt động sau:
a) Thống kê, điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động trồng trọt; thông tin và dự báo thị trường; xây dựng chiến lược phát triển trồng trọt; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hoạt động trồng trọt;
b) Xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tổ chức khoa học và công nghệ công lập phục vụ nghiên cứu chính sách, nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực trồng trọt;
c) Các hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 6 của Luật này;
d) Đào tạo nguồn nhân lực về khuyến nông cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và vùng đặc biệt khó khăn.
2. Trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách Nhà nước, Nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động sau:
a) Liên kết sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, canh tác hữu cơ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; canh tác trên các vùng đất dốc, vùng trũng, đất phèn mặn, đất cát ven biển, đất có nguy cơ sa mạc hoá, hoang mạc hoá; phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến; quản lý vùng trồng và truy xuất nguồn gốc;
b) Các hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 6 của Luật này;
c) Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, hoạt động chứng nhận sản phẩm cây trồng;
d) Xây dựng cơ sở hạ tầng, phân tích, đánh giá các điều kiện ban đầu sản xuất trồng trọt (đất, nước…), đánh giá nông hóa, thổ nhưỡng phục vụ sản xuất hàng hóa tập trung; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến; sản xuất phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học; canh tác hữu cơ; cơ giới hoá; phòng thử nghiệm quốc gia và kiểm nghiệm liên phòng quốc tế;
đ) Sản xuất lúa;
e) Sản xuất giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng, giống bố mẹ để sản xuất hạt lai F1; phục tráng giống cây trồng đặc sản, bản địa; duy trì cây đầu dòng; bảo vệ và phát triển các vườn cây đầu dòng; nhập nội giống mới, mua bản quyền giống cây trồng;
g) Xây dựng chợ đầu mối sản phẩm cây trồng; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cây trồng;
h) Đào tạo nguồn nhân lực; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến nông trong trồng trọt.
3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho các hoạt động quy định tại khoản 1, khoản 2 của Điều này và các hoạt động sau đây:
a) Hợp tác, liên kết trong nghiên cứu phát triển, kinh doanh, cung cấp dịch vụ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và các hoạt động liên quan trong lĩnh vực trồng trọt;
b) Xã hội hóa các dịch vụ công trong lĩnh vực trồng trọt; nâng cao năng lực hoạt động đánh giá sự phù hợp;
c) Bảo hiểm nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt;
d) Canh tác hữu cơ, canh tác kết hợp du lịch sinh thái, bảo vệ cảnh quan, văn hóa, lịch sử ở khu vực nông thôn;
đ) Sử dụng phân bón hữu cơ.
Điều 6. Hoạt động khoa học và công nghệ trong trồng trọt
1. Hoạt động khoa học và công nghệ về trồng trọt được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về khoa học và công nghệ.
2. Hoạt động khoa học và công nghệ trong trồng trọt được Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư gồm:
a) Nghiên cứu cơ chế, chính sách trong trồng trọt, chọn, tạo giống cây trồng chất lượng cao, chống chịu với sinh vật gây hại và thích ứng với biến đổi khí hậu, sinh vật có ích, phát triển phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, kỹ thuật canh tác và bảo vệ môi trường sản xuất trồng trọt, khoa học đất và dinh dưỡng cây trồng, công nghệ sau thu hoạch;
b) Thu thập, lưu giữ, bảo tồn và khai thác nguồn gen giống cây trồng quý, hiếm, giống đặc sản, bản địa; xây dựng ngân hàng gen cây trồng;
c) Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong canh tác, bảo quản và chế biến; quy trình sản xuất tiên tiến; sản xuất nông nghiệp xanh; nông nghiệp hữu cơ; nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Điều 7. Hợp tác quốc tế trong hoạt động trồng trọt
1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động trồng trọt với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, pháp luật của mỗi bên và pháp luật quốc tế.
2. Nội dung ưu tiên hợp tác quốc tế trong hoạt động trồng trọt gồm:
a) Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về giống cây trồng; vật tư nông nghiệp; quy trình và công nghệ sản xuất; công nghệ sau thu hoạch; trao đổi thông tin;
b) Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hoạt động trồng trọt;
c) Hợp tác đầu tư, liên kết sản xuất, dự báo và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cây trồng.
3. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia và mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động trồng trọt.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động trồng trọt.
Điều 8. Cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt
1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt được xây dựng, cập nhật và thống nhất quản lý từ Trung ương đến địa phương.
2. Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, cập nhật và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt theo quy định của pháp luật.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc cung cấp thông tin, cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt.
Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trồng trọt
1. Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu giống cây trồng chưa được cấp Quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành tại Việt Nam, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
2. Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu phân bón chưa được cấp Quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật này và sản xuất phân bón để xuất khẩu theo hợp đồng đã ký với nước ngoài;
3. Sản xuất, buôn bán giống cây trồng không đáp ứng điều kiện sản xuất, buôn bán; sản xuất, buôn bán phân bón chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán phân bón.
4. Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu giống cây trồng, phân bón, vật tư nông nghiệp khác và sản phẩm cây trồng giả, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc.
5. Cung cấp sai lệch thông tin về giống cây trồng, phân bón đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc sai lệch với thông tin đã công bố khi đăng ký lưu hành sản phẩm.
6. Thực hiện trái phép dịch vụ khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm định đồng ruộng, giám định, chứng nhận chất lượng giống cây trồng, sản phẩm cây trồng, phân bón.
7. Cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm định đồng ruộng, kiểm tra, giám định, chứng nhận chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy về vật tư nông nghiệp và sản phẩm cây trồng.
8. Xuất khẩu trái phép giống cây trồng thuộc Danh mục nguồn gen giống cây trồng hạn chế xuất khẩu.
9. Canh tác gây hại tới sức khoẻ con người, cây trồng, vật nuôi; ô nhiễm môi trường; suy thoái và cạn kiệt tài nguyên đất, nước và đa dạng sinh học.
10. Khai thác, sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước vào mục đích phi nông nghiệp.
Chương II
GIỐNG CÂY TRỒNG
Mục 1. NGHIÊN CỨU, KHAI THÁC, SỬ DỤNG VÀ BẢO TỒN NGUỒN GEN GIỐNG CÂY TRỒNG
Điều 10. Nghiên cứu chọn, tạo và chuyển giao công nghệ về giống cây trồng
1. Nghiên cứu chọn, tạo và chuyển giao công nghệ về giống cây trồng được thực hiện theo quy định của pháp luật về khoa học công nghệ và pháp luật về chuyển giao công nghệ.
2. Nội dung ưu tiên nghiên cứu trong chọn, tạo giống cây trồng thực hiện theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 6 của Luật này.
Điều 11. Khai thác, sử dụng nguồn gen giống cây trồng
1. Nguồn gen giống cây trồng bao gồm nguồn gen từ giống cây trồng đã được cấp Quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành; giống cây trồng đã tồn tại phổ biến trong sản xuất, giống cây trồng đặc sản, giống cây trồng bản địa, giống cây trồng nhập khẩu chưa được cấp Quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành.
2. Việc khai thác, sử dụng nguồn gen giống cây trồng thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về đa dạng sinh học.
Điều 12. Bảo tồn nguồn gen giống cây trồng
1. Bảo tồn nguồn gen giống cây trồng bao gồm các hoạt động sau:
a) Điều tra, thu thập, bảo tồn và xây dựng ngân hàng gen giống cây trồng;
b) Giải mã gen và đánh giá các chỉ tiêu nông học, sinh học và giá trị sử dụng;
c) Thiết lập và chia sẻ dữ liệu, hệ thống thông tin tư liệu và nguồn gen giống cây trồng.
2. Chính phủ quy định chế độ khai thác, sử dụng, bảo tồn nguồn gen giống cây trồng và ban hành Danh mục nguồn gen giống cây trồng cấm xuất khẩu.
Mục 2. CÔNG NHẬN LƯU HÀNH VÀ TỰ CÔNG BỐ LƯU HÀNH GIỐNG CÂY TRỒNG
Điều 13. Yêu cầu chung
1. Giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính chỉ được phép sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu sau khi được cấp Quyết định công nhận lưu hành theo quy định tại Điều 15, hoặc cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách theo quy định tại Điều 16 của Luật này, trừ trường hợp phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, triển lãm, trao đổi quốc tế và sản xuất hạt giống phục vụ xuất khẩu.
2. Giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính chỉ được phép sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu khi tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành theo quy định tại Điều 17 của Luật này, trừ trường hợp phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, quảng cáo, triển lãm và trao đổi quốc tế và sản xuất hạt giống phục vụ xuất khẩu. Trường hợp tổ chức, cá nhân muốn đăng ký cấp Quyết định công nhận lưu hành thực hiện theo quy định tại Điều 15 của Luật này.
3. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có văn phòng đại diện tại Việt Nam có quyền đứng tên đăng ký cấp Quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng.
4. Việc cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng được thực hiện đồng thời với việc cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng khi tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký công nhận lưu hành giống cây trồng đề nghị và đáp ứng các điều kiện về bảo hộ giống cây trồng theo quy định của pháp luật về Sở hữu trí tuệ.
5. Giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính phải được khảo nghiệm do tổ chức khảo nghiệm độc lập được công nhận đủ điều kiện (sau đây gọi là tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng) thực hiện trước khi cấp hoặc gia hạn Quyết định công nhận lưu hành, trừ trường hợp giống cây cảnh không phải thực hiện khảo nghiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật này và giống cây trồng được cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách quy định tại Điều 16 của Luật này.
6. Trong từng thời kỳ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục loài cây trồng chính.
………..
Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Luật Trồng trọt Dự thảo Luật trồng trọt của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.