Luật số 38/2009/QH12 của Quốc hội: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.
QUỐC HỘI ———– Số: 38/2009/QH12 |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
LUẬT
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU
CỦA CÁC LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản của Luật xây dựng số 16/2003/QH11, Luật đấu thầu số 61/2005/QH11, Luật doanh nghiệp số 60/2005/QH11, Luật đất đai số 13/2003/QH11 và Luật nhà ở số 56/2005/QH11.
Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng.
1. Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 7. Năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng
1. Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện về năng lực hoạt động xây dựng, hành nghề xây dựng được tham gia các hoạt động sau:
a) Tư vấn thiết kế quy hoạch xây dựng, lập và thẩm định dự án đầu tư, thiết kế xây dựng, định giá xây dựng, giám sát thi công và quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
b) Khảo sát xây dựng công trình;
c) Thi công xây dựng công trình;
d) Thí nghiệm chuyên ngành xây dựng;
đ) Kiểm định chất lượng công trình xây dựng;
e) Chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn chịu lực công trình xây dựng và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng.
2. Cá nhân tham gia hoạt động xây dựng phải có năng lực hành nghề xây dựng được xác định theo cấp bậc trên cơ sở trình độ chuyên môn do một tổ chức chuyên môn đào tạo xác nhận, kinh nghiệm, đạo đức nghề nghiệp, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
Cá nhân hoạt động tư vấn thiết kế quy hoạch xây dựng, thiết kế xây dựng, giám sát thi công, khảo sát xây dựng công trình phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp và phải chịu trách nhiệm cá nhân về công việc của mình.
3. Tổ chức hoạt động xây dựng phải có năng lực hoạt động xây dựng được xác định theo cấp bậc trên cơ sở năng lực hành nghề xây dựng của các cá nhân trong tổ chức, kinh nghiệm hoạt động xây dựng, khả năng tài chính, thiết bị và năng lực quản lý của tổ chức.
4. Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động xây dựng trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải có đủ năng lực quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này và được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động.
5. Chính phủ quy định cụ thể về năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, năng lực hành nghề xây dựng của cá nhân và việc cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng cho cá nhân.”
2. Điều 40 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 40. Điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng 30% vốn Nhà nước trở lên
1. Dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng 30% vốn Nhà nước trở lên được điều chỉnh khi có một trong các trường hợp sau đây:
a) Do ảnh hưởng của động đất, bão, lũ, lụt, sóng thần, hỏa hoạn, địch họa hoặc sự kiện bất khả kháng khác;
b) Xuất hiện các yếu tố đem lại hiệu quả cao hơn cho dự án;
c) Khi quy hoạch xây dựng thay đổi trực tiếp ảnh hưởng đến địa điểm, quy mô, mục tiêu của dự án;
d) Các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.
2. Khi việc điều chỉnh dự án làm thay đổi địa điểm, quy mô, mục tiêu dự án, vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư quyết định; trường hợp điều chỉnh dự án không làm thay đổi địa điểm, quy mô, mục tiêu dự án, không vượt tổng mức đầu tư thì chủ đầu tư được tự quyết định.
3. Nội dung điều chỉnh dự án phải được thẩm định trước khi quyết định.”
3. Bổ sung Điều 40a vào sau Điều 40 như sau:
“Điều 40a. Giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng công trình
1. Dự án đầu tư xây dựng công trình phải được giám sát, đánh giá phù hợp với từng loại nguồn vốn:
a) Đối với dự án sử dụng 30% vốn Nhà nước trở lên, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện giám sát, đánh giá toàn bộ quá trình đầu tư theo nội dung và các chỉ tiêu đã được phê duyệt;
b) Đối với dự án sử dụng nguồn vốn khác, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện giám sát, đánh giá về mục tiêu, sự phù hợp với các quy hoạch liên quan, việc sử dụng đất, tiến độ đầu tư và bảo vệ môi trường.
2. Chính phủ quy định cụ thể nội dung giám sát, đánh giá và việc tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng công trình.”
4. Điều 43 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 43. Quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình
1. Quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình phải bảo đảm mục tiêu đầu tư và hiệu quả dự án, phù hợp với nguồn vốn sử dụng và giai đoạn đầu tư.
2. Nhà nước thực hiện quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình, hướng dẫn phương pháp lập và quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình; cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng công bố định mức, chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật và các thông tin liên quan để chủ đầu tư tham khảo xác định chi phí đầu tư.
3. Chủ đầu tư xây dựng công trình chịu trách nhiệm quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi công trình được đưa vào khai thác, sử dụng.
Chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn để thực hiện việc lập, thẩm tra và kiểm soát chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình phù hợp với nguồn vốn sử dụng, điều kiện cụ thể của công trình xây dựng.”
5. Điều 54 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 54. Các bước thiết kế xây dựng công trình
1. Thiết kế xây dựng công trình gồm thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và các bước thiết kế khác theo thông lệ quốc tế. Thiết kế cơ sở được lập trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng công trình; các bước thiết kế tiếp theo được lập trong giai đoạn triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình.
2. Tùy theo quy mô, tính chất và mức độ phức tạp của công trình cụ thể, thiết kế xây dựng công trình có thể thực hiện theo nhiều bước. Người quyết định đầu tư quyết định các bước thiết kế khi phê duyệt dự án.
3. Chính phủ quy định cụ thể các bước thiết kế đối với từng loại công trình.”
6. Điều 55 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 55. Thi tuyển, tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình xây dựng
1. Công trình công cộng có quy mô lớn, có yêu cầu kiến trúc đặc thù phải được tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình; người quyết định đầu tư quyết định việc thi tuyển hoặc tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình; đối với công trình khác thì việc thi tuyển hoặc tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình do chủ đầu tư quyết định.
2. Chi phí thi tuyển, tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình được tính vào tổng mức đầu tư của công trình xây dựng.
3. Tác giả của thiết kế kiến trúc công trình trúng tuyển hoặc được tuyển chọn được bảo hộ quyền tác giả, được ưu tiên lựa chọn để lập dự án đầu tư xây dựng công trình và thiết kế xây dựng khi có đủ điều kiện năng lực theo quy định.
4. Chính phủ quy định cụ thể việc thi tuyển, tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình xây dựng.”
7. Điều 59 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 59. Thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình
1. Thiết kế xây dựng phải được thẩm định và phê duyệt. Người thẩm định, phê duyệt thiết kế chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định, phê duyệt của mình.
2. Người quyết định đầu tư tự chịu trách nhiệm về việc thẩm định thiết kế cơ sở và các nội dung khác của dự án khi thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình để phê duyệt dự án; trong trường hợp cần thiết, người quyết định đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến các cơ quan liên quan về thiết kế cơ sở.
Trong nội dung phê duyệt dự án phải xác định rõ các giải pháp thiết kế cơ sở cần tuân thủ và các giải pháp thiết kế cơ sở cho phép chủ đầu tư được thay đổi trong các bước thiết kế tiếp theo.
3. Chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt các bước thiết kế tiếp theo phù hợp với thiết kế cơ sở đã được duyệt.
4. Chính phủ quy định cụ thể nội dung thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình.”
Điều 2: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đấu thầu.
1. Khoản 30 và khoản 39 Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“30. Giá đánh giá là giá được xác định trên cùng một mặt bằng về các yếu tố kỹ thuật, tài chính, thương mại và được dùng để so sánh, xếp hạng hồ sơ dự thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu EPC. Giá đánh giá bao gồm giá dự thầu do nhà thầu đề xuất để thực hiện gói thầu sau khi đã sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch, cộng với các chi phí cần thiết để vận hành, bảo dưỡng và các chi phí khác liên quan đến tiến độ, chất lượng, nguồn gốc của hàng hóa hoặc công trình thuộc gói thầu trong suốt thời gian sử dụng.”
“39. Thẩm định đấu thầu là việc kiểm tra, đánh giá của cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu để làm cơ sở cho người có thẩm quyền hoặc chủ đầu tư xem xét, quyết định theo quy định của Luật này. Việc thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu không phải là đánh giá lại hồ sơ dự thầu.”
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Luật số 38/2009/QH12 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.