Dấu vết của protein còn sót lại được phát hiện từ lâu trong tranh sơn dầu cổ điển và quy cho ô nhiễm. Nhưng nghiên cứu mới công bố hôm 28/3 trên tạp chí Nature Communications phát hiện việc thêm protein nhiều khả năng là chủ ý của họa sĩ. Kết quả nghiên cứu hé lộ trình độ kỹ thuật của những họa sĩ bậc thầy ở châu Âu vào thế kỷ 16, 17 và 18 cũng như cách họ chuẩn bị màu sơn. Theo Ophélie Ranquet, đồng tác giả nghiên cứu ở Viện kỹ thuật và cơ khí thuộc Viện Công nghệ Karlsruhe ở Đức, chỉ một lượng lòng đỏ trứng rất nhỏ cũng có thể đem đến thay đổi thú vị trong đặc tính của sơn dầu.
So với dung môi mà người Ai Cập cổ đại sáng tạo gọi là tempera, kết hợp lòng đỏ trứng với bột màu và nước, sơn dầu tạo ra màu sắc đậm hơn, cho phép chuyển màu mượt mà hơn và khô lâu hơn nhiều, vì vậy có thể dùng trong vài ngày sau khi pha. Tuy nhiên, sơn dầu sử dụng hạt lanh hoặc dầu rum thay cho nước, cũng có hạn chế, bao gồm dễ chuyển thành màu tối và bị hư hỏng khi tiếp xúc với ánh sáng. Do pha màu sơn là một quá trình thủ công và mang tính thử nghiệm, có thể các danh họa thêm lòng đỏ trứng vào loại sơn mới, xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 7 ở Trung Á trước khi truyền đến Bắc Âu vào thời Trung Cổ và Italy thời Phục Hưng.
Trong nghiên cứu, Ranquet và cộng sự tái tạo quá trình pha màu sơn, sử dụng 4 nguyên liệu là lòng đỏ trứng, nước cất, dầu hạt lanh và màu để tạo hai màu phổ biến là màu trắng chì và xanh biển. Theo Ranquet, việc thêm lòng đỏ trứng rất có lợi bởi nó giúp cải tiến đặc tính của màu sơn. Ví dụ, lớp sơn mất thời gian lâu hơn để oxy hóa nhờ những chất chống oxy hóa trong lòng đỏ trứng.
Phản ứng hóa học giữa dầu, màu và protein trong lòng đỏ ảnh hưởng trực tiếp tới tính chất và độ nhớt của lớp sơn. Chẳng hạn, màu chì trắng khá nhạy cảm với độ ẩm, nhưng nếu bao phủ một lớp protein, nó sẽ chịu ẩm tốt hơn, khiến màu sơn dễ dùng hơn. Mặt khác, nếu không muốn dùng nhiều màu, thêm một chút lòng đỏ có thể giúp tạo ra lớp sơn dày. Cách đây nhiều thế kỷ, họa sĩ muốn dùng ít màu do một số màu như xanh lưu ly sử dụng bột màu xanh biển vốn đắt hơn vàng.
Một bằng chứng trực tiếp về ảnh hưởng của lòng đỏ trong sơn dầu nằm ở bức tranh “Madonna of the Carnation” của Leonardo da Vinci, trưng bày ở bảo tàng Alte Pinakothek tại Munich, Đức. Tác phẩm có nếp nhăn trên mặt Đức mẹ Mary và đứa trẻ. Sơn dầu bắt đầu khô đi từ bề mặt trở xuống, tạo thành nếp nhăn. Do quá trình nhăn diễn ra trong vòng vài ngày, nhiều khả năng Leonardo và các danh họa khác có thể chú ý tới hiệu ứng đặc biệt này cũng như ích lợi của lòng đỏ trứng trong sơn dầu, bao gồm tác dụng kháng ẩm. “Madonna of Carnation” là một trong những bức tranh sớm nhất của Leonardo, ra đời vào thời kỳ ông vẫn đang tìm cách làm chủ chất liệu sơn dầu. Ranquet hy vọng phát hiện sơ bộ trong nghiên cứu có thể thu hút sự chú ý đối với kỹ thuật vẽ tranh của các danh họa bậc thầy.
An Khang (Theo CNN)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/long-do-trung-dung-pha-mau-trong-kiet-tac-cua-da-vinci-4587186.html