Cơn lốc xoáy khổng lồ có kích thước bằng 14 Trái Đất xếp chồng lên nhau, theo nhiếp ảnh gia thiên văn Andrew McCarthy. Ông cũng cho biết, nó còn trút những khối cầu plasma lớn tương đương Mặt Trăng xuống bề mặt Mặt Trời, Live Science hôm 24/3 đưa tin.
Lốc xoáy xuất hiện gần cực bắc của Mặt Trời hôm 15/3, tiếp tục phát triển và thay đổi hình dạng. Nó tan biến vào ngày 18/3, khi tự xoắn quá mức và phóng một luồng plasma, hay khí ion hóa, vào không gian. Luồng plasma phóng ra sẽ không lao tới Trái Đất.
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Solar Origins of Space Weather and Space Climate năm 2013, lốc xoáy Mặt Trời thường cao từ 25.000 – 100.000 km, nhỏ bé hơn nhiều so với cơn lốc khổng lồ hôm 15/3. Nghiên cứu cũng tiết lộ, chúng thường hình thành theo những nhóm nhỏ. Điều này khiến cơn lốc xoáy đơn độc cao 178.000 km càng trở nên khác thường.
Khác với kiểu lốc xoáy do gió định hình trên Trái Đất, lốc xoáy Mặt Trời do từ tính điều khiển. Các vòng plasma hình móng ngựa gắn trên bề mặt Mặt Trời bị mắc kẹt trong từ trường quay nhanh. Từ trường này giữ và quay luồng khí ion hóa thành lốc xoáy.
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Astronomy & Astrophysics năm 2013, vào năm 2011, một cơn lốc xoáy Mặt Trời xuất hiện khoảng 10 tiếng sau khi 3 lóa Mặt Trời hình thành gần đó. Nhóm nghiên cứu cho rằng các lóa Mặt Trời đã làm suy yếu từ trường trong khu vực, tạo ra một lỗ hổng vành nhật hoa lan rộng ra và bắt đầu xoáy tròn.
Lốc xoáy hôm 15/3 không phải cấu trúc plasma kỳ lạ duy nhất mà giới chuyên gia phát hiện gần các cực Mặt Trời trong thời gian gần đây. Ví dụ, ngày 9/3, một thác plasma cao 100.000 km xuất hiện gần cực nam.
Những hiện tượng đặc biệt này có thể sẽ phổ biến hơn vì hoạt động Mặt Trời đang trở nên dữ dội hơn. Nguyên nhân là Mặt Trời sắp tới điểm cực đại trong chu kỳ hoạt động 11 năm, dự kiến diễn ra vào năm 2025.
Thu Thảo (Theo Live Science)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/loc-xoay-cao-178-000-km-tren-mat-troi-4585177.html