Bạn đang xem bài viết Loãng xương: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Loãng xương là một trong những bệnh hay gặp ở tuổi trung niên và tuổi già. Tuy diễn biến âm thầm nhưng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng Nhà thuốc An Khang tìm hiểu nguyên nhân, biến chứng, các biện pháp điều trị và phòng ngừa bệnh loãng xương qua bài viết này nhé!
Bệnh loãng xương là gì?
Loãng xương (osteoporosis) hay còn gọi là thưa xương, xốp xương hay giòn xương. Cơ chế do mất cân bằng giữa 2 quá trình tạo xương và hủy xương gây nên rối loạn chuyển hóa của xương làm cho xương dễ gãy. Các vị trí dễ gãy xương nhất là lưng (cột sống), cổ tay và khớp háng.
Nếu dựa vào nguyên nhân có thể chia thành hai dạng loãng xương.
- Loãng xương nguyên phát: do lão hóa tạo cốt bào làm giảm quá trình tạo xương gây mất cân bằng giữa tạo xương và hủy xương.
- Loãng xương thứ phát: hậu quả của một số bệnh như suy sinh dục, cường vỏ thượng thận, dùng nội tiết tố vỏ thượng thận kéo dài, cường cận giáp, cường giáp, rối loạn hấp thu hoặc do thiếu canxi, bất động kéo dài và điều trị bằng heparin kéo dài.
Loãng xương là rối loạn cân bằng giữa tạo xương và huỷ xương
Nguyên nhân gây ra loãng xương
Nồng độ hormone
Sự suy giảm nồng độ estrogen ở phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh( khi mãn kinh, hàm lượng estrogen giảm nhanh nhất) hoặc suy giảm testosterone do ung thư tuyến tiền liệt đẩy nhanh quá trình loãng xương.
Hormone tuyến giáp sản xuất nhiều hơn nhu cầu cơ thể trong các trường hợp cường giáp hoặc sử dụng quá liều hormone giáp từ bên ngoài làm tăng quá trình huỷ xương, kéo dài sự không cân bằng giữa huỷ xương và tạo xương.
Tuyến cận giáp và tuyến thượng thận hoạt động mạnh có thể tăng hủy xương.
Yếu tố dinh dưỡng
Thiếu canxi sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc hình thành xương làm giảm mật độ xương, mất xương sớm và tăng nguy cơ gãy xương.
- Thiếu canxi do cung cấp không đủ.
- Thiếu canxi do phẫu thuật đường tiêu hóa khiến cho ruột không hấp thụ được canxi do thực phẩm cung cấp.
Móng tay dễ gãy là dấu hiệu thiếu canxi
Steroid và một số loại thuốc khác
Sử dụng liều cao và dài ngày (trên 3 tháng) corticosteroid như prednisone và cortisone sẽ gây ra tác dụng phụ làm cản trở quá trình tái tạo xương dẫn đến loãng xương. Một số thuốc khác cũng có thể gây ra loãng xương như: thuốc chống co giật, thuốc chống loét dạ dày tá tràng, thuốc liên quan đến ung thư.
Các bệnh nền
Một số bệnh có thể gây nên tình trạng loãng xương như:
- Bệnh viêm ruột.
- Bệnh thận hoặc gan.
- Bệnh ung thư.
- Bệnh đa u tủy xương.
- Viêm khớp dạng thấp.
Viêm khớp dạng thấp cũng là yếu tố nguy cơ của loãng xương
Lối sống không lành mạnh
Người ít vận động: ngồi nhiều sẽ gây áp lực cao lên cột sống hơn đứng, tăng nguy cơ loãng xương.
Rượu và thuốc lá: đây là các yếu tố thúc đẩy nguy cơ loãng xương.
Không tập thể dục nên cơ thể không nâng cao được sức dẻo dai của xương, đặc biệt là cột sống.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc loãng xương
- Giới tính: nữ có khả năng bị loãng xương hơn nam giới.
- Tuổi: càng lớn tuổi, nguy cơ loãng xương càng cao.
- Chủng tộc: người da trắng hoặc người gốc Á có nguy cơ loãng xương cao.
- Tiền sử gia đình: cha, mẹ hoặc anh chị em, đặc biệt là cha, mẹ bị gãy xương chậu.
- Kích thước khung cơ thể: nhỏ hơn bình thường sẽ có nguy cơ dễ bị gãy xương.
Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi gây loãng xương
Dấu hiệu của bệnh loãng xương
Loãng xương là bệnh diễn biến thầm lặng, không có triệu chứng cụ thể và chỉ biểu hiện khi nó gây ra các biến chứng nặng như:
- Đau lưng do thoái hoá đốt sống, thoát vị đĩa đệm, xẹp đốt sống.
- Giảm chiều cao.
- Có thể có hiện tượng gù, còng lưng.
- Xương dễ gãy hơn so với người bình thường ngay cả với những cử động đơn giản như ngồi xuống đột ngột, ho, hoặc cúi xuống.
Biến chứng nguy hiểm
Gãy xương là biến chứng điển hình nhất mà loãng xương gây nên.
- Gãy xương chậu: mất máu nhiều, có thể dẫn tới tử vong hoặc có thể gây ra tàn tật.
- Gãy xương cột sống: chèn vào dây thần kinh gây đau, làm cho cột sống không hoạt động như bình thường, gây nên gù, còng.
Loãng xương chèn vào dây thần kinh cột sống
Cách chẩn đoán bệnh loãng xương
Để chẩn đoán chính xác loãng xương cần thực hiện đo mật độ xương (DEXA). Dựa vào kết quả sẽ kết luận xem bạn có loãng xương hay không.
SD(so sánh với người bình thường cùng độ tuổi) | x>-1SD | -2,5SD | x |
Kết luận | bình thường | loãng xương | loãng xương nặng |
Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Vì loãng xương là bệnh diễn biến rất thầm lặng nên nếu bạn có yếu tố nguy cơ dưới đây thì nên đi khám để phát hiện sớm loãng xương.
- Mãn kinh sớm (trước 50 tuổi).
- Dùng corticosteroid liều cao (2mg/kg/ngày) và kéo dài(trên 3 tháng).
- Cha hoặc mẹ của bạn bị gãy xương chậu.
- Đau lưng, đau xương cổ tay,…
- Làm các động tác sinh hoạt bình thường nhưng xương lại bị gãy.
- Có các biểu hiện còng, gù hoặc giảm chiều cao so với bình thường.
Đau nhức cổ tay ở tuổi trung niên có thể là dấu hiệu của loãng xương
Nơi khám các bệnh xương khớp uy tín
Nếu có bất kỳ biểu hiện nào, bạn nên đến các cơ sở phòng khám, bệnh viện chuyên khoa về cơ xương khớp hoặc bất kỳ bệnh viện đa khoa nào để được chẩn đoán và điều trị loãng xương kịp thời.
- Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Chợ Rẫy,…
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn,…
Một số bệnh viện uy tín
Các phương pháp chữa bệnh
Thực hiện các xét nghiệm y tế
- Chụp DEXA: đánh giá tình trạng loãng xương.
- Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (CBC).
- Xét nghiệm bảng chuyển hóa toàn diện (CMP).
- Xét nghiệm nồng độ TSH – hormon kích thích tuyến giáp.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan), chụp cộng hưởng từ (MRI) và siêu âm.
Dùng thuốc điều trị loãng xương
Sau đây là các nhóm thuốc dùng để điều trị loãng xương:
Nhóm chống hủy xương, giảm hoạt tính của tế bào hủy xương, giảm chu chuyển xương: Calcitonin.
Nhóm hormon và các thuốc giống hormon ức chế các tế bào hủy xương hoạt động.
Nhóm hormon sinh dục nữ (như oestrogen) được sử dụng với mục đích phòng ngừa và điều trị loãng xương ở nữ giới từ sau tuổi mãn kinh:
- Oestrogen.
- Kết hợp oestrogen và progesterone.
- Thuốc giống hormone.
- Thuốc điều hòa chọn lọc thụ thể oestrogen.
Đối với nam giới sau tắt dục (mất khả năng cương cứng) có thể phòng và trị loãng xương bằng nhóm hormon sinh dục nam (androgen): testosterone.
Nhóm thuốc tăng khối lượng và độ cứng của xương: nhóm biphosphonate (Pyrophosphate, Clodronate, Tiludronate, Pamidronate, Etidronate, Alendronate, Risedronate,…).
Sử dụng thuốc tăng tạo xương
- rPTH (hormon tuyến cận giáp) 2 mcg tiêm dưới da/ngày. Đây là thuốc duy nhất được công nhận là tăng tạo xương thực sự (11/2002).
- Vitamin D giúp hấp thu canxi tốt hơn.
- Bổ sung Calcium khi chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ hoặc do kém hấp thu.
- Durabolin, deca-durabolin: tăng hoạt tính tế bào tạo xương, tăng chuyển hóa đạm.
Phối hợp thuốc trong điều trị
Kết hợp thuốc chống hủy xương và thuốc tăng tạo xương:
- Bisphosphonate + canxi và vitamin D.
- Calcitonin + canxi và vitamin D.
- Hormone thay thế + canxi và vitamin D.
- Có thể kèm liệu pháp hormon thay thế nếu có chỉ định.
Biện pháp phòng ngừa
Bệnh loãng xương cần phải điều trị lâu dài. Chi phí cho các thuốc điều trị loãng xương khá đắt vì vậy phòng ngừa loãng xương sẽ có lợi hơn đối với sức khỏe và kinh tế.
Người trưởng thành khỏe mạnh thường đạt khối lượng xương cao nhất vào khoảng 20 – 30 tuổi và nếu tăng được 10% khối lượng xương trong giai đoạn này sẽ giúp giảm được 50% nguy cơ bị loãng xương.
- Cung cấp đầy đủ đạm và khoáng chất từ giai đoạn người mẹ mang thai đến sau này.
- Sử dụng sữa và các chế phẩm từ sữa (nguồn canxi dồi dào, dễ hấp thu).
- Trẻ em nên tham gia các hoạt động thể thao để tăng cường sức mạnh xương và tăng chiều cao.
- Loại bỏ những thói quen xấu như uống nhiều rượu, bia, cà phê, hút thuốc lá, ăn kiêng quá mức, ít vận động.
- Bổ sung ngay vitamin D và canxi khi dùng các loại thuốc corticosteroid, thuốc chống co giật (phenytoin, barbiturate…) liều cao, trong thời gian dài.
- Từ tuổi mãn kinh trở đi, cần tăng cường bổ sung canxi và vitamin D.
Phụ nữ có thai nên bổ sung đạm để tốt cho phát triển xương của thai kỳ
Cách giữ cho xương chắc khỏe cho người lớn tuổi
Dùng thực phẩm bổ sung
Bạn cần cung cấp đầy đủ canxi, vitamin D và protein mỗi ngày với các thực phẩm như sữa, rau xanh, cá, ngũ cốc,… để cơ thể có đủ nguyên liệu tổng hợp và phát triển xương đáp ứng nhu cầu cơ thể.
Bổ sung các thực phẩm giàu canxi
Tập thể dục
Tập các bài tập chịu lực như đi bộ, chạy bộ, leo cầu thang,… để tăng sức khỏe cho xương. Tập những bài tập ít nhất 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần để đảm bảo sức khỏe.
Không hút thuốc
Hút thuốc lá không những ảnh hưởng đến hô hấp mà còn có thể làm giảm sức khỏe của xương. Vì vậy, cần bỏ thuốc lá ngay kể cả hút thuốc lá thụ động để có sức khỏe tốt nhất.
Hạn chế rượu bia
Uống quá nhiều rượu ảnh hưởng rất lớn đến xương. Một ngày không nên uống quá 2 cốc bia hoặc 3 chén rượu và không được uống quá 2 ngày trong tuần.
XEM THÊM:
- 15 cách giúp xương chắc khỏe ngay tại nhà bạn nên biết
- Gừng có giúp giảm đau khớp không?
- Nguyên nhân loãng xương thường gặp có thể bạn chưa biết
Hy vọng bài viết này đã cung cấp các kiến thức về loãng xương giúp bạn nhận biết sớm các triệu chứng của loãng xương cũng như cách sinh hoạt để có xương chắc khỏe. Nếu bạn thấy kiến thức này hay và hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân nhé!
Nguồn: Nhs, Nih, Mayoclinic.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Phạm Thế Hiển
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Loãng xương: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.