Malacca (tên chính thức tiếng Malay là Melaka) là một tiểu bang của Malaysia, nằm ở khu vực phía Nam bán đảo Malay, bên cạnh eo biển Malacca. Phía Bắc và phía Tây Malacca được bao bọc bởi Negeri Sembilan và phía Nam được bao bọc bởi Johor. Malacca nằm cách thủ đô Kuala Lumpur 148 km về phía Đông Nam, cách thành phố lớn nhất Johor Bahru là Johor 235 km về phía Tây Bắc. Trung tâm thành phố lịch sử này đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2008. Được biết, Malacca là thành phố cổ nhất Malaysia, bởi trước đó nó chính là một cựu quốc gia – một trong những vương quốc Hồi giáo sớm nhất của người Mã Lai.
Lịch sử thành phố cổ Malaca (melaka), Malaysia
Malaca (melaka), Malaysia
Cuối thế kỷ 14, sau các cuộc chiến giữa vương quốc Srivijaya ở đảo Sumatra và vương quốc Majapahit ở đảo Java,vương quốc Srivijaya dần suy yếu. Trong bối cảnh nguy hiểm đó, một hoàng tử của triều đình Srivijaya đã vượt eo biển sang lánh nạn ở bán đảo Mã Lai và lập nên thành phố Malacca.
Được thành lập vào năm 1404, Malacca có được một thế kỷ phát triển huy hoàng, vừa là một trung tâm thương mại lớn ở Đông Nam Á, vừa làm một trung tâm văn hoá của người Mã Lai nhờ vào lượng dân cư từ Palembang ở đảo Sumatra di cư sang. Trong thời kỳ này, nền văn hoá Mã Lai của Malacca được ngưỡng mộ và được ở nhiều nơi trên bán đảo và quần đảo, bao gồm cả miền bắc đảo Borneo.
Nhờ vị trí thuận lợi của mình với lãnh thổ bao quát cả vùng eo biển, người Mã Lai ở Malacca vô cùng thành thạo về hàng hải và thương mại biển. Nắm bắt cơ hội, các vị quốc vương đã thiết lập các điều kiện có lợi và hiệu quả cho các thương nhân trên đất liền và các tuyến đường biển gần đất liền. Sự cạnh tranh của các cảng đối thủ trong khu vực đã bị hút cả về Malacca. Thời điểm đỉnh cao, vương quốc Malacca đã kiểm soát cả các bán đảo xa về phía bắc giáp với vương quốc Ayutthaya của người Xiêm, quần đảo Riau Lingga và phần lớn bờ biển đông đảo Sumatra.
Sự phát triển của Malacca được sự ủng hộ của nhà Minh – Trung Quốc, do vậy, vương quốc này có được vị thế cân bằng với hai cường quốc láng giềng là Ayutthaya của người Thái ở phía Bắc và vương quốc Majapahit của người Java ở phía Đông Nam. Cũng giai đoạn này, một cộng đồng người Hoa đã nhen nhóm tại đây và nhanh chóng trở thành một phần xã hội Malacca, rồi nghiễm nhiên là một phần lịch sử của Malaysia ngay từ khi mới hình thành.
Sự du nhập của Hồi giáo
Đầu thế kỷ 15, các thương nhân A Rập đến đây định cư và buôn bán đã mang theo đạo Hồi đến cùng. Để thuận lợi cho sự phát triển của đất nước, quốc vương Malacca đã chấp nhận Đạo Hồi và điều này chính xác đã góp phần cho sự thành công của thành phố. Từ đya, Malacca trở thành điểm đến ưa thích của các thương nhân A Rập và Hồi giáo ở Ấn Độ. Sự chấp nhận ton giáo mới này của vương quốc Malacca đã châm ngòi cho việc hồi giáo hoá toàn bán đảo Mã Lai và các quần đảo Sumatra, Java, Borneo… gần đó.
Vương quốc Malacca sụp đổ
Thời kỳ vàng son của Malacca chấm dứt vào tháng 8/ 1511 khi những đạo quân Bồ Đào Nha chiếm đóng thành phố, chiếm trọn thương cảng, lập làm bàn đạp để đánh chiếm sang phía Đông Ấn Độ. Cũng do bận bịu với chiến lược mở rộng sang Ấn Độ, người Bồ Đào Nha chỉ quan tâm và kiểm soát trung tâm thành phố Malacca, còn các khu vực khác thuộc quyền kiểm soát của vương quốc trước đây vẫn tự kiểm soát các lãnh địa của mình. Do đó, thời kì này, vương quốc Malacca đã dần hình thành các tiểu quốc nhỏ, mạnh nhất là tiểu quốc Johor ở phía nam bán đảo.
Tuy nhiên, đến năm 1641, người Bồ Đào Nha đầu hàng Hà Lan. Trong hơn 150 năm sau đó, người Hà Lan chiếm đóng Malacca nhưng không tập trung phát triển bến cảng nhiều tiềm năng này mà dồn sự tập trung vào Batavia (Jakarta – Indonesia) để xây dựng trung tâm hành chính ở đó. Về sau, Hà Lan lại đổi Malacca cho người Anh để lấy Bencoolen ở Sumatra (Indonesia) bằng Hiệp ước Anh – Hà Lan được ký năm 1824. Từ khi trở thành thuộc địa của Anh, giao thương ở Malacca cũng bị phân tán dần sang 2 đảo gần đó là Singapore và Penang. Tuy vậy, Malacca vẫn giữ một vị trí quan trọng trong việc hình thành nên quốc gia hồi giáo Malaysia sau này, khi giai đoạn thuộc địa Anh kết thúc.
Đăng bởi: Lưu Xuân Quế
Từ khoá: Lịch sử thành phố Malacca, Malaysia
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Lịch sử thành phố Malacca, Malaysia của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.