Giải Lịch sử lớp 6 Bài 2: Dựa vào đâu để biết và phục dựng lại lịch sử giúp các em học sinh lớp 6 tham khảo, nắm chắc kiến thức, dễ dàng trả lời toàn bộ câu hỏi trong SGK Lịch sử – Địa lí 6 sách Kết nối tri thức với cuộc sống trang 11, 12, 13.
Qua đó, các em sẽ phân biệt được nguồn sử liệu cơ bản: tư liệu hiện vật, chữ viết, truyền miệng, gốc, nêu được ý nghĩa của chúng. Đồng thời, cũng giúp thầy cô soạn giáo án Bài 2 Chương 1: Vì sao phải học Lịch sử. Chi tiết mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Pgdphurieng.edu.vn:
Phần mở đầu
Các nhà sử học làm công việc tương tự như những thám tử. Muốn dựng lại lịch sử, họ phải đi tìm các bằng chứng, tức là các tư liệu lịch sử. Hình ảnh dưới đây là một dạng tư liệu lịch sử. Quan sát hình ảnh, em nhận thấy những hoa văn trên mặt trống đồng miêu tả những gì? Qua đó, em có thể biết được gì về đời sống của người Việt cổ?
Trả lời
Quan sát hình ảnh, em nhận thấy những hoa văn trên mặt trống đồng miêu tả đời sống của người Việt cổ.
1. Tư liệu hiện vật
Thế nào là tư liệu hiện vật? Từ hình 2 và 3, em hãy kể thêm một số tư liệu hiện vật mà em biết.
Trả lời
Tư liệu hiện vật là những di tích, đồ vật, … của người xưa còn lưu giữ lại trong lòng đất hay trên mặt đất. Tuy đây chỉ là những hiện vật “câm”, nhưng nếu biết khai thác, chúng có thể nói cho ta biết khá cụ thể và trung thực về đời sống vật chất và phần nào đời sống tinh thần của người xưa.
Một số tư liệu hiện vật:
- Nhóm hiện vật lợp mái cung điện thời Lý được tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long
- Ngói úp trang trí đôi chim phượng bằng đất nung tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long
- Xe tăng, máy bay, khẩu pháo và một số súng thần công còn được lưu giữ tại bảo tàng lịch sử Thừa Thiên – Huế
- Rìu đá, công cụ bằng đá
2. Tư liệu chữ viết
1. Đoạn tư liệu trên cho em biết thông tin gì về thời đại Hùng Vương
2. Em hiểu thế nào là tư liệu chữ viết? Vì sao bia Tiến sĩ ở Văn Miếu (hình 4) cũng được coi là tư liệu chữ viết?
Trả lời
1. Đoạn thông tin này cho ta biết thông tin về tổ chức hành chính, tên gọi của người đứng đầu các bộ… Cụ thể: quốc hiệu là Văn Lang, đất nước chia làm 15 bộ, tướng văn là Lạc hầu, tướng võ là Lạc tướng, con gái vua là Mị Nương, con trai vua là Quan lang, hình thức nối ngôi: cha truyền con nối – Phụ đạo. Vua các đời đều gọi là Hùng Vương.
2. Tư liệu chữ viết là những bản ghi, tài liệu chép tay hay sách được in, khắc chữ. Các nguồn tài liệu này kể cho ta biết tương đối đầy đủ về các mặt của đời sống con người. Tuy nhiên, tư liệu chữ viết thường mang ý thức chủ quan của tác giả tư liệu.
3. Tư liệu truyền miệng
1. Thế nào là tư liệu truyền miệng
2. Hình 5 khiến em liên hệ đến truyền thuyết nào trong dân gian.
Trả lời
1. Tư liệu truyền miệng là những câu chuyện dân gian, truyền thuyết được kể truyền miệng từ đời này qua đời khác gọi là tư liệu truyền miệng. Loại tư liệu này thường không cho biết chính xác về thời gian và địa điểm, những phần nào phản ánh hiện thực lịch sử.
2. Hình 5 khiến ta nhớ đến truyền thuyết Thánh Gióng.
4. Tư liệu gốc
Em hiểu như nào là tư liệu gốc? Nêu ví dụ cụ thể.
Trả lời
Tư liệu gốc là tư liệu cung cấp những thông tin đầu tiên và trực tiếp về sự kiện lịch sử. Đây là nguồn tài liệu đáng tin cậy nhất khi tìm hiểu lịch sử.
Ví dụ:
- Cố đô Huế
- Đại Việt sử kí toàn thư
- Trống đồng Đông Sơn
Trả lời câu hỏi phần Luyện tập và vận dụng
Câu 1
Theo em, tư liệu hiện vật, tư liệu chữ viết, tư liệu truyền miệng và tư liệu gốc có ý nghĩa gì và giá trị gì?
Trả lời
Ý nghĩa và giá trị của sử liệu:
- Sử liệu chính là phương tiện mà thông qua đó nhà sử học có thể nhận thức được những gì đã xảy ra trong quá khứ.
- Các nguồn sử liệu là bằng chứng giúp các nhà sử học “dựng lại lịch sử” một cách chính xác và khách quan nhất.
- Các nguồn tư liệu còn giúp ta hình dung về cuộc sống tinh thần và vật chất của cuộc sống con người, giúp lí giải một số hiện tượng, sự việc dựa trên những chứng cứ khoa học.
Câu 2
Khai thác hình 2, 3, 4 và 5 trong bài học, hãy cho biết hình ảnh nào thuộc tư liệu gốc?
Trả lời
Tư liệu gốc gồm hình: 1, 2, 3, 4
Câu 3
Hãy kể tên một số truyền thuyết có liên quan đến lịch sử mà em biết.
Trả lời
Một số truyền thuyết liên quan đến lịch sử:
- Phù Đổng Thiên Vương – Thánh Gióng
- Sơn Tinh – Thuỷ Tinh
- Bọc trăm trứng
- Bánh Dày – Bánh Chưng
- Sự tích dưa hấu
- Sự tích Chử Đồng Tử
- Sự tích về Cột đá thề
- Mị Châu – Trọng Thủy
Câu 4
Ở nhà em hoặc nơi em sinh sống có những hiện vật nào ó thể giúp tìm hiểu lịch sử. Hãy giới thiệu ngắn gọn một hiện vật mà em thích nhất.
Trả lời
Hiện vật ở địa phương em là Hòn Vọng Phu.
Có thể giới thiệu về trống đồng Đông Sơn như sau:
Hè vừa qua, công ty bố em tổ chức cho gia đình cán bộ công nhân viên du lịch các tỉnh miền Bắc. Đoàn được viếng lăng Bác Hồ và tham quan viện bảo tàng Lịch sử Hà Nội. Tại viện bảo tàng Lịch sử Hà Nội, em được chiêm ngưỡng trống đồng Đông Sơn.
Trong gian phòng lớn, nơi trưng bày các đồ vật cổ, trống đồng Đông Sơn được đặt trên một bục gỗ khắc chạm bốn chân theo kiểu cổ. Đường bệ và uy nghi, chiếc trống đồng có hình dáng đồ sộ, cân đối và hài hoà. Chiếc trống đồng Đông Sơn được đúc bằng đồng, hình khối trụ tròn, cao sáu mươi xăng-ti-mét, hình thể phức tạp: phần trên phình ra hình nón cụt, ở giữa thắt lại hình trụ tròn, phần thân loe ra hình phễu. Mặt trống hình tròn, đường kính chín mươi xăng-ti-mét gồm nhiều vòng tròn đồng tâm có hình khắc chìm trên mặt trống. Giữa mặt trống có hình ngôi sao lớn. Vòng tròn ngoài ngôi sao cũng khắc chìm các hình ngôi sao nhỏ hơn. Mỗi ngôi sao có mười hai cánh. Ngôi sao lớn ở giữa biểu tượng cho tục lệ thờ Thần Mặt Trời của người Việt cổ, mười tám ngôi sao xung quanh xen lẫn mười tám con chim tượng trưng cho mười tám đời vua Hùng Vương. Bao quanh các ngôi sao có hoạ tiết lông công, hình con người múa, người giã gạo, người đánh trống hoặc bơi thuyền. Hoạ tiết hình chim có các hình tam giác đan xen vào nhau. Hoa văn hình học xung quanh mặt trống là các đường chấm nhỏ, vành chỉ trơn láng, vành tròn ngoài có hoa văn hình răng cưa, và các vạch ngắn song song.
Thân trống là phần hình trụ của khối tròn. Thân trống có hình hoa văn khắc hình chiếc thuyền, hình võ sĩ, chim muông và thú. Tất cả hình ở thân trống được khắc nổi, trang trí theo hình chữ nhật. Hình ảnh được sắp xếp rất cân đối. Quai trống được đúc theo hình dây thừng bện. Thân trống trơn láng, không có hoa văn, cao khoảng mười lăm xăng-ti-mét. Chân trống là phần loe hình phễu của khối trụ tròn. Trống đồng Đông Sơn là cổ vật thể hiện đời sống của nhân dân và văn hoá của người Việt cổ. Theo lời cô thuyết minh của viện bảo tàng, trống đồng được làm từ thế kỉ VI và thế kỉ VII trước Công nguyên. Các hình khắc trên trống đồng cho ta hình dung được nền văn minh nông nghiệp của nước ta thời kì trước Công nguyên. Hoa văn của trống ghi lại các hoạt động của xã hội Lạc Việt thời đó: dân ta đã biết đánh bắt hải sản, chăn nuôi gia súc, sản xuất thủ công và sử dụng sức kéo trong nông nghiệp.
Lý thuyết Dựa vào đâu để biết và phục dựng lại lịch sử?
1. Tư liệu hiện vật
- Khái niệm: tư liệu hiện vật là những di tích, đồ vật,… của người xưa còn lưu giữ lại trong lòng đất hay trên mặt đất.
- Ý nghĩa: cho ta biết khá cụ thể và trung thực về đời sống của người xưa.
2. Tư liệu chữ viết
- Khái niệm: tư liệu chữ viết là những bản ghi, tài liệu chép tay hay sách được in, khắc chữ…
- Ý nghĩa: ghi chép tương đối đầy đủ về đời sống con người nhưng thường mang ý thức chủ quan của tác giả tư liệu.
3. Tư liệu truyền miệng
- Khái niệm: tư liệu truyền miệng là những câu chuyện dân gian được kể truyền miệng từ đời này qua đời khác.
- Ý nghĩa: tuy không cho biết chính xác thời gian và địa điểm, nhưng phần nào phản ánh hiện thực lịch sử.
4. Tư liệu gốc
- Khái niệm: tư liệu gốc là tư liệu cung cấp những thông tin đầu tiên và trực tiếp về sự kiện hoặc thời kì lịch sử nào đó.
- Ý nghĩa: đây là nguồn tư liệu đáng tin cậy nhất khi tìm hiểu lịch sử.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Lịch sử 6 Bài 2: Dựa vào đâu để biết và phục dựng lại lịch sử? Soạn Sử 6 trang 11 sách Kết nối tri thức với cuộc sống của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.