Mỗi khi có kỳ nghỉ học, Zaizai, 8 tuổi, đến ở cùng gia sư tiếng Anh 10 ngày, có khi 30 ngày. Em gái 2 tuổi của Zaizai cũng đi theo anh, để làm quen với ngoại ngữ. Mẹ của hai đứa, Lu Ai, biết rõ việc học thêm là trái phép, nhưng cô bất chấp.
Từ tháng 7/2021, Trung Quốc cấm trẻ dưới 16 tuổi học thêm vào cuối tuần và ngày lễ. Chính sách này được gọi là “shuang jian”, hay giảm kép, được đưa ra nhằm giảm bớt áp lực cho học sinh trong hệ thống giáo dục khét tiếng căng thẳng ở Trung Quốc.
Theo đó, hàng loạt trung tâm dạy thêm phải đóng cửa hoặc chuyển thành tổ chức phi lợi nhuận, không trung tâm mới nào được cấp phép. Trường học cũng phải giảm bớt bài tập về nhà hàng ngày.
Ông Hou Yuxin, trường Chính sách công Lee Kuan Yew, đánh giá giảm kép nhằm “khôi phục giáo dục như một lợi ích công cộng”, để học sinh có cơ hội phát triển công bằng. Tuy vậy, tác dụng ngược của chính sách khiến việc dạy và học thêm trở thành ngành công nghiệp ngầm và đẩy học phí lên cao ngất ngưởng.
Yuan Mei, mẹ của một nam sinh 15 tuổi, ban đầu cảm thấy giảm kép tạo ra sự nhẹ nhõm đáng hoan nghênh. Cô nghĩ rằng chỉ cần học trên lớp, con trai mình sẽ vượt qua kỳ thi trung khảo (thi vào THPT).
“Tôi nghĩ mọi người có thể có xuất phát điểm như nhau, điểm số sẽ phụ thuộc vào sự tập trung và chăm chỉ của học sinh khi học trên lớp”, Yuan nói.
Thế nhưng, nỗi lo con trai bị tụt hậu cũng dần ám ảnh cô. Từ khi có lệnh cấm, Yuan hay nhận được tin nhắn quảng cáo của các cơ sở dạy thêm. Cô thường từ chối những đề nghị đó, nhưng khi được một giáo viên dạy Toán nổi tiếng tiếp cận, cô bị “cám dỗ”.
“Có những giáo viên dạy tốt hơn. Họ có thể chỉ cần giải thích trong 5 phút là hiểu. Nhỡ khi gặp được người như vậy, con trai tôi được khai sáng thì sao?”, Yuan tự hỏi.
Từng là chủ một trung tâm dạy tiếng Anh nhiều năm tại Trung Quốc, Joel Dewald, nhớ mãi câu khẩu hiệu trong quảng cáo của một trung tâm dạy thêm nổi tiếng: “Hãy để chúng tôi đào tạo con bạn. Nếu không chúng tôi sẽ đào tạo đối thủ của chúng”. Theo Joel, đây là cách họ đánh vào nỗi sợ bị bỏ lại phía sau của mọi người.
Yuan cuối cùng đã không vượt qua được cám dỗ, nhưng thay vì môn Toán, cô cho con trai học thêm tiếng Anh, bởi đây không phải môn thế mạnh của con. Người mẹ nói phụ huynh nào cũng bí mật đưa con đi học thêm.
Li Miao, người từng làm công việc chào bán các khóa học thêm, cho biết việc này thường đánh vào sự lo lắng của phụ huynh. Ngay cả khi việc học thêm bị cấm, nỗi lo lắng này vẫn tồn tại.
Theo lời Lu Ai, mẹ của Zaizai, những người dạy giỏi đã kín lịch trong vài năm tới. Để tìm gia sư tiếng Anh cho Zaizai, cô thường xuyên hỏi bạn bè, thậm chí cả những người nước ngoài cô gặp trên đường xem họ có dạy tiếng Anh không. Quá trình đó mất khoảng một năm rưỡi.
Phụ huynh cho biết lệnh cấm khiến học phí đắt đỏ hơn, đồng thời tăng khoảng cách giữa những học sinh có và không học thêm. Những điều này đều đi ngược lại với mục đích của chính sách.
Các lớp học nhóm đã ngừng hoạt động, trong khi học phí gia sư 1-1 ngày càng tăng. Tại các thành phố hàng đầu như Bắc Kinh và Thượng Hải, một giờ học gia sư riêng tốn khoảng 3.000 nhân dân tệ (10 triệu đồng). Con số này đã tăng ít nhất 10 lần so với trước đây, tương đương một phần tư mức thu nhập trung bình của dân công sở.
Vì vậy, anh Gong Erkang, một biên tập viên video, đã ngừng cho hai đứa con lớp một và lớp năm của mình học thêm, dù việc này khiến chúng học kém hơn trước. Phí học thêm hàng tháng trước kia tốn khoảng vài trăm nhân dân tệ, nhưng giờ, mỗi buổi đắt gấp vài lần. Theo Gong, chính sách giảm kép ảnh hưởng đến những gia đình trung lưu nhiều nhất, còn “người giàu sẽ luôn tìm ra cách”.
“Tôi cảm thấy bất lực. Trước đây, tôi có thể cho con mình học ở các lớp học thêm đại trà, nhưng giờ thì không”, anh nói.
Cuộc cạnh tranh ngầm được cho là sẽ tiếp diễn mà theo các chuyên gia, mấu chốt của vấn đề là sự cạnh tranh khốc liệt trong trường học.
Thực tế cho thấy điểm thi vào trường cấp 3 của một người quyết định người đó sẽ tiếp tục con đường học thuật hay vào các trường dạy nghề. Trong đó, những học sinh có điểm số không cao sẽ vào trường dạy nghề và học kỹ năng như làm tóc và chạy bàn.
Đối với nhiều phụ huynh, đây là sự lựa chọn “có cũng như không”, vì các trường dạy nghề từ lâu đã không được xem trọng ở Trung Quốc, bất chấp nước này đã sửa Luật Giáo dục nghề nghiệp nhằm khuyến khích học nghề.
“Một đứa trẻ học tiếp lên trung học, dù không phải trường ưu tú, cũng sẽ có môi trường học tập tốt. Nhưng nếu vào trường dạy nghề, đứa trẻ đó coi như chấm dứt việc học hành”, Yuan nói.
Chen Zhiqin, một nhà phát triển phần mềm giáo dục, cho rằng nếu cơ chế tuyển chọn nhân tài của đất nước không thay đổi, cuộc cạnh tranh “lén lút” này sẽ tiếp diễn.
Rất ít trẻ em thật sự cần học thêm. Thế nhưng, nhiều trung tâm dạy thêm ép học sinh học vượt chương trình trước mỗi kỳ thi vào trung học và đại học. Chuyên gia này cũng cho rằng học sinh có những xuất phát điểm khác nhau ngay từ tiểu học và bọn trẻ bị cuốn vào “cuộc đua không phù hợp với mình”.
Chính sách giảm kép được đưa ra nhằm giảm gánh nặng cạnh tranh học thuật, nhưng theo cô Lu, nó đang đi theo hướng ngược lại. Cô tin rằng các bậc phụ huynh càng phải cố sức hơn nữa.
Cô cho con trai học thêm từ 5 tuổi, sau khi nhận ra bạn bè đồng trang lứa của con đã có thể giao tiếp bằng tiếng Anh trong khi con cô “chẳng biết gì”. Đó là một cú sốc. Cô cũng cho rằng việc bố mẹ để con mình tự phát triển là rất vô trách nhiệm, giáo dục con trẻ cần được ưu tiên.
Năm ngoái, với mong muốn nâng cao hình ảnh của các trường dạy nghề, Trung Quốc đã sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông quan trọng như nhau và nước này khuyến khích phát triển đa dạng các hình thức giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, các bậc cha mẹ như cô Yuan vẫn giữ nguyên quan điểm. “Ai cũng biết việc học nghề không thể sánh bằng học thuật”, cô nói.
Phương Anh (Theo CNA)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/len-lut-hoc-them-4611915.html