Thiên nhiên và tín ngưỡng ở Tây Tạng hài hòa với nhau tạo nên khung cảnh đầy ấn tượng của một vùng đất mang nhiều bí ẩn. Những ngọn núi phủ đầy tuyết, xen lẫn những thảo nguyên bao la xanh mát, như một thế giới mơ hồ và đầy quyến rũ. Lang thang các con đường ở cao nguyên Tây Tạng, du khách dễ dàng bắt gặp và bị hấp dẫn bởi những dây cờ ngũ sắc bay rợp trên bầu trời xanh thẳm. Người Tây Tạng gọi đó là lá cờ cầu nguyện Lungta – một nét văn hóa tâm linh của người dân nơi đây.
Du khách dễ dàng bắt gặp và bị hấp dẫn bởi những lá cờ Lungta rực rỡ sắc màu bay phấp phới (Ảnh: Pinterest)
Lungta có nghĩa là gì?
Lungta trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là “ngựa gió”. Cụ thể, “Lung” nghĩa là phong, tức là gió; “Ta” nghĩa là mã, tức là ngựa. Vì thế Lungta là phong mã, hay ngựa gió. Theo đó, ngựa gió giống như người vận chuyển vậy, không chỉ mang những lời cầu nguyện lên trời, mà còn đem đến những điều tốt đẹp từ trên trời xuống nhân gian. Người Tây Tạng tin rằng, biểu tượng của ngựa gió là sự chuyển hóa của cái ác thành cái thiện, những điều không may thành cát tường, thịnh vượng, chướng ngại trở thành cơ hội may mắn.
Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc, xuất xứ của những lá cờ cầu nguyện Lungta này. Lungta xưa kia thuộc về đạo Bon – một đạo giáo chịu ảnh hưởng của Ấn Độ, coi thế giới gồm năm nguyên lý: Đất – Nước – Lửa – Khí – Không và họ lấy 5 màu cơ bản để làm cờ đại diện. Khi Phật giáo hội nhập, thì 5 nguyên lý đó lại tương ứng với 5 vị Phật, 5 Trí tuệ của Phật, rồi lại tương ứng với 5 vị Độ mẫu chuyên cứu độ loài người. Cờ Lungta có loại in hình Phật, có loại in hình các linh thú chuyên chở kinh Phật, và trên nền luôn là các bài kinh hoặc chú Mật tông.
Cờ Lungta được làm bằng vải hình vuông hoặc hình chữ nhật màu trắng, xanh dương, vàng, xanh thẫm và đỏ (Ảnh: Pinterest)
Cờ cầu nguyện Lungta thường được làm bằng vải hình vuông hoặc hình chữ nhật màu trắng, xanh dương, vàng, xanh đậm và đỏ tượng trưng cho những điều khác nhau. Cụ thể:
– Màu xanh dương: tượng trưng cho Nước – Bảo Sinh Phật – Độ Mẫu Mamaki – phương Nam – Sư tử tuyết – Màu trắng: tượng trưng cho Khí và Gió– Đại Nhật Phật – Độ Mẫu Bạch Đala (White Tara) – Ngựa gió – Màu xanh đậm: tượng trưng cho Không Gian và Trời – Bất Không Thành Tựu Phật – Độ Mẫu Thanh Đala – phương Bắc – Con Rồng – Màu đỏ: tượng trưng cho Lửa – Di Đà Phật – phương Tây – Độ Mẫu Pandaravasini – Chim Garuda
– Màu vàng: tượng trưng cho Đất – A Súc Bệ Phật – Độ Mẫu Lochana – Phương Đông – Con Hổ
Cờ cầu nguyện Lungta được trang trí bởi những hình ảnh, câu thần chú và các lời cầu nguyện. Biểu tượng chính giữa trung tâm lá cờ Lungta chính là ngựa gió, đại diện cho Tam Bảo của Phật Giáo. Ở bốn góc của lá cờ Lungta là 4 linh thú: Garuda (một loài chim thần), rồng, hổ và sư tử tuyết. Bốn linh thú này lần lượt đại diện cho: Trí tuệ, quyền năng, sự tự tin và vô úy (dũng cảm).
Trên mặt lá cờ Lungta là các hình ảnh, thần thú và những lời cầu nguyện (Ảnh: 727area)
Lá cờ cầu nguyện Lungta được xem như niềm tin của người Tây Tạng
Trên nền trời xanh thẳm, giữa những đám mây trắng bồng bềnh hùng vĩ, những lá cờ cầu nguyện Lungta của người Tây Tạng bay phấp phới đem theo những mong ước và hy vọng của con người, như một lời thì thầm nhờ gió đưa gửi, mong một cuộc sống tốt lành và hạnh phúc.
Người Tây Tạng tin rằng, treo cờ cầu nguyện Lungta ở bên trong hoặc xung quanh ngôi nhà của mình sẽ mang những thiện ý, sự từ bi lan tỏa khắp không gian cũng như đem lại sự giàu có và trường thọ cho gia chủ. Sự hiện diện của cờ Lungta trong cuộc sống người Tây Tạng có thể xua tan các ý nghĩ tiêu cực và kích hoạt năng lượng tích cực. Do đó, cờ Lungta được tin là đem lại lợi lộc cho tất cả chúng sinh.
Niềm tin lá cờ cầu nguyện Lungta mang lại tài bảo cho người sở hữu bắt nguồn từ thời xa xưa ở vùng núi Himalaya, cờ Lungta được coi là tài sản cực kỳ có giá trị. Theo kinh nghiệm du lịch Trung Quốc, khi một người đàn ông Tây Tạng kết hôn và đi ở rể, gia đình sẽ cho anh ta một lá cờ Lungta để làm của hồi môn. Chính vì thế, cờ Lungta đã có giá trị cao hơn các tài sản vật chất khác.
Sự hiện diện của cờ Lungta xua tan các ý nghĩ tiêu cực (Ảnh: Robert Harding)
Những điều cần biết về việc treo cờ cầu nguyện Lungta
Theo kinh nghiệm du lịch Trung Quốc tại Tây Tạng, du khách nên tôn trọng những lá cờ này, dù vô tình thấy chúng bị rơi xuống đất cũng không nên dẫm lên, nếu được thì nhặt lên treo lại hoặc để lên một chỗ cao gần đó. Tốt nhất là đến một nhà dân trong khu vực và gửi cho họ. Mỗi lá cờ Lungta đều ẩn chứa những tâm tình và hy vọng của một ai đó vào sự giúp đỡ của thần linh. Vì vậy, hãy tôn trọng và bảo vệ nó nhé!
Người Tây Tạng treo cờ cầu nguyện Lungta ở khắp các mỏm núi cao, bờ sông, tu viện… với quan niệm rằng, những lời kinh, lời nguyện được in trên các lá cờ Lungta sẽ theo gió mà trải đi khắp các không gian, để các vị thần có thể biết được những lời cầu nguyện của chúng sinh. Người Tây Tạng thường xuyên thay lá cờ Lungta mới để cầu nguyện cho du khách khi du lịch Tây Tạng nói riêng và toàn nhân loại nói chung được hòa bình, có sức khỏe và trí tuệ.
Vì vậy, treo cờ Lungta cũng trở thành một nghi thức tâm linh của người Tây Tạng, vừa đơn giản lại vừa thiêng liêng. Tuy nhiên, nếu treo cờ sai ngày, chúng sẽ chỉ đem lại những điều không lành, và càng treo lâu bao nhiêu, thì chướng ngại được sinh ra sẽ lớn bấy nhiêu. Cứ vào dịp Tết của người Tây Tạng, cờ Lungta cũ sẽ được thay mới.
Treo cờ Lungta ở trên cao, những lời cầu nguyện trên lá cờ sẽ mang đến những ân phước, điều tốt lành đến với tất cả chúng sinh (Ảnh: pconline)
Hằng năm, có khoảng 9 nghìn người phần lớn là Phật tử hành hương về Tây Tạng. Mọi người ưu ái gọi nơi đây với rất nhiều cái tên đẹp đẽ, trang trọng như “Đất nước của những ngọn núi tuyết”, “Vùng đất linh sơn thắng địa với linh nhạc linh vũ”, “Xứ sở tưởng tượng vô cùng hạnh phúc”…
Đến Tây Tạng, chúng ta dường như có thể nhìn mọi sự việc theo một cách rất khác, theo một hướng mà cuộc sống này luôn xinh đẹp. Với những ý nghĩa linh thiêng và cao đẹp như vậy, du khách hãy thử một lần viết những lời cầu nguyện trên lá cờ cầu nguyện Lungta, treo cao trong gió để những chú ngựa gió mang lời nguyện ước của bạn đến khắp thế gian, gửi đi những ân phước tốt lành của chư Phật ở đất trời Tây Tạng trong hành trình du lịch Trung Quốc nhé!
Nguyễn Ngân
Đăng bởi: Lê Thảo Trần
Từ khoá: Lá cờ cầu nguyện Lungta – hơi thở trong văn hóa tâm linh Tây Tạng
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Lá cờ cầu nguyện Lungta – hơi thở trong văn hóa tâm linh Tây Tạng của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.