Khi tàu vũ trụ Voyager 2 chụp ảnh sao Thiên Vương vào năm 1986, hành tinh này trông không khác gì một viên bi màu xanh trơ trụi, nhưng quan sát mới từ siêu kính viễn vọng James Webb – được NASA công bố hôm 6/4 – là một sự tương phản hoàn toàn.
Nó cho thấy một bầu khí quyển năng động, cùng 11 trong số 13 vành đai đã biết của sao Thiên Vương, một số sáng đến mức có phần hòa trộn với nhau. Điều thực sự khiến các nhà khoa học kinh ngạc là camera cận hồng ngoại (NIRCam) của Webb đủ nhạy để ghi lại hai vành đai bụi phía trong cùng của hành tinh, thứ chỉ được nhìn thoáng qua bởi Voyager 2 và gần đây hơn là Đài quan sát Keck với quang học thích ứng tiên tiến.
Hình ảnh mới được tạo ra bằng cách kết hợp dữ liệu từ hai bộ lọc ở 1,4 và 3,0 micron, được hiển thị tương ứng ở đây là màu xanh lam và màu cam.
Là hành tinh thứ 7 tính từ Mặt Trời, sao Thiên Vương có quỹ đạo độc nhất. Nó quay theo một phía ở góc gần 90 độ so với mặt phẳng quỹ đạo. Độ nghiêng này tạo ra các mùa khắc nghiệt, với mỗi cực tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời liên tục trong nhiều năm trước khi chìm trong bóng tối trong một thời gian dài tương đương.
Hiện tại là mùa xuân ở cực bắc của Sao Thiên Vương. Điều này có thể được nhìn thấy trong hình ảnh: phía bên phải của hành tinh có một vùng sáng ở cực đối diện với Mặt Trời, được gọi là chỏm băng cực bắc. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học nhìn thấy khía cạnh này. Mùa hè phía bắc của sao Thiên Vương sẽ diễn ra vào năm 2028. Ngược lại, khi Voyager 2 ghé thăm sao Thiên Vương thì đó là mùa hè ở cực nam. Cực nam trong hình ảnh này nằm ở “mặt tối” của hành tinh và bị khuất tầm nhìn.
Ở rìa của chỏm băng cực bắc và rìa bên trái của hành tinh là hai đám mây phát sáng. Những đám mây như thế này là đặc điểm điển hình của sao Thiên Vương và có thể nhìn thấy ở bước sóng hồng ngoại. NASA cho biết chúng có liên quan đến hoạt động bão trên thế giới băng khổng lồ này.
Quan sát mới của Webb còn cho thấy 6 trong số 27 mặt trăng đã biết của sao Thiên Vương. Đây là những mặt trăng sáng nhất. Số còn lại quá mờ để có thể nhìn thấy trong hình ảnh.
Trong thời gian tới, siêu kính viễn vọng của NASA sẽ tiếp tục quan sát sao Thiên Vương. Các thành viên nhóm nghiên cứu hy vọng nó sẽ chụp được hình ảnh của hai vòng bụi bên ngoài thậm chí còn mờ nhạt hơn.
Đoàn Dương (Theo NASA/Space)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/kinh-james-webb-cung-cap-cai-nhin-moi-ve-sao-thien-vuong-4590503.html