Theo đề án tuyển sinh năm 2023 của trường Đại học Giao thông Vận tải TP HCM, riêng với ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, trường tuyển 5.480 sinh viên, cao hơn tổng chỉ tiêu toàn trường vào năm ngoái (5.050 chỉ tiêu).
Ngành có số chỉ tiêu tăng cao thứ hai là Công nghệ thông tin, từ 720 của năm ngoái lên 1.000 của năm nay. Còn lại, phần lớn ngành của trường Đại học Giao thông Vận tải TP HCM giảm chỉ tiêu.
Tuy nhiên, vì số chỉ tiêu dự kiến của ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tăng cao đột biến, tổng chỉ tiêu của trường này dự kiến lên tới 10.000, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái và gấp hơn 6 lần so với năm 2021.
Biến động về số chỉ tiêu các ngành của trường Đại học Giao thông Vận tải TP HCM từ năm 2021 đến năm 2023 như sau:
TT | Ngành | Năm 2021 | Năm 2022 | Năm 2023 (dự kiến) |
1 | Ngôn ngữ Anh | 60 | 180 | |
2 | Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu | 30 | 80 | 50 |
3 | Logistics và quản lý chuỗi cung ứng | 60 | 810 | 5.480 |
4 | Công nghệ thông tin | 60 | 720 | 1.000 |
5 | Kỹ thuật cơ khí | 90 | 220 | 130 |
6 | Kỹ thuật tàu thuỷ | 50 | 30 | 30 |
7 | Kỹ thuật ô tô | 100 | 300 | 660 |
8 | Kỹ thuật điện | 60 | 150 | 100 |
9 | Kỹ thuật điện tử viễn thông | 60 | 90 | 100 |
10 | Kỹ thuật điều khiển và tự động hoá | 60 | 180 | 180 |
11 | Kỹ thuật môi trường | 30 | 30 | 30 |
12 | Kỹ thuật xây dựng | 120 | 200 | 200 |
13 | Kỹ thuật xây dựng công trình thuỷ | 30 | 30 | 30 |
14 | Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông | 120 | 250 | 200 |
15 | Kinh tế xây dựng | 90 | 152 | 80 |
16 | Khai thác vận tải | 150 | 700 | 580 |
17 | Kinh tế vận tải | 150 | 300 | 320 |
18 | Khoa học hàng hải | 350 | 748 | 500 |
19 | Hệ thống thông tin quản lý | 50 | ||
20 | Khoa học dữ liệu | 60 | ||
21 | Quản lý xây dựng | 40 | ||
Tổng | 1.610 | 5.050 | 10.000 |
Trả lời VnExpress tối 30/5, TS Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết Vụ sẽ rà soát lại các điều kiện tuyển sinh của trường Đại học Giao thông Vận tải TP HCM. Theo quy định của Bộ, các trường đại học được tự chủ và tự chịu trách nhiệm về xác định chỉ tiêu tuyển sinh và công khai với xã hội. Tuy nhiên, việc này không được vượt quá năng lực đào tạo.
“Tăng chỉ tiêu tuyển sinh là bình thường nhưng tăng gấp đôi chỉ trong hai năm thì Vụ Giáo dục đại học sẽ kiểm tra lại”, ông Nghệ nói.
Theo ông, mỗi ngành đào tạo của trường có thể tăng chỉ tiêu tuyển sinh nếu đảm bảo các điều kiện: Số lượng giảng viên trên sinh viên theo quy định (1/30), tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trên 80%, kết quả tuyển sinh ở năm trước trên 80%. Nếu không áp ứng được ba tiêu chí này, trường không được phép tăng chỉ tiêu tuyển sinh.
Căn cứ vào các quy định, nếu sai thì Bộ sẽ có quyết định xử phạt.
Theo đề án tuyển sinh trường Đại học Giao thông Vận tải TP HCM, trường xét tuyển bằng 5 phương thức: Xét kết quả học bạ (50% chỉ tiêu); Tuyển thẳng theo đề án của trường (20% chỉ tiêu); Tuyển thẳng theo quy định của Bộ (1-2% chỉ tiêu); Xét điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức (3-4% chỉ tiêu); Xét điểm thi tốt nghiệp THPT (20% chỉ tiêu).
Năm 2022, ở phương thức xét tuyển bằng điểm thi THPT, phần lớn ngành của trường Đại học Giao thông Vận tải TP HCM lấy điểm chuẩn 15. Ba ngành duy nhất điểm chuẩn 19 là Công nghệ thông tin (chuyên ngành Công nghệ thông tin), Kỹ thuật ôtô (chuyên ngành Cơ điện tử ôtô) và Kỹ thuật ôtô (chuyên ngành Cơ khí ôtô).
Lệ Nguyễn
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/kiem-tra-mot-truong-dai-hoc-tang-gap-doi-chi-tieu-4611553.html