Giải bài tập KHTN 9 Bài 38: Quy luật di truyền của Mendel giúp các em học sinh trả lời các câu hỏi trong SGK Khoa học tự nhiên 9 Cánh diều trang 183, 184, 185, 186, 187, 188.
Giải Khoa học tự nhiên 9 Bài 38 được biên soạn bám sát theo chương trình SGK. Đồng thời, cũng giúp thầy cô tham khảo để soạn giáo án Bài 38 Chủ đề 11: Di truyền – Phần 4: Vật sống cho học sinh của mình. Mời thầy cô và các em cùng theo dõi nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây của Pgdphurieng.edu.vn nhé:
Giải Khoa học tự nhiên 9 Cánh diều Bài 38 – Câu hỏi thảo luận
Câu 1
Dựa vào hình 38.2, hãy nêu tên các tính trạng được Mendel nghiên cứu trên cây đậu hà lan.
Trả lời:
Tên các tính trạng được Mendel nghiên cứu trên cây đậu hà lan:
- Tính trạng vị trí mọc của hoa (hoa dọc theo thân, hoa ở ngọn)
- Tính trạng màu sắc hoa (hoa tím, hoa trắng)
- Tính trạng màu sắc quả (quả xanh, quả vàng)
- Tính trạng hình dạng quả (quả không có ngấn, quả có ngấn)
- Tính trạng hình dạng hạt (hạt trơn, hạt nhăn)
- Tính trạng màu sắc hạt (hạt vàng, hạt xanh)
- Tính trạng chiều cao cây (cây cao, cây thấp)
Câu 2
Nêu ý tưởng nghiên cứu của Mendel.
Trả lời:
Ý tưởng nghiên cứu của Mendel:
- Tạo dòng thuần bằng phương pháp cho cây tự thụ phấn qua nhiều thế hệ.
- Tiến hành lai các cặp bố mẹ để theo dõi từng cặp tính trạng qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau.
- Phân tích số liệu ghi nhận từ các phép lai để đưa ra giả thuyết.
- Dùng phép lai kiểm nghiệm để kiểm tra các giả thuyết, từ đó, rút ra các quy luật di truyền.
Câu 3
Từ phép lai trong hình 38.3, lấy ví dụ minh họa cho các thuật ngữ trong bảng dưới đây.
Thuật ngữ | Ví dụ |
Tính trạng | Màu hoa |
Nhân tố di truyền | |
Cơ thể thuần chủng | |
Cặp tính trạng tương phản | |
Tính trạng trội | |
Tính trạng lặn | |
Kiểu hình | |
Kiểu gene | |
Allele | |
Dòng thuần |
Trả lời:
Thuật ngữ | Ví dụ |
Tính trạng | Màu hoa |
Nhân tố di truyền | A và a |
Cơ thể thuần chủng | AA và aa |
Cặp tính trạng tương phản | Hoa tím và hoa trắng |
Tính trạng trội | Hoa tím |
Tính trạng lặn | Hoa trắng |
Kiểu hình | Hoa tím, hoa trắng |
Kiểu gene | AA, Aa, aa |
Allele | A và a |
Dòng thuần | AA và aa |
Câu 4
Quan sát hình 38.3, mô tả phép lai một cặp tính trạng của Mendel về màu hoa của cây đậu hà lan.
Trả lời:
Mô tả phép lai một cặp tính trạng của Mendel về màu hoa của cây đậu hà lan: Khi lai bố mẹ thuần chủng hoa tím và hoa trắng, 100% F1 có hoa tím, F2 phân li theo tỉ lệ 3 hoa tím : 1 hoa trắng.
Câu 5
Giải thích kết quả phép lai theo quan điểm của Mendel.
Trả lời:
Giải thích kết quả phép lai theo quan điểm của Mendel:
– Tính trạng màu hoa do 1 cặp nhân tố di truyền (A và a) quy định.
– Mỗi cây thuần chủng thuộc thế hệ P có 2 nhân tố di truyền y hệt nhau là AA (hoa tím) hoặc aa (hoa trắng). Khi các cây P tạo giao tử, cây hoa tím AA chỉ cho một loại giao tử A, cây hoa trắng aa chỉ cho một loại giao tử a.
– Sự kết hợp các giao tử A và a của P tạo nên cơ thể lai F1 chứa tổ hợp nhân tố di truyền Aa, nhưng nhân tố di truyền quy định hoa trắng không được biểu hiện, do đó F1 có kiểu hình hoa tím.
– Khi các cây F1 tạo giao tử, cặp nhân tố di truyền Aa không hòa trộn vào nhau mà sẽ phân li đi về các giao tử tạo ra một nửa số giao tử mang A và một nửa số giao tử mang a (1A : 1a). Sự tổ hợp của các loại giao tử này trong thụ tinh đã tạo ra tỉ lệ kiểu hình ở F2 là 3 hoa tím : 1 hoa trắng.
Câu 6
Quan sát hình 38.4:
a) Nêu kết quả hai phép lai 1 và 2. Giải thích.
b) Xác định kiểu gene của mỗi cây hoa tím ở thế hệ P và F1 trong hình 38.4.
c) Nêu vai trò của phép lai phân tích.
Trả lời:
a) – Kết quả hai phép lai 1 và 2:
+ Kết quả phép lai 1: Đời con có 100% cây hoa màu tím.
+ Kết quả phép lai 2: Đời con có 50% cây hoa màu tím : 50% cây hoa màu trắng.
– Giải thích: Cây hoa tím có kiểu gene đồng hợp AA hoặc kiểu gene dị hợp Aa. Cây hoa tím có kiểu gene đồng hợp AA chỉ tạo ra một loại giao tử A, cây hoa tím có kiểu gene dị hợp Aa cho ra hai loại giao tử với tỉ lệ ngang nhau 50% A : 50% a. Cây lai với cây hoa tím là cây hoa trắng có kiểu gene aa, chỉ cho một loại giao tử a. Như vậy, nếu cây hoa tím có kiểu gene đồng hợp AA sẽ cho đời con có 100% cây hoa màu tím; nếu cây hoa tím có kiểu gene dị hợp Aa sẽ cho đời con có 50% cây hoa màu tím : 50% cây hoa màu trắng.
b) Xác định kiểu gene của mỗi cây hoa tím ở thế hệ P và F1 trong hình 38.4:
– Ở phép lai 1: Cây hoa tím ở thế hệ P có kiểu gene AA, cây hoa tím ở thế hệ F1 có kiểu gene Aa.
– Ở phép lai 2: Cây hoa tím ở thế hệ P có kiểu gene Aa, cây hoa tím ở thế hệ F1 có kiểu gene Aa.
c) Vai trò của phép lai phân tích: Phép lai phân tích là phép lai giữa cá thể mang tính trạng trội chưa biết kiểu gene với cá thể mang tính trạng lặn nhằm xác định kiểu gene của cá thể mang tính trạng trội chưa biết kiểu gene.
Câu 7
Dựa vào hình 38.5:
a) Mô tả cách tiến hành thí nghiệm và kết quả thí nghiệm của Mendel.
b) Xác định tỉ lệ kiểu hình của 2 tính trạng ở F2.
c) Xác định tỉ lệ kiểu hình từng cặp tính trạng ở F2.
Trả lời:
a) Cách tiến hành thí nghiệm và kết quả thí nghiệm của Mendel: Mendel lai 2 dòng đậu thuần chủng khác nhau về hai cặp tính trạng tương phản: hạt vàng, trơn và hạt xanh, nhăn thu được F1 có 100% hạt vàng, trơn. Ông tiếp tục cho các cây F1 tự thụ phấn thu được F2 gồm 4 kiểu hình phân li theo tỉ lệ: 9 vàng, trơn : 3 vàng, nhăn : 3 xanh, trơn : 1 xanh, nhăn.
b) Tỉ lệ kiểu hình của 2 tính trạng ở F2: 9 vàng, trơn : 3 vàng, nhăn : 3 xanh, trơn : 1 xanh, nhăn.
c) Tỉ lệ kiểu hình từng cặp tính trạng ở F2:
+ Đối với tính trạng màu hạt: 3 hạt vàng : 1 hạt xanh.
+ Đối với tính trạng hình dạng hạt: 3 hạt trơn : 1 hạt nhăn.
Câu 8
Quan sát hình 38.5:
a) Xác định các biến dị tổ hợp ở F2.
b) Trình bày cơ chế hình thành biến dị tổ hợp.
Trả lời:
a) Các biến dị tổ hợp ở F2: AABb, AaBB quy định hạt vàng, trơn; AAbb, Aabb quy định hạt vàng, nhăn; aaBB, aaBb quy định hạt xanh, trơn.
b) Cơ chế hình thành biến dị tổ hợp: Biến dị tổ hợp được hình thành thông qua quá trình giảm phân và thụ tinh.
– Trong giảm phân, các cặp NST tương đồng phân li độc lập và tổ hợp tự do với nhau trong các giao tử, do đó các cặp gene trên các cặp NST tương đồng cũng phân li độc lập và tổ hợp tự do với nhau trong các giao tử, mỗi giao tử mang tổ hợp các allele khác nhau.
– Trong thụ tinh, giao tử đực và giao tử cái kết hợp với nhau một cách ngẫu nhiên, qua đó các allele cũng tổ hợp với nhau một các ngẫu nhiên trong các hợp tử, nhờ đó làm xuất hiện nhiều tổ hợp gene mới không có ở thế hệ bố mẹ.
Giải Khoa học tự nhiên 9 Cánh diều Bài 38 – Luyện tập
Ở cây đậu hà lan, xét tính trạng màu quả và chiều cao cây: allele A (quả xanh) là trội so với a (quả vàng), B (cây cao) là trội so với b (cây thấp). Hãy viết sơ đồ lai của phép lai P: Aabb × aaBb và cho biết các kiểu gene và kiểu hình biến dị tổ hợp ở thế hệ con.
Trả lời:
– Viết sơ đồ lai của phép lai P: Aabb × aaBb
P: Aabb (Quả xanh, cây thấp) × aaBb (Quả vàng, cây cao)
GP: Ab, ab aB, ab
F1:
GP | Ab | ab |
aB | AaBb | aaBb |
ab | Aabb | aabb |
+ Tỉ lệ kiểu gene: 1 AaBb : 1 Aabb : 1 aaBb : 1 aabb
+ Tỉ lệ kiểu hình: 1 quả xanh, cây cao : 1 quả xanh, cây thấp : 1 quả vàng, cây cao : 1 quả vàng, cây thấp.
– Các kiểu gene và kiểu hình biến dị tổ hợp ở thế hệ con: AaBb quy định quả xanh, thân cao; aabb quy định quả vàng, thân thấp.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết KHTN 9 Bài 38: Quy luật di truyền của Mendel Giải KHTN 9 Cánh diều trang 183, 184, 185, 186, 187, 188 của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.