Giải bài tập KHTN 8 Bài 39: Quần thể sinh vật giúp các em học sinh trả lời các câu hỏi trong SGK Khoa học tự nhiên 8 Cánh diều trang 182, 183, 184, 185.
Giải Khoa học tự nhiên 8 Bài 39 được biên soạn bám sát theo chương trình SGK. Đồng thời, cũng giúp thầy cô tham khảo để soạn giáo án Bài 39 Chủ đề 8: Sinh thái – Phần 3: Vật sống cho học sinh của mình. Vậy mời thầy cô và các em cùng theo dõi nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây của Pgdphurieng.edu.vn:
Trả lời câu hỏi hình thành kiến thức, kĩ năng Khoa học tự nhiên 8 Cánh diều Bài 39
Câu 1
Dựa vào những đặc điểm nào để xác định một nhóm cá thể là quần thể sinh vật?
Trả lời:
Những đặc điểm để xác định một nhóm cá thể là quần thể sinh vật:
- Cùng loài.
- Cùng sinh sống trong một khoảng không gian xác định, vào một thời điểm nhất định.
- Có khả năng sinh sản tạo nên những thế hệ mới.
Câu 2
Đặc trưng kích thước của quần thể có ý nghĩa gì?
Trả lời:
Ý nghĩa của đặc trưng kích thước của quần thể: Mỗi quần thể sinh vật có kích thước đặc trưng phù hợp với khả năng cung cấp nguồn sống của môi trường và thực hiện các chức năng sinh học, đảm bảo cho quần thể duy trì và phát triển.
Câu 3
Tỉ lệ giới tính ảnh hưởng gì đến sự sinh trưởng, phát triển của quần thể?
Trả lời:
Ảnh hưởng của tỉ lệ giới tính đến sự sinh trưởng, phát triển của quần thể: Tỉ lệ giới tính của quần thể là đặc trưng quan trọng đảm bảo hiệu quả sinh sản của quần thể. Tỉ lệ giới tính phù hợp giúp quần thể sinh trưởng, phát triển tốt hơn.
Câu 4
Quan sát hình 39.2 và cho biết vì sao A là dạng phát triển, B là dạng ổn định và C là dạng giảm sút.
Trả lời:
– A là dạng tháp phát triển do có số lượng cá thể ở nhóm tuổi trước sinh sản cao → quần thể có xu hướng tăng trưởng kích thước quần thể.
– B là dạng tháp ổn định do có số lượng cá thể ở nhóm tuổi trước sinh sản và sinh sản bằng nhau → quần thể có xu hướng giữ ổn định kích thước quần thể.
– C là dạng tháp giảm sút do có số lượng cá thể ở nhóm tuổi trước sinh sản ít hơn nhóm tuổi sinh sản → quần thể có xu hướng giảm kích thước quần thể.
Câu 5
Hãy mô tả đặc điểm của mỗi kiểu phân bố cá thể của quần thể.
Trả lời:
Đặc điểm của mỗi kiểu phân bố cá thể của quần thể:
– Kiểu phân bố theo nhóm: thường xuất hiện khi điều kiện sống phân bố không đồng đều trong môi trường.
– Kiểu phân bố đồng đều: thường xuất hiện khi điều kiện sống phân bố đồng đều trong môi trường và có sự cạnh tranh gay gắt giữa các cá thể trong quần thể.
– Kiểu phân bố ngẫu nhiên: thường xuất hiện khi điều kiện sống phân bố đồng đều trong môi trường nhưng không có sự cạnh tranh gay gắt giữa các cá thể trong quần thể.
Câu 6
Xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia có ý nghĩa gì trong việc bảo vệ quần thể sinh vật?
Trả lời:
Ý nghĩa khi xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia trong việc bảo vệ quần thể sinh vật: Việc xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia giúp bảo tồn môi trường sống tự nhiên của quần thể sinh vật, bảo vệ các quần thể sinh vật khỏi sự đe dọa bởi các hoạt động của con người.
Trả lời câu hỏi Luyện tập Khoa học tự nhiên 8 Cánh diều Bài 39
Luyện tập 1
Trong những ví dụ sau đây, tập hợp sinh vật nào là quần thể sinh vật?
a) Các cá thể cá chép, cá mè, cá rô phi sống chung trong một ao nuôi.
b) Các cá thể rắn hổ mang sống ở ba hòn đảo cách xa nhau.
c) Các cá thể cây thông nhựa phân bố tại vùng núi đông bắc Việt Nam.
d) Các cá thể chuột đồng sống trên cùng một cánh đồng lúa. Các cá thể chuột đực và chuột cái có khả năng giao phối với nhau để sinh ra chuột con.
Trả lời:
– c và d là ví dụ về quần thể sinh vật. Vì ở mỗi ví dụ này là tập hợp các cá thể cùng loài, cùng sinh sống trong khoảng không gian xác định, vào một thời điểm nhất định và có khả năng sinh sản tạo ra thế hệ mới.
– a không phải là ví dụ về quần thể sinh vật. Vì các cá thể ở ví dụ này không thuộc cùng một loài.
– b không phải là ví dụ về quần thể sinh vật. Vì các cá thể ở ví dụ này không cùng sinh sống trong một khoảng không gian xác định.
Luyện tập 2
Mật độ cá thể của quần thể được ứng dụng trong chăn nuôi, trồng trọt như thế nào?
Trả lời:
Ứng dụng mật độ cá thể của quần thể trong chăn nuôi, trồng trọt:
– Nuôi trồng các loài với mật độ vừa phải để giúp các cá thể có thể khai thác tối đa nguồn sống (thức ăn, nơi ở,…) mà không dẫn đến tình trạng cạnh tranh cùng loài, nhờ đó, thu được giá trị kinh tế cao nhất.
– Sử dụng mật độ cá thể của quần thể để điều khiển sự sinh trưởng và phát triển ở từng giai đoạn của cây trồng, vật nuôi. Ví dụ: Trong việc điều tiết sinh trưởng của cây gỗ trong rừng, khi cây còn non thì để mật độ dày để thúc đẩy cây mọc vống lên nhanh nhờ ánh sáng yếu dưới tán rừng; khi cây đã đạt đến chiều cao cần thiết thì chặt tỉa bớt nhằm tăng lượng ánh sáng, làm chậm sinh trưởng theo chiều cao, tăng sinh trưởng đường kính, tạo được cây gỗ to, khỏe đáp ứng đòi hỏi của thị trường.
Luyện tập 3
Nêu ví dụ tỉ lệ giới tính của loài có thể thay đổi trong quá trình sống.
Trả lời:
Ví dụ tỉ lệ giới tính của loài có thể thay đổi trong quá trình sống: Trước mùa sinh sản, nhiều loài thằn lằn, rắn có số lượng cá thể cái nhiều hơn cá thể đực. Sau mùa sinh sản, số lượng cá thể đực và cá thể cái gần bằng nhau.
Luyện tập 4
Điều tra quần thể chim trĩ đỏ khoang cổ trong một khu vực nghiên cứu thu được số liệu về số cá thể chim trĩ trong mỗi nhóm tuổi như sau: nhóm tuổi trước sinh sản là 80 con, nhóm tuổi đang sinh sản là 30 con, nhóm tuổi sau sinh sản là 15 con. Vẽ tháp tuổi chim trĩ và xác định quần thể chim trĩ có tháp tuổi thuộc dạng nào.
Trả lời:
– Vẽ tháp tuổi của quần thể chim trĩ trên:
– Xác định dạng tháp tuổi của quần thể chim trĩ: Tháp tuổi của quần thể chim trĩ có dạng đáy rộng, đỉnh nhọn, cạnh xiên thể hiện nhóm tuổi trước sinh sản lớn hơn nhóm tuổi sinh sản → Quần thể chim trĩ có tháp tuổi thuộc dạng tháp phát triển.Luyện tập 5
Luyện tập 5
Xác định kiểu phân bố các cá thể của quần thể trong mỗi trường hợp dưới đây:
a) Quần thể cây gỗ lim xanh trong rừng có điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi trong cả khu rừng, số lượng cây gỗ ít, không có sự cạnh tranh gay gắt giữa các cá thể.
b) Quần thể chim hải âu đang sinh sống ở một khu vực có điều kiện sống phân bố tương đối đồng đều và các cá thể có sự cạnh tranh gay gắt.
c) Quần thể trâu rừng sống thành bầy đàn, tập trung ở những nơi có nhiều cỏ và gần các dòng sông.
Trả lời:
– Ví dụ (a) thuộc kiểu phân bố ngẫu nhiên do điều kiện sống phân bố đồng đều trong môi trường, các các thể không có sự cạnh tranh gay gắt.
– Ví dụ (b) thuộc kiểu phân bố đồng đều do điều kiện sống phân bố tương đối đồng đều, các cá thể có sự cạnh tranh gay gắt.
– Ví dụ (c) thuộc kiểu phân bố theo nhóm do các cá thể của quần thể tập trung ở những nơi có điều kiện sống tốt nhất.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết KHTN 8 Bài 39: Quần thể sinh vật Giải KHTN 8 Cánh diều trang 182, 183, 184, 185 của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.