Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết hơn hai tuần trước, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, đau đầu, mỏi người, tự điều trị tại nhà không đỡ. 4 ngày tiếp theo, tình trạng đau đầu của người bệnh nặng lên, kèm ý thức lơ mơ, kích thích.
Sau đó, người đàn ông được gia đình đưa vào điều trị tại Bệnh viện Quân y 103. Tại đây, kết quả cấy máu và dịch não tủy cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Streptococcus suis (gây bệnh liên cầu khuẩn lợn).
Vào tháng 2, Hà Nội cũng ghi nhận ca nhiễm liên cầu lợn đầu tiên trong năm nay, là nam bệnh nhân 52 tuổi, ở quận Hà Đông, làm nghề bán lòng lợn tiết canh. Như vậy, từ đầu năm đến nay, thủ đô đã có hai trường hợp mắc bệnh này. Năm 2022, Hà Nội ghi nhận 4 ca mắc liên cầu khuẩn lợn (tăng 3 so với cùng kỳ năm 2021).
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), một số tỉnh thành cũng phát hiện các ca nhiễm liên cầu lợn nhưng cơ quan này không đưa ra số liệu cụ thể.
Liên cầu lợn do khuẩn Streptococcus suis (S.suis) gây ra, là bệnh lây truyền từ động vật sang người, tỷ lệ tử vong rất cao. Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí lớn và để lại biến chứng không phục hồi.
Ở Việt Nam, bệnh liên cầu lợn được ghi nhận từ năm 2003. Năm 2007, cả nước phát hiện hơn 48 trường hợp, ba người tử vong. Nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM cho thấy bệnh có khuynh hướng xảy ra vào mùa hè nắng nóng, người mắc chủ yếu là nam giới. Đa số trường hợp liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món đồ chưa nấu chín như nem chạo, chua… Tuy nhiên, một số người không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc do ăn, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến.
Bệnh diễn biến cực kỳ nhanh, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng. Thời gian ủ bệnh có thể vài giờ đến 4-5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Phác đồ điều trị là thuốc kháng sinh, kết hợp lọc máu, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn.
Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn khoảng 7%. Bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, khoảng 40% (thường là điếc không hồi phục).
Để phòng ngừa bệnh bùng phát, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch.
Cơ sở khám chữa bệnh đặc biệt chú ý người có triệu chứng nghi nhiễm liên cầu lợn, khai thác tiền sử dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm, điều trị bệnh nhân kịp thời để tránh tử vong.
Người dân không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh. Người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc cần có biện pháp bảo hộ như đeo găng tay, khẩu trang.
Lê Nga
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/khong-an-tiet-canh-van-mac-lien-cau-lon-4580849.html