Anh Hải nói chuyện phải tìm chỗ gửi giá cao không bực bằng việc đã đóng phí gửi xe hàng tháng nhưng cứ về muộn là hết chỗ. Phản ánh với ban quản lý, người đàn ông 40 tuổi chỉ nhận được lời khuyên “lần sau cố gắng về sớm”.
Thời gian đầu, chỉ cần hai hầm B1, B2 của khu chung cư gia đình anh đang ở đủ chứa toàn bộ ôtô, xe máy của dân cư, hầm B3 luôn trống. Hai năm nay, số phương tiện tăng đột biến, cả ba hầm luôn trong tình trạng quá tải. “Tôi có suất để ôtô dưới hầm nhưng không quy định cụ thể vị trí dẫn đến tình trạng ai vào trước thì có chỗ, chậm chân thì tự giải quyết”, anh Hải nói. “Hôm nào đi làm về cũng hồi hộp, không biết chỗ đỗ còn hay hết”.
Khi mua nhà, anh Thanh Tùng, 40 tuổi, lầm tưởng mỗi căn hộ có một suất để xe dưới hầm. Nhận nhà anh mới biết những cư dân vào ở sau năm 2021 như gia đình anh đều không còn chỗ gửi ôtô. Nhiều gia đình sẵn sàng bỏ 3-5 triệu đồng mỗi tháng thuê lại chỗ đỗ của các hộ không có xe nhưng cũng rất ít.
Chị Hải Anh, 32 tuổi, cư dân của một chung cư cao cấp cách trung tâm Hà Nội hơn 10 km cho biết, mỗi tòa nhà chỉ có một hầm cho xe máy, xe đạp và một vài chỗ đỗ ôtô. Khi nhu cầu tăng, ban quản lý mới xây thêm nhà nổi cho ôtô, cách chung cư 1-3 km, có hỗ trợ xe trung chuyển. Nhưng bởi đến sau, gia đình chị không còn suất gửi xe ở cả hai khu. Gia đình chị đành chấp nhận đỗ xe trên vỉa hè, dù vài lần bị bảo vệ khóa bánh, yêu cầu nộp tiền phạt.
Theo tiến sĩ Phan Lê Bình, giảng viên chương trình thạc sĩ Kỹ thuật Hạ tầng – Đại học Việt Nhật, vấn đề chỗ đậu xe đang khá nhức nhối ở các chung cư tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, xuất phát từ hiện tượng “ôtô hóa” tăng mạnh vài năm gần đây.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, đến giữa tháng 2 Hà Nội có hơn 7,8 triệu phương tiện giao thông, trong đó hơn một triệu ôtô, mỗi tháng tăng thêm khoảng 3.000 chiếc. Trung bình, cứ 8 người có một người sở hữu ôtô. Số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam năm 2021 cũng chỉ ra, thủ đô là địa phương mua ôtô nhiều nhất, tiếp đến là TP HCM và Nghệ An.
“Quy định về diện tích bãi đỗ xe tính theo diện tích sử dụng căn hộ của Bộ Xây dựng không theo kịp thực tế”, chuyên gia bất động sản Lê Quốc Kiên bổ sung nguyên nhân.
Theo quy định của Bộ Xây dựng, cứ 100 m2 diện tích sử dụng căn hộ chung cư thương mại phải có tối thiểu 20 m2 chỗ để xe. Với nhà ở xã hội, tối thiểu 12 m2. Khi văn bản ra đời (năm 2013), chỉ 5% – 30% số gia đình (căn hộ) có xe ôtô. Còn nay số gia đình có xe ôtô lên đến 40-60% thậm chí lớn hơn với phân khúc cao cấp, chưa kể nhiều trường hợp có từ hai xe trở lên khiến quy định này không còn phù hợp.
Chuyên gia cũng cho rằng việc chung cư thiếu bãi gửi xe còn do chủ đầu tư không làm đúng quy định. Để có mức giá bán cạnh tranh nhất, chủ đầu tư phải tìm cách cắt giảm chi phí và khu vực để xe hay bị nhắm đến. “Khi xin giấy phép xây dựng, bản vẽ thiết kế đúng quy định, nhưng khi thi công họ làm không đúng”, ông Kiên nêu.
Năm 2022, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đánh giá diện tích các điểm, bãi đỗ xe mới đáp ứng được khoảng 10% tổng nhu cầu đỗ xe trong nội thành. Với tốc độ phát triển như hiện nay, diện tích dành cho các bãi đỗ, điểm trông xe phải gấp 15-20 lần hiện tại.
Điều này khiến nhiều cư dân sinh sống tại các chung cư rơi vào tình cảnh mệt mỏi khi tìm bãi đỗ, liên tục bị xử phạt do để xe sai quy định hoặc xảy ra ẩu đả, xô xát với bảo vệ tòa nhà.
Ngày 25/3, nhiều cư dân sinh sống tại chung cư Kim Văn – Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, bị cơ quan chức năng xử phạt khi đỗ hai, ba hàng ôtô dưới lòng đường Vành đai 3. Khu chung cư này có bốn tòa nhà, mỗi tòa 25 tầng, mỗi tầng 24 căn hộ nhưng chỉ có một hầm để xe máy. Dù đã bị xử phạt nhưng tình trạng để xe tràn lan, lấn chiếm lòng đường từ đêm đến sáng vẫn tiếp diễn. “Giờ có phạt vẫn phải để vì làm gì còn chỗ”, một cư dân nói.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với khu đô thị HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai), nơi mỗi tòa nhà chỉ xây dựng một tầng hầm cho xe đạp, xe máy. Một phó tổ trưởng tổ dân phố tại đây cho biết vài năm gần đây các vỉa hè, lòng đường quanh khu đô thị bị chiếm dụng làm nơi đỗ ôtô. Cư dân nhiều lần có ý kiến, yêu cầu thiết kế thêm các bãi xe nhưng chưa được giải quyết. “Không ít lần chính quyền cũng đi dẹp, nhưng được vài ngày rồi đâu lại vào đó”, người này nói.
Một số ban quản lý chung cư khác cũng ra quy định khóa bánh xe, yêu cầu xử phạt các trường hợp đậu đỗ ôtô lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên điều này bị nhiều cư dân phản đối mạnh mẽ bởi cho rằng chủ đầu tư không bố trí đủ chỗ đỗ xe nên họ buộc phải làm thế. Hôm 28/3, một nam bảo vệ tại khu đô thị cao cấp ở huyện Gia Lâm đã bị tài xế tông tử vong sau khi nhắc nhở về việc đỗ xe sai quy định.
Trước thực trạng trên, chuyên gia Lê Quốc Kiên đưa ra ba khuyến nghị. Một là, với các dự án xây dựng theo tiêu chuẩn cũ, chủ đầu tư cần có phương án bố trí diện tích để xe, giải quyết nhu cầu trước mắt. Hai là với dự án cấp phép mới, cơ quan quản lý nhà nước cần cân nhắc điều chỉnh tăng diện tích đỗ xe theo số hộ trên tổng diện tích sử dụng căn hộ, áp dụng với từng phân khúc giá. Ví dụ như chung cư cao cấp, lượng người sở hữu ôtô nhiều cần bố trí bãi xe rộng và ngược lại. Ba là, chủ đầu tư cần nghiên cứu kỹ về nhu cầu sở hữu ôtô của khách hàng, thiết lập khoản dự phòng khoảng 30% so với nhu cầu lúc bán, để đảm bảo đủ chỗ đỗ xe trong ít nhất 5 năm tới.
Về phía khách hàng, tiến sĩ Phan Lê Bình khuyên “có chỗ đỗ hãy tính đến chuyện mua xe”. Người dân không nên tin vào lời hứa của các chủ đầu tư, nhân viên bán hàng rằng “mỗi căn hộ đều có chỗ để xe” mà cần có thỏa thuận xác thực trên hợp đồng mua bán.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng đề xuất giải pháp xây dựng các bãi xe nổi, bỏ giá trần trông giữ xe nhằm thúc đẩy các chủ đầu tư bắt tay xây dựng bởi “có cung ắt có cầu”.
Quỳnh Nguyễn
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/khon-kho-vi-cho-de-xe-chung-cu-4589940.html