Bạn đang xem bài viết Khô và nhức mỏi mắt tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
– Khô mắt là tình trạng rối loạn điều tiết nước mắt: nước mắt bị giảm về số lượng, chất lượng hoặc nước mắt bốc hơi quá nhanh dẫn đến hiện tượng nhãn cầu không được làm ẩm và nuôi dưỡng đầy đủ khiến cho mắt bị khô.
– Nhức mỏi mắt là hiện tượng khó chịu ở mắt, mắt nhìn mờ, nhức và đỏ mắt hay mắt bị nhạy cảm với ánh sáng do cơ mắt làm việc quá mức mà không được nghỉ ngơi.
Triệu chứng, biểu hiện của khô và nhức mỏi mắt
Khi bị khô và nhức mỏi mắt, bệnh nhân thường gặp phải những triệu chứng như sau:
– Đỏ mắt, mắt cảm thấy nhức, ngứa, nóng, lộm cộm như có vật lạ trong mắt….
– Thị lực giảm hoặc không ổn định, lúc mờ lúc rõ.
– Tăng tiết chất nhầy và nước mắt để bù trừ thiếu hụt dẫn đến chảy nước mắt sống, rất thường gặp ở người lớn tuổi.
– Nhạy cảm với ánh sáng, có cảm giác sợ ánh sáng, khi ở trong môi trường ánh sáng mạnh phải nheo mắt.
– Khó nhắm mở mắt, có hiện tượng mi mắt và nhãn cầu dính vào nhau mỗi khi chớp mắt.
– Đau đầu, mỏi cổ, khó tập trung.
– Mắt cảm giác căng, khó chịu và càng tăng lên mỗi khi đọc sách báo hay xem TV.
Nguyên nhân gây nên khô và nhức mỏi mắt
Khô mắt có thể gây ra bởi những nguyên nhân như:
– Tuổi tác: Ở người lớn trên 50 tuổi, thường nước mắt sẽ giảm cả số lượng lẫn chất lượng.
– Thói quen sinh hoạt: Việc quá tập trung vào màn hình máy tính, tivi, sách báo… mà quên đi việc chớp mắt khiến cho nước mắt không được tiết ra và bao phủ trên bề mặt nhãn cầu.
– Môi trường: Không khí ô nhiễm, khói bụi, tia cực tím, và khi ở trong môi trường sử dụng máy điều hòa, độ ẩm thấp, dẫn đến nước mắt bốc hơi nhanh hơn khiến cho mắt dễ bị khô..
– Chế độ dinh dưỡng: Việc ăn uống hàng ngày không đầy đủ chất để nuôi dưỡng tế bào thị giác, nhất là vitamin A.
– Bệnh kèm theo: Bệnh nhân từng phẫu thuật Lasik hoặc dùng contact lens, bị viêm nhiễm hoặc tăng nhãn áp cũng có thể gây nên khô và nhức mỏi mắt.
– Thuốc: Một số thuốc như thuốc kháng Histamin (Loratadine…) hay thuốc xịt mũi, thuốc giảm huyết áp, thuốc chống trầm cảm (Amitryptiline…) có thể gây ra tình trạng khô mắt.
– Cố gắng làm việc trong tình trạng mệt mỏi, kiệt quệ.
– Học tập, làm việc trong môi trường thiếu ánh sáng.
– Tật khúc xạ ở mắt như viễn thị, cận thị, loạn thị nhưng lại không đeo kính phù hợp.
Những đối tượng thường mắc hội chứng khô và nhức mỏi mắt:
– Phụ nữ đặc biệt là phụ nữ mang thai hoặc tiền mãn kinh.
– Nhân viên văn phòng do máy lạnh, máy tính, sổ sách.
– Học sinh, sinh viên do tiếp xúc nhiều với điện thoại, máy tính.
– Làm việc ở ngoài trời, nhiều gió, khói, bụi.
Điều trị khô và nhức mỏi mắt
Khô và nhức mỏi mắt tuy không phải là bệnh cấp tính nhưng nếu không được điều trị có thể dẫn đến loét giác mạc và mù loà. Tuỳ từng nguyên nhân gây ra hiện tượng khô và nhức mỏi mắt mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau.
Điều trị không dùng thuốc: áp dụng khi hội chứng khô và nhức mỏi mắt gây ra bởi cách học tập, làm việc không hợp lý.
– Thay đổi môi trường và cách sinh hoạt, ví dụ như hạn chế nhìn quá lâu vào máy vi tính, điện thoại, đồng thời phải để mắt thư giãn bằng cách chớp mắt thường xuyên để tuyến nước mắt tiết ra, tráng đều trên bề mặt nhãn cầu, học tập và làm việc trong môi trường đủ ánh sáng.
– Massage cho mắt: mí mắt và cơ bắp trên trán và má 1-2 lần mỗi ngày.
– Chườm ấm cho mắt mỗi ngày trước khi ngủ.
Điều trị dùng thuốc:
– Sử dụng nước mắt nhân tạo (nước muối sinh lý) hay các loại thuốc chứa hoạt chất làm tăng độ nhầy cũng giúp giảm tình trạng khô mắt tạm thời.
– Khô và nhức mỏi mắt do viêm nhiễm: việc điều trị tình trạng viêm nhiễm sẽ giúp nước mắt được tiết bình thường trở lại.
– Khô và nhức mỏi mắt do tật khúc xạ: chọn kính thích hợp với kiểu tật như cận, viễn hay loạn thị.
Phòng ngừa khô và nhức mỏi mắt
Khô và nhức mỏi mắt gây cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến công việc hằng ngày. Do đó, việc chăm sóc mắt để phòng tránh khô và nhức mỏi mắt là điều cần nên làm.
– Đặt sách, máy tính, hay xem thiết bị điện tử như tivi, điện thoại ở khoảng cách không quá gần, không nhìn gần quá lâu (trên 60 phút), nên thư giãn mắt vài phút giữa giờ làm (ngồi tại chỗ nhắm 2 mắt hoặc nhìn ra xa)
– Ăn uống đủ chất, bổ sung đủ dinh dưỡng cho mắt bằng với các loại thức ăn chứa nhiều vitamin A như rau cải xanh, cà rốt, gan cá, thịt bò…
– Giữ vệ sinh nơi ở, nơi học tập, làm việc. Nên trồng nhiều cây xanh để làm mát không khí, giúp không khí không bị khô và giảm bớt khói bụi.
– Đeo kính khi ra ngoài để bảo vệ mắt tránh ánh nắng, gió, khói bụi, môi trường ô nhiễm.
– Hạn chế ngồi trực diện máy điều hòa, quạt gió.
– Hạn chế cọ xát vào mắt như dụi mắt.
– Sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt để vệ sinh mắt và làm dịu mắt, phòng tránh, giảm thiểu các triệu chứng khô và nhức mỏi mắt.
Xem thêm: Những thói quen khi ngồi làm việc khiến bạn bị mỏi mắt
Xem thêm: Các bài tập thể dục cho đôi mắt sáng khỏe
Để phòng ngừa khô và nhức mỏi mắt, cần cân bằng giữa học tập, công việc cùng với ăn uống, luyện tập thể dục thể thao một cách hợp lý.
Khi có những biểu hiện bất thường, bệnh nhân nên đi khám ở chuyên khoa Mắt để được hướng dẫn và điều trị kịp thời, tránh việc tự chữa trị có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
(Hình ảnh tổng hợp từ allaboutvision.com, wit-ecogreen.com.vn, me.phununet.com, google,…)
Bác sĩ chuyên khoa 1 Mai Thị Hương Thảo
Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh (Cơ sở 2)
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Khô và nhức mỏi mắt tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.