Từ lâu, những tòa lâu đài được biết đến là một trong những công trình xa hoa cổ điển nhất, đòi hỏi sự công phu và tỉ mỉ trong từng chi tiết khi thiết kế. Bên cạnh đó, thời gian thi công vô cùng dài và tốn rất nhiều chi phí.
6. Lâu đài Spiš, Slovakia
Một lâu đài khác của người Hungary có diện tích khá ấn tượng 49485 mét vuông là lâu đài Spiš ở Slovakia, được xem như là một trong những lâu đài thời Trung cổ lớn Trung Âu. Spiš gồm những bức tường thành phòng thủ kiên cố có từ thế kỷ 12 để bảo vệ vua Hungary, đồng thời cũng là kinh đô chính của Vương quốc Hungary Qua nhiều thế kỷ, lâu đài đã được sở hữu bởi những gia đình quyền lực cho đến khi thuộc về Tiệp Khắc năm 1945.
Lâu đài Spiš thuộc danh sách đầu những điểm đến của Slovakia. Ảnh: bailey_stone_travel
Lâu đài đã sụp đổ vào khoảng thế kỷ 12. Một cung điện La Mã mới bằng đá với hệ thống phòng thủ được xây dựng vào nửa sau thế kỷ 13 đã thay thế nó. Cung điện La Mã hai tầng và một cung La Mã-Gothic ba gian cũng là một phần của khu phức hợp mới. Việc bổ sung thêm một khu định cư vào thế kỷ 14 đã nhân đôi diện tích lâu đài.
Spiš gồm những bức tường thành phòng thủ kiên cố có từ thế kỷ 12 để bảo vệ vua Hungary. Ảnh: internationalflyguy
Nửa sau thế kỷ 15, lâu đài trải qua một cuộc tân tạo Gothic nữa, trở thành nơi để tụ họp xã hội và tán gẫu của giới thượng lưu. Khi mối đe dọa xâm lược mất đi, nó không còn là pháo đài nữa mà trở thành nơi ở hoàng gia. Một trận hỏa hoạn vào năm 1780 đã định đoạt số phận của lâu đài, nhưng một cuộc trùng tu quy mô trong những năm 1970 đã làm sống dậy lâu đài lớn này. Ngày nay, lâu đài thuộc danh sách đầu những điểm đến của Slovakia.
5. Lâu đài Hohensalzburg, Áo
Lâu đài mang tính biểu tượng của Salzburg là thực sự bắt mắt, nằm chót vót trên đồi Festungsberg. Với tổng diện tích lên đến 54523 mét vuông, đây là một trong những lâu đài lớn nhất trên thế giới. Được xây dựng năm 1077 dưới thời của Tổng giám mục Archbishop Gebhard von Helfenstein, nó chỉ là một lâu đài nhỏ được bao quanh bởi một bức tường gỗ và sau này tiếp tục được mở rộng hơn bởi Helfenstein và Henry IV.
Lâu đài tọa lạc trên một núi đá cao lớn ở thành phố Salzburg của nước Áo với chiều dài 250m và chiều rộng là 150m. Ảnh: spinkiiiii
Qua nhiều thế kỷ, pháo đài ngày càng được mở rộng. Những bức tường thành và tháp được xây dựng vào năm 1462 dưới thời Hoàng tử-Tổng giám mục Burkhard II von Weißpriach. Sau đó, Hoàng tử kế vị – Archbishop, Leonhard von Keutschach đã cải tạo lâu đài thành cấu trúc như hiện nay. Từ năm 1495 đến 1519, ông đã không ngừng mở mang lâu đài và cho xây thêm pháo đài bên ngoài vào thế kỷ 16 do lo ngại sự xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ.
Lâu đài với lối kiến trúc thời Trung cổ, mang đậm nét văn hóa, lịch sử. Có thể kể đến những điểm tham thú vị tại nơi đây như: Hội trường vàng, nhà nguyện, phòng vàng,… Ảnh: js_inspiring_shots
Pháo đài chỉ bị bao vây một lần trong chiến tranh Nông dân Đức năm 1525 nhưng không ai chiếm được nó. Năm 1800, trong cuộc chiến Napoleon của Liên minh thứ hai, lâu đài đã được trao cho quân đội Pháp trong hòa bình. Vào thế kỷ 19, lâu đài trở thành kho dự trữ và doanh trại. Cuộc đại trùng tu cuối thế kỷ 19 đã biến lâu đài bỏ hoang thành một địa điểm thu hút lượng lớn khách du lịch. Một buổi hòa nhạc trong pháo đài kết hợp một chuyến thưởng ngoạn cùng bữa tối là một cách tuyệt vời để đắm mình trong vẻ đẹp của tuyệt tác lịch sử rộng lớn này.
4. Lâu đài Windsor, Vương quốc Anh
Lâu đài lớn nhất thế giới Windsor là một trong ba nơi ở chính thức của Nữ hoàng Anh. Nằm trên một diện tích rộng 54835 mét vuông, những tòa tháp và tường thành với lỗ châu mai đã thu hút hàng ngàn lượt khách mỗi năm. Lâu đài có ba phần: Hạ, Trung, Thượng. Du khách tham quan được hướng dẫn miễn phí để làm quen với cách bày trí ở đây. Một vài khu vực có thể bị giới hạn, đặc biệt là khi Nữ hoàng đang nghỉ ngơi tại đây. Cờ Hoàng gia bay trên tháp tròn ám chỉ sự hiện diện của bà.
Du khách tham quan được hướng dẫn miễn phí để làm quen với cách bày trí ở đây. Ảnh: englandreisen
Sau cuộc xâm lăng của Nornam, Kẻ chinh phạt William đã ra lệnh xây dựng một pháo đài bằng đất và gỗ bên cạnh sông Thames được hoàn thành vào năm 1080. Lâu đài sau đó đã xây lại bằng đá bởi cháu trai của ông- Henry I năm 1170. Kể từ đó, hoàng gia tiếp tục thừa kế lâu đài. Qua thời gian, dưới sự nhào nặn của các vị vua, lâu đài đã mang nhiều dấu ấn của lối kiến trúc Gothic và Ba Rốc. Dưới triều đại của mình, vua George IV cùng với đội ngũ nghệ nhân đã tạo nên cung điện Windsor với dấu ấn của một lâu đài thời trung cổ. Cuối cùng, ngày nay, lâu đài là một không gian rộng lớn với 1000 phòng hòa trộn nhiều phong cách kiến trúc khác nhau.
Lâu đài Windsor là một trong ba nơi ở chính thức của Nữ hoàng Anh. Ảnh: dear.silvia
3. Lâu đài Praha, Cộng hòa Séc
Mặc dù, sách kỷ lục Guinness đã ghi nhận lâu đài Praha là lâu đài lớn nhất thế giới nhưng vị trí hàng đầu về diện tích đất thuộc về một lâu đài khác ở châu Âu. Tuy nhiên, điểm đến hấp dẫn Praha vẫn chiếm một khu vực khổng lồ rộng đến 66761 mét vuông, hơn diện tích của 7 sân bóng.
Pháo đài cổ tích được xây dựng từ thế kỷ thứ 9 nhìn xuống thành phố từ trên cao bên bờ trái sông Vltava. Kể từ khi mở cửa, lâu đài đã là hoàng cung của nhiều vị vua Séc và dinh thự của Tổng thống. Ảnh: siratshandilya
Tòa nhà có tường bao quanh đầu tiên của lâu đài, nhà thờ Trinh nữ Mary, có từ năm 870. Những công trình khác lần lượt được xây dựng sau đó. Ban đầu, đây là nơi ở của Hoàng tử Bořivoj và tiếp tục được phát triển bởi những nhà cai trị sau đó. Dưới thời Charles IV vào thế kỷ 15, một cung điện phong cách Gothic đã thay thế cho cung điện La Mã đầu tiên ở thế kỷ 12. Tuy nhiên, vào năm 1541, một trận hỏa hoạn đã phá hủy phần lớn lâu đài.
Gần lâu đài có nhiều thứ để tham quan, gợi ý tuyệt vời là một tour đi bộ kết hợp khám phá phố cổ để tìm hiểu về một trong những lâu đài lớn nhất thế giới này. Ảnh: senchan1211
Trong quá trình phục hồi, Habsburgs đã xây thêm những công trình mới mang kiến trúc Phục hưng. Lần tái thiết lớn cuối cùng là vào thế kỷ 18 dưới thời của Hoàng hậu Maria Therasa. Ngày này, những công trình trong quần thể lâu đài khổng lồ đại diện cho hầu hết phong cách kiến trúc của thiên niên kỷ trước. Bên cạnh những công trình lịch sử, lâu đài rộng lớn này còn bao gồm những bảo tàng và phòng triển lãm. Nhiều báu vật quốc gia đều được trưng bày ở đây.
2. Pháo đài Mehrangarh, Ấn Độ
Pháo đài bất khả xâm phạm Rajasthani nằm ở Jobhpur, Ấn Độ là một kiệt tác về kiến trúc và kích thước. Nằm chót vót ở độ cao 120 mét trên đường chân trời của Jodhpur, Mehrangarh như hòa thành một khối hoàn chỉnh với núi đá. Mặc dù được chính thức xem như là một pháo đài nhưng những cung điện và kiến trúc đã kiến tạo nên một phức hợp trải dài 81227 mét vuông và được xếp vào hạng mục lâu đài của Ấn Độ.
Để vào được pháo đài, bạn phải đi qua 7 cánh cổng. Ở cổng cuối cùng, Loha Pol, có những chấn song nhọn bằng sắt để nhốt những con voi của kẻ thù trong chuồng. Ảnh: jodhpursearch
Được xây dựng vào giữa thế kỷ 15 bởi vua Rao Jobha, nhà sáng lập thành phố Jodhpur, gia đình hoàng gia Jodhpur tiếp tục điều hành pháo đài. Mặc dù Rao Jodha là người đặt nền móng nhưng phần lớn những gì chúng ta thấy ngày nay lại mang dấu ấn của Jaswant Sing của Marwar. Những cung điện tráng lệ nhất của Rajasthani được bao bọc bởi những bức tường thành dày. Nếu bạn là một người nghiện adrenaline, còn chần chừ gì mà không đến Mehrangarh để có một trải nghiệm tuyệt vời, mới lạ.
Vào bên trong pháo đài, bạn sẽ bị thu hút bởi những dấu ấn bàn tay của góa phụ hoàng gia – những người đã bước lên giàn thiêu để kết liễu cuộc đời bên cạnh người chồng đã chết của mình. Ảnh: nancysharma24
Có rất nhiều truyền thuyết xoay quanh pháo đài lịch sử này. Một trong những truyền thuyết được lưu truyền rộng rãi nhất là về việc đặt nền móng cho nó và sự dời đi của người chiếm giữ duy nhất trên ngọn đồi-một ẩn sĩ. Dù vua đã yêu cầu nhiều lần nhưng vị ẩn sĩ vẫn kiên quyết từ chối chuyển chỗ. Cuối cùng, vua đã triệu tập một nữ hiền triết thông thái hơn đến và thuyết phục vị ẩn sĩ rời đi. Phước lành của bà đã giúp cho pháo đài được vững bền truyền từ đời này sang đời khác.
1. Lâu đài Malbork, Ba Lan
Lâu đài của dòng họ Teutonic, còn được gọi là Malbork, là lâu đài lớn nhất thế giới về diện tích đất. Nó cũng là lâu đài bằng gạch lớn nhất châu Âu. Trải dài trên một vùng đất lên đến 143591 mét vuông bên bờ sông Nogat, lâu đài được cai trị bởi những hiệp sĩ Teutonic trong 150 năm từ khi được xây dựng từ thế kỷ 13. Marienburg (pháo đài của Mary), bắt đầu là pháo đài trung tâm, còn được gọi là High Castle, tiếp theo là Middle Castle và cuối cùng là Low Castle. Ba vòng tường thành phòng thủ bảo vệ lâu đài dần dần được mở rộng thành pháo đài lớn thời Trung cổ. Đó từng là nhà của khoảng 3000 hiệp sĩ.
Malbork à lâu đài lớn nhất thế giới về diện tích đất. Ảnh: degusteseudestino
Suốt 13 năm chiến tranh từ năm 1457, quân đội Ba Lan đã chiếm giữ lâu đài. Sau đó, lâu đài trở thành nơi nghỉ ngơi của các vị vua Ba Lan khi đến vùng này trong 3 thế kỷ. Tuy nhiên, lâu đài dần suy tàn khi Thụy Điển xâm lược và Ba Lan bị chia cắt. Người Phổ đã tiếp quản và phá hủy phần lớn kiến trúc nguyên thủy của lâu đài để biến thành doanh trại. Vào thế kỷ 19, chính quyền đã lấy lại lâu đài và tiến hành trùng tu, bảo vệ. Mặc dù bị hư hại nhiều trong thế chiến thứ hai nhưng hiện nay, lâu đài đã được phục hồi gần như nguyên vẹn.
Bây giờ, Malbork là một địa điểm hấp dẫn khách du lịch của Ba Lan. Ảnh: randominarteh
Nguồn: wowtravel – Biên dịch: Cam
Đăng bởi: Duyên Ngọc
Từ khoá: Khám phá 10+ lâu đài lớn nhất thế giới – P2
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Khám phá 10+ lâu đài lớn nhất thế giới – P2 của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.