Bạn có một chiếc điện thoại hoặc một thiết bị di động, bạn biết cách xem mã IMEI trên điện thoại đó. Nhưng bạn có hiểu mã IMEI là gì không? Hay IMEI có thể cho người xem biết những thông tin gì về thiết bị đó? Và một mã IMEI sẽ có cấu trúc như thế nào? Đó là những thông tin mà bài viết sau đây sẽ gửi tới các bạn.
- Cách kiểm tra số IMEI trên điện thoại iPhone
- Cách kiểm tra số IMEI trên điện thoại Android
- Cách kiểm tra IMEI, check IMEI điện thoại Windows Phone
Ai cũng biết rằng đa số các thiết bị điện tử đều có một mã IMEI riêng và không trùng với bất kỳ một thiết bị thứ hai nào. Chính vì vậy, việc sử dụng, kiểm tra IMEI là cách chính xác nhất để biết về thông tin của một thiết bị nào đó. Nhưng cụ thể thì IMEI là gì? Kiểm tra IMEI có tác dụng gì? Và chúng ta có thể biết, làm gì với mã IMEI? lại là những vấn đề mà không nhiều người quan tâm và biết tới.
IMEI là gì?
IMEI là tên viết tắt của cụm từ International Mobile Equipment Identity, tạm dịch là “Số nhận dạng thiết bị di động trên toàn thế giới” hay mã số nhận dạng quốc tế của từng điện thoại di động. Mã này là duy nhất cho mỗi thiết bị và thường nằm ở trên tem máy, phía dưới pin (với các thiết bị di động đời đầu) hoặc nằm trong chính phần cài đặt của thiết bị (với một số smartphone hiện nay).
Hiểu ngắn gọn thì IMEI chính là ID nhận dạng, là “chứng minh nhân dân” của mỗi thiết bị.
Hình ảnh IMEI trước tháng 4 năm 2004
Ý nghĩa và cấu trúc của số IMEI
Mỗi IMEI là một dãy gồm 15 số, trong dãy số này ẩn chứa thông tin về xuất xứ, kiểu mẫu, đời máy, số serial của máy…
- Kiểu máy và xuất xứ máy là 8 chữ số đầu tiên, được hiểu là Type Allocation Code – Mã kiểu mẫu và xuất xứ, viết tắt là TAC.
- Các phần còn lại của số IMEI được định nghĩa bởi nhà sản xuất.
Cấu trúc của mã IMEI đã trải qua vài lần thay đổi, cho tới nay, một quy chuẩn phổ biến cho mã này đã được xác định và sử dụng, cụ thể:
JJUUUU – LL – YYYYYY – A (6 số đầu – 2 số giữa – 6 số tiếp theo – 1 số cuối)
Trong đó:
- 6 số đầu (JJUUUU) được gọi là “Type Allocation Code” (viết tắt là TAC). Cụ thể:
- Hai số đầu (JJ) còn được gọi là “Reporting Body Identifier“. Đây là thông tin giúp người dùng và nhà quản lý biết được tổ chức nào đã cung cấp mã IMEI cho nhà sản xuất. Thông thường thì các mã IMEI này do tổ chức BABT cấp và được bắt đầu bằng số “35” hoặc “44”. (Ngoài ra, hai số này còn có thể là 01, 86, 91, 98, 99).
- Bốn số tiếp theo (UUUU) là “đặc điểm nhận dạng” của điện thoại (mẫu máy, đời máy). Bốn số này được hiểu là “Mobile Equipment Type Identifier“
- 2 số giữa (LL) là “Final Assembly Code” hay FAC. Hai số này được dùng để xác định xuất xứ của sản phẩm (được sản xuất hay lắp ráp ở Quốc gia nào?). Tuy nhiên, hai số này có thể thay đổi (nghĩa là có thể sẽ có 2 mã FAC với một sản phẩm) do quy mô của một nhà máy có thể đạt được số lượng sản phẩm vượt quá 6 con số.
- 6 số tiếp theo (YYYYYY) là số seri (Serial Number hay SNR) của sản phẩm đó.
- 1 số cuối (A) còn gọi là Luhn Check Digit (viết tắt là CD). Đây là số đặc biệt, được thêm vào dựa trên một thuật toán áp dụng lên 14 số trước đó. Đây cũng là yếu tố để xác định một số IMEI có hợp lệ (có bị làm giả) hay không?
Tuy nhiên, do sự phát triển và hợp tác kinh doanh giữa các Quốc gia trên toàn Thế giới, việc dựa vào TAC để xác định nguồn gốc của thiết bị đã không còn mang tính chính xác tuyệt đối như trước đây. Vì dãy IMEI không còn được cấp phát theo phạm vi Quốc gia nữa, mà được cấp phát theo tập đoàn, công ty sản xuất ra chiếc điện thoại đó.
Mà những tập đoàn này thì luôn có mặt tại rất nhiều Quốc gia, vì vậy, khi chúng ta check số IMEI, sẽ chỉ thấy kết quả hiện ra là “Made by Nokia, SE, Moto… “. Và một kiểu IMEI khác mà chúng ta cũng thường thấy rất phổ biến là:
JJUUUUUU – LLLLLL – Y (công thức 8 – 6 – 1)
Trong đó, các chỉ số vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa như cấu trúc ban đầu. Từ những giải thích trên, có thể hiểu ngắn gọn cấu trúc của IMEI như sau:
IMEI = TAC + FAC + SNR + CD
Cấu trúc IMEI được phân tích trên một trang web
Bảng mã xuất xứ các Quốc gia
Nếu “hai số giữa – FAC” trong dải IMEI của bạn trùng với danh sách dưới đây, bạn sẽ biết thiết bị của mình được làm từ Quốc gia nào? (Tuy nhiên chỉ mang tính tương đối thôi nhé).
- 00, 80, 81: Trung Quốc (China).
- 01, 10, 70, 91: Phần lan (Finland).
- 02, 20: Emitares.
- 03, 30: Hàn Quốc (Korea).
- 05: Hồng Kông hoặc Việt Nam.
- 06: Pháp (France).
- 07, 08, 20, 80: Germany (Đức).
- 13: Azerbaijan.
- 18: Singapore.
- 19, 40, 41, 44: Anh (UK).
- 67: Mỹ (USA).
- 71: Malaysia.
- …
VÍ DỤ:
Nếu mã IMEI của bạn có dạng AAAAA – 06 – BBBBBB – C, tức là thiết bị của bạn đã được sản xuất tại Pháp.
Hình ảnh IMEI hiện nay (được viết liền, không có dấu gạch ngang)
Ta có số IMEI như trong hình là “357631050052050”. Tách ra theo “công thức 8-6-1” trên, ta được:
35.7631 – 05 – 005205 – 0, cụ thể:
- TAC = 357631. Trong đó:
- 35 – Reporting Body Identifier: Tổ chức cấp IMEI là “BABT”.
- 7631 – Mobile Equipment Type Identifier: Mẫu máy, đời máy, dòng máy…
- FAC = 05: Hồng Kông (hoặc Việt Nam).
- SNR = 005205.
- CD = 0
Hoặc có thể xem ảnh minh họa dưới đây để thấy rõ hơn về cấu trúc của IMEI.
Cấu trúc TAC – FAC – SNR – CD của IMEI được chia rõ ràng ở trang web này
Trên đây là một số thông tin và các khái niệm liên quan tới IMEI và cách phân tích, đọc một mã IMEI để tìm ra nguồn gốc xuất xứ cũng như các thông tin khác liên quan tới thiết bị di động của mình.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết IMEI là gì? Ý nghĩa cấu trúc của số IMEI của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.