Bạn đang xem bài viết Hướng dẫn tự build PC, dựng cấu hình máy tính chơi game tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Nếu bạn là người thường xuyên làm việc hoặc giải trí trên máy tính, bạn cần phải hiểu biết về những bộ phận của máy tính và cách chúng hoạt động. Điều đó sẽ giúp bạn tránh khỏi rất nhiều vấn đề trong quá trình sử dụng. Một cách hữu hiệu để có được kinh nghiệm đó là: tự build PC cho mình.
Bạn cần chuẩn bị gì?
Để có thể xây dựng được một bộ PC cho riêng mình, bạn cần phải biết cách lên danh sách những gì cần mua. Các thành phần bạn cần cho bộ máy tính bao gồm: bộ vi xử lý (CPU), bo mạch chủ (mainboard), ổ cứng (SSD/HDD), bộ nhớ (RAM), card đồ họa (GPU), nguồn và vỏ máy (case). Ngoài ra bạn cũng cần quan tâm đến các thiết bị ngoại vi như màn hình, bàn phím, chuột, tai nghe.
Bạn phải lên danh sách những thiết bị cần mua một cách có hệ thống và đảm bảo sự tương thích, tránh hiện tượng “mua về nhưng không lắp được”. Để làm được điều đó, hãy sử dụng công cụ PCPartPicker. Nó cho phép bạn lựa chọn các thiết bị ngay trên trang web và đảm bảo tất cả sẽ hoạt động tốt với nhau.
Nếu bạn cần công cụ Tiếng Việt, có thể sử dụng tính năng Xây dựng cấu hình máy tính của Hanoicomputer.vn. Tuy nhiên số lượng sản phẩm sẽ hạn chế hơn, phụ thuộc vào kho hàng của Hanoicomputer.vn.
CPU
CPU là thành phần quan trọng nhất, tạo nên sức mạnh chung cho máy tính. Vì vậy chúng ta sẽ lựa chọn CPU như một bước khởi đầu.
Đầu tiên bạn cần biết rằng hiện nay có hai hãng sản xuất CPU đứng đầu là Intel và AMD. Pgdphurieng.edu.vn đã có một bài viết so sánh giữa hai hãng này. Tuy nhiên điều này không thật sự quan trọng, bạn nên tập trung tìm hiểu về riêng từng sản phẩm thì hơn.
Vấn đề là lựa chọn của bạn phải phù hợp với nhu cầu và túi tiền. Sau đây là một số gợi ý cơ bản cho mỗi dòng sản phẩm CPU:
- AMD Athlon và Intel Pentium: giá cả phải chăng, phù hợp cho máy tính cơ bản với nhu cầu gõ văn bản, xem media và in ấn.
- Intel Core và AMD Ryzen: phục vụ cho nhiều đối tượng, từ xây dựng máy tính văn phòng cho đến máy chơi game.
- Intel Core X và AMD Ryzen Threadripper: phân khúc cao cấp, cho khối lượng công việc cường độ cao như sản xuất video, tạo mô hình 3D và stream game.
Dòng Intel Core i5 là một loại chip truyền thống, cơ bản nhất cho máy tính chơi game. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải tìm hiểu kỹ thông số cho từng sản phẩm. Nếu không có nhiều kiến thức về thông số, bạn có thể dựa vào thế hệ CPU để đánh giá sức mạnh. Mỗi năm Intel đều tung ra những con chip thế hệ mới được thể hiện ngay trên tên sản phẩm. Ví dụ: Core i5-11400 (thế hệ 11, ra mắt năm 2021) hoặc Ryzen 5 5600G (zen 3, ra mắt năm 2021).
CPU thế hệ mới hơn thường mạnh mẽ và đắt tiền hơn thế hệ cũ. Vì vậy, nếu không có nhu cầu chơi game ở trải nghiệm đỉnh cao nhất, bạn nên lựa chọn CPU ở thế hệ trước, phù hợp với túi tiền hơn. Chỉ cần một chiếc như Core i5-9400 (thế hệ 9) là đã giúp bạn chơi được rất nhiều game nặng rồi.
Trong ví dụ về việc chọn CPU, tôi sẽ chọn chiếc AMD Ryzen 5 5600G với các thông số bao gồm:
- Số nhân: 6
- Số luồng: 12
- Bộ nhớ đệm: 19MB
- Tốc độ: 3.9 GHz – 4.4 GHz
- Công suất thoát nhiệt: 65W
- Socket: AM4
- Card đồ họa tích hợp: Radeon RX Vega 7
(Bạn nên tìm hiểu định nghĩa về từng thông số để hiểu kỹ hơn về sức mạnh của CPU)
Bo mạch chủ
Về cơ bản, sau khi bạn đã chọn CPU, bạn chỉ cần chọn bo mạch chủ phù hợp với socket là được. Ví dụ: socket của chiếc Ryzen 5 5600G là AM4 như đã đề cập bên trên. Bạn cần phải chọn bo mạch chủ có cùng socket này.
Tưởng chừng là đơn giản, nhưng bo mạch chủ cũng là một thành phần quan trọng của máy tính, vì vậy bạn phải xem xét thêm một số tiêu chuẩn khác:
- Thiết kế: ATX (phổ thông), E-ATX và XL-ATX (lớn), Micro-ATX (nhỏ) hoặc Mini-ITX (nhỏ, kiểu thiết kế khác với ATX). Bạn sẽ cần phải dự tính mình sẽ trang bị bao nhiêu thiết bị, chiếm diện tích thế nào để lựa chọn kiểu thiết kế phù hợp.
- PCIe: là cổng quan trọng nhất mà bạn sử dụng để kết nối hầu hết các thành phần hiện nay. Tiêu chuẩn mới nhất được phổ biến hiện nay là PCIe 3.0 và 4.0. Cùng với đó là 4 loại kích thước là x1, x4, x8, x16. Mỗi bo mạch chủ sẽ có số lượng cổng với vị trí khác nhau. Bạn cần cân nhắc về nhu cầu sử dụng của mình để lựa chọn mainboard phù hợp với nhu cầu đó.
- Số lượng khe RAM: Ngày nay PC thường được trang bị ít nhất 4GB RAM. Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của bạn, 8GB RAM là phù hợp cho hầu hết người dùng phổ thông và 16GB cho người dùng nhu cầu cao hơn. Hãy xác định trước nhu cầu sử dụng RAM trong hiện tại và tương lai để mua mainboard có đủ khe cắm nhé.
- Cổng kết nối ổ cứng: Kết nối phổ biến cho ổ cứng là ATA hoặc SATA (hiện nay là SATA 3.0). Bạn nên tìm hiểu về các loại ổ cứng mình sắp mua và chọn đúng mainboard hỗ trợ kết nối đó. Ngoài ra còn một loại kết nối ngày càng phổ biến là NVMe thông qua PCIe hoặc cổng M.2. Hãy chú ý!
- Ngoài ra bạn cũng cần lưu ý một số kết nối khác như: USB, giắc âm thanh, cổng hiển thị hình ảnh (nếu dùng GPU tích hợp), giắc Wi-fi,… Hãy mua bo mạch chủ có tất cả các cổng kết nối mà bạn cần.
Trong ví dụ này, tôi sẽ lựa chọn Mainboard Gigabyte B550M AORUS ELITE với các thông số như sau:
- PCIe 4.0
- Thiết kế m-ATX
- Đầu kết nối kép NVMe PCIe 4.0 / 3.0 M.2
- 1 khe PCIe x16
- Socket AM4
- 4 khe RAM DDR4 (tối đa 124GB)
- Tốc độ bus RAM: 2133MHz – 4733 (O.C) MHz
- Một số công nghệ khác…
RAM
Việc chọn RAM cũng không quá khó khăn. Thông thường, bạn nên chọn ít nhất 2 RAM để kích hoạt chế độ kênh đôi trên các nền tảng như socket AM4 hoặc LGA 1151.
- Hẳn bạn đã xác định được dung lượng RAM mà mình sẽ sử dụng, 4GB, 8GB hay 16GB. 8GB là con số an toàn mà được hầu hết mọi người lựa chọn.
- Tiếp theo là công nghệ DDR, bạn cần mua RAM có công nghệ DDR phù hợp với mainboard. Như đề cập bên trên, mainboard mà tôi lựa chọn hỗ trợ 4 khe RAM DDR4. Vì vậy, bạn chỉ có thể chọn mua RAM DDR4 mà thôi.
- Tốc độ truyền tải dữ liệu (bus speed): bạn chỉ có thể lựa chọn bus speed trong phạm vi mà mainboard hỗ trợ. Con số càng cao thì tốc độ truyền tải dữ liệu càng nhanh.
Với các tiêu chí lựa chọn trên, tôi sẽ lấy ví dụ với RAM Kingston Fury Beast 16GB (2 thanh 8GB) DDR4 3200MHz.
Ổ cứng
Chúng ta có hai loại ổ cứng phổ biến là SSD và HDD, bạn có thể chọn một trong hai hoặc kết hợp cả hai đều được (nếu mainboard hỗ trợ đủ cổng). Về cơ bản, SSD cung cấp ít dung lượng bộ nhớ hơn, nhưng có tốc độ đọc và ghi nhanh hơn HDD rất nhiều. HDD lại mang đến cho bạn lượng bộ nhớ lớn. Vì vậy, SSD phù hợp với việc chứa hệ điều hành và các ứng dụng, HDD dùng để lưu video, ảnh, game nặng.
- Đọc thêm: Ổ cứng HDD, SSD, SSHD là gì? So sánh sự giống và khác nhau giữa các loại ổ cứng
Những thông số bạn cần lưu ý khi mua ổ cứng là:
- Dung lượng ổ: Cần ít nhất 128GB đối với SSD đủ để bạn chứa hệ điều hành và các ứng dụng cơ bản. HDD có thể từ 500GB đến 1TB để thoải mái lưu dữ liệu. Nếu bạn ưa tốc độ và không có nhiều nhu cầu lưu trữ, một chiếc SSD 500GB là đủ.
- Tốc độ đọc/ghi: 500MB/s là con số khá hấp dẫn, nếu cao hơn thì càng tuyệt vời.
- Cổng giao tiếp: phải được mainboard hỗ trợ.
Chúng ta có thể chọn ổ SSD Kingston SNVS 500G NVMe M.2 để lấy ví dụ.
Card đồ họa (GPU)
Mọi máy tính đều cầu card đồ họa, đây là bộ xử lý chuyên dụng cho việc xử lý dữ liệu hình ảnh. CPU AMD Ryzen 5 5600G đã được trang bị sẵn card đồ họa tích hợp là RX Vega 7, nên máy có thể hoạt động mà không cần đến card rời. Tuy nhiên, card đồ họa tích hợp thường chỉ phù hợp cho nhu cầu chơi game ở trải nghiệm trung bình. Nếu bạn muốn chơi game đồ họa khủng, độ phân giải 1080p thì cần phải có card đồ họa rời.
Nếu như bạn xác định sử dụng card đồ họa rời ngay từ đầu, đừng nên chọn CPU AMD được trang bị sẵn GPU tích hợp. Trừ trường hợp là CPU Intel, hãng luôn có sẵn GPU tích hợp trong sản phẩm.
- Dung lượng bộ nhớ: Phổ thông hiện nay là 4GB. Bạn sẽ cần đến 6GB và tốt nhất là 8GB để chơi game với trải nghiệm tốt và ổn định.
- Kích thước: Bạn nên tập trung vào yếu tố hình thức của card rời, hãy nhìn vào chiều dài, chiều cao và độ dày. Quan trọng là nó phải vừa vặn với mainboard. Nếu card có kích thước quá lớn, nó có thể chiếm nhiều không gian và che mất các cổng kết nối khác trên mainboard của bạn.
- TDP: Công suất nguồn yêu cầu, chỉ số này sẽ giúp bạn lựa chọn nguồn máy tính đúng hơn. Sẽ rất nguy hiểm nếu nguồn không cấp đủ điện cho tất cả thành phần trong máy tính.
- Đầu nối nguồn phụ: Các loại card màn hình trung bình đến cao cấp hiện nay đều yêu cầu có đầu nối nguồn phụ PCIe (6 hoặc 8 pin). Thông tin này cũng cần lưu ý để lựa chọn bộ nguồn có hỗ trợ mở rộng.
- Cổng: Cổng kết nối phải có sự nhất quán giữa card đồ họa và màn hình, các loại cổng kết nối phổ biến hiện nay gồm VGA, DVI, HDMI, DP.
- Clock Speed và lõi CUDA: Khá quan trọng, hãy tìm hiểu thêm về hai chỉ số này.
- Kiểu bộ nhớ: Kiểu bộ nhớ mới hơn sẽ mang đến tốc độ nhanh hơn, GDDR5 đang là lựa chọn phổ biến.
Ở mục này, Card màn hình Asus PH-GTX 1660 là sản phẩm mà tôi lựa chọn.
Nguồn
Bộ nguồn mang nhiệm vụ cấp điện cho các thành phần trong máy tính. Máy tính càng mạnh, bộ nguồn càng cần nhiều điện năng. Bạn cũng nên lựa chọn dư ra một chút để đề phòng.
- Công suất tối đa: Phần công suất yêu cầu thường sẽ được đề cập đến trong thông số CPU và GPU. Như ví dụ về 2 sản phẩm tôi lựa chọn bên trên gồm CPU/65W và GPU/450W. Như vậy, bạn nên chọn nguồn có khả năng cung cấp ít nhất 600W để PC có thể hoạt động ổn định. Nếu muốn dư thêm, hãy lên đến 700W.
- Đầu kết nối PCIe: Như đã đề cập bên trên, hầu hết card đồ họa tầm trung bây giờ yêu cầu kết nối nguồn phụ, vì vậy hãy đảm bảo điều này khi mua nguồn.
- Hình thức: ATX là tiêu chuẩn.
- Các lưu ý khác: Bạn tham khảo bài viết Hướng dẫn chọn mua đúng nguồn, PSU.
Vỏ Case
Để chọn vỏ case, điều đầu tiên bạn cần quan tâm là chọn kích thước phù hợp với kiểu thiết kế của mainboard. Trong trường hợp ví dụ bên trên, chúng ta sẽ chọn vỏ case M-ATX hoặc ATX.
Ngoài ra bạn cũng cần quan tâm đến cổng cắm trên bề mặt, chất liệu kính cường lực, số lượng quạt có thể lắp và độ đẹp mắt trong thiết kế. Bạn cũng nên mua thêm các quạt tản nhiệt gắn case để tối ưu hóa hiệu năng tản nhiệt cho máy tính.
Tổng hợp
Như vậy, bạn đã dựng được một bộ PC hoàn chỉnh với các thành phần gồm CPU, mainboard, RAM, GPU, card đồ họa, bộ nguồn, ổ cứng và vỏ case. Hy vọng với hướng dẫn của Pgdphurieng.edu.vn, bạn đã lựa chọn được những sản phẩm tốt và phù hợp nhất với nhu cầu.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Hướng dẫn tự build PC, dựng cấu hình máy tính chơi game tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.
Nguồn: https://thuthuatphanmem.vn/huong-dan-tu-build-pc-dung-cau-hinh-may-tinh-choi-game/
Từ Khoá Tìm Kiếm Liên Quan: