Tháng 7/2020, TikTok thông báo ngừng hoạt động tại Hong Kong, một tuần sau khi chính quyền thành phố công bố kế hoạch kiểm duyệt Internet. Theo Reuters, động thái được TikTok đưa ra nhằm cố gắng “tạo khoảng cách” với công ty mẹ ByteDance và với Trung Quốc, vì khi đó chính phủ Mỹ bắt đầu có những cuộc thảo luận về lệnh cấm nền tảng.
Việc TikTok rời Hong Kong được xem là “sự rút lui đột ngột” và vấp phải phản ứng trái chiều như sự thất vọng từ người dùng, người sáng tạo nội dung, nhưng cũng khiến nhiều người cảm thấy nhẹ nhõm khi thoát khỏi thói quen “cuộn vô hạn” trên màn hình smartphone.
Số người dùng TikTok ở Hong Kong khi đó không nhiều như ở Mỹ hiện nay với 150 triệu người tính đến tháng 2. Tuy nhiên, theo CNN, việc đến và đi của nền tảng mang đến góc nhìn về một tương lai không TikTok.
Bất ngờ mất cơ hội kiếm tiền
Shivani Dukhande, người sáng tạo nội dung với 45.000 người theo dõi vào năm 2020, cảm thấy hạnh phúc khi những video nấu ăn và chăm sóc sức khỏe của cô được chú ý. “Rất nhiều nhà sáng tạo nổi lên”, Dukhande, 25 tuổi, kể lại. “Chúng tôi từng cộng tác, trao đổi mọi thứ qua nhóm chat, chia sẻ ý tưởng và tạo cộng đồng”.
Khác với YouTube, TikTok không trả tiền cho các video. Tuy nhiên, Dukhande vẫn có thu nhập. Các nhãn hàng liên hệ với cô và trả tiền cho nội dung được tài trợ hoặc chiến dịch quảng cáo. Họ cũng thúc đẩy các nhà sáng tạo chạy theo các “thử thách”, như một cách hút người tiêu dùng trẻ.
Nhưng mọi thứ biến mất vào một sáng tháng 7/2020.
“Nếu TikTok tiếp tục hoạt động, có lẽ tôi đã có thể kiếm đủ tiền để bỏ công việc nhàm chán từ 9h sáng đến 5h chiều”, Dukhande nói.
Đây cũng là một trong những lập luận CEO TikTok Shou Zi Chew đưa ra trước và trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 3. Theo tài liệu nền tảng cung cấp, nhiều cá nhân, chủ doanh nghiệp trên thế giới đang dựa vào TikTok để kiếm sống. Trong đó, mạng xã hội đang được gần 5 triệu doanh nghiệp ở Mỹ sử dụng để quảng bá hình ảnh và bán hàng.
Trong khi đó, theo dự đoán của công ty nghiên cứu Omdia tháng 11/2022, doanh thu quảng cáo của TikTok sẽ vượt tổng doanh thu của Meta (gồm Facebook và Instagram) và YouTube cộng lại vào năm 2027, một phần do mọi người đang dành nhiều thời gian hơn trên TikTok. Còn theo SensorTower, trong quý II/2022, người dùng TikTok toàn cầu dành trung bình 95 phút mỗi ngày cho ứng dụng, gần gấp đôi thời gian cho Facebook và Instagram.
Niềm vui với giới trẻ
Sau khoảng thời gian hụt hẫng ban đầu, sự ra đi của TikTok lại trở thành sự thay đổi đáng hoan nghênh, kể cả trong giới trẻ. Poppy Anderson, 16 tuổi, đã sử dụng nền tảng của ByteDance từ 2018. Như đa số những người cùng thế hệ, cô dành hàng giờ mỗi ngày để “cuộn và cuộn” qua các video.
“Thuật toán For You đã giữ chân bạn. Nó rất thú vị, nhưng bạn sẽ không thực sự nhận được bất cứ điều gì trên đó”, cô nói.
Khi nhìn lại, TikTok đối với Anderson là “môi trường độc hại, sinh ra suy nghĩ hạn hẹp, tâm lý bầy đàn, văn hóa hủy bỏ”. Ngoài ra, đây cũng là nơi dung túng các hành vi không phù hợp như xúc phạm phụ nữ và suy nghĩ lệch lạc. “Những người tôi biết ngoài đời thực cũng bắt đầu có những hành động khác với họ sau khi tham gia ứng dụng. Điều đó làm tình bạn của chúng tôi trở nên căng thẳng”, cô kể.
Martin Poon, 15 tuổi, cũng chán TikTok nhưng thừa nhận rất khó bỏ ứng dụng. “Mọi người đều sử dụng, vì vậy tôi nghĩ mình cũng nên dùng để biết và là người đầu tiên biết mọi thứ đang xảy ra”, Poon nói.
Giới chuyên gia từ lâu lo ngại về tác động của TikTok đối với sức khỏe tâm thần của giới trẻ. Một nghiên cứu do Trung tâm phi lợi nhuận chống lại sự căm ghét kỹ thuật số (CCDH) công bố cuối năm ngoái cho thấy, ứng dụng của ByteDance có thể hiển thị nội dung có hại liên quan đến tự tử và rối loạn ăn uống chỉ trong vòng vài phút sau khi tạo tài khoản.
Trước áp lực ngày càng tăng, TikTok gần đây ra quy định mới, trong đó giới hạn thời gian sử dụng ứng dụng một giờ mỗi ngày đối người dùng dưới 18 tuổi. Dù vậy, tính năng này dễ dàng bị loại bỏ thông qua bước cài đặt tài khoản.
Anderson cho biết TikTok có một số mặt tích cực, như những cuộc trò chuyện cởi mở về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, cô vui mừng khi ứng dụng không còn truy cập được. “Việc đi vào giấc ngủ trở nên dễ dàng hơn”, cô nhớ lại khi đó.
Còn với Poon và người bạn Ava Chan, sự biến mất của TikTok khơi dậy những khởi đầu mới. Cả hai bắt đầu tham gia các buổi học trực tuyến và nhiều thứ lành mạnh hơn. “Chúng tôi phải tìm cách quản lý thời gian của mình khi không còn TikTok. Khám phá mọi thứ là đam mê chung của chúng tôi”, Chan chia sẻ.
Cả hai cũng thành lập một câu lạc bộ ở trường nơi mình theo học, với mục tiêu chia sẻ kiến thức, nhận thức về tác hại của nền tảng trực tuyến, cũng như tham gia vào hoạt động tình nguyện. Giờ đây, bạn bè của họ, trước đây dành thời gian quay video và xem TikTok, giờ cũng trò chuyện trực tiếp cởi mở hơn, tham gia nhiều hoạt động ngoài trời hơn.
Dù vậy, vẫn có những nền tảng gây nghiện khác như Reels hay Short đang tồn tại ở Hong Kong, khiến một bộ phận giới trẻ chuyển sang sau khi TikTok rời đi. “Mọi người đang tìm đến các nền tảng khác, mọi thứ cứ tiếp tục”, Anderson nói.
Bảo Lâm (theo CNN)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/hong-kong-thanh-pho-khong-tiktok-4591468.html