6h sáng 6/5, khuôn viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội đông đúc phụ huynh và thí sinh. Nhiều em tranh thủ ăn sáng hay lấy sách vở ra đọc bài, chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực, trong khi một số phụ huynh ở tỉnh khác xách theo balo đưa con đi tìm khu vực thi.
Di chuyển 75 km từ huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc, xuống Hà Nội từ 4h sáng, Phùng Nguyễn Bảo Châu, học sinh lớp 12 trường THPT Sáng Sơn 2, tỏ ra hồi hộp.
“Em mất ngủ mấy hôm nay. Đây là kỳ thi quan trọng giúp em nâng cao khả năng trúng tuyển”, Châu nói, cho biết đã “ấp ủ giấc mơ Sư phạm” từ nhỏ do bố mẹ đều là giáo viên. Do kỳ thi trùng với kỳ khảo sát ở trường, Châu cùng một số bạn phải làm đơn gửi ban giám hiệu xin bỏ một buổi để được dự thi.
Đăng ký hai môn Ngữ văn và Lịch sử để xét tuyển vào ngành Sư phạm Ngữ văn, Châu cho biết đã luyện rất nhiều đề, từ đề thi tốt nghiệp THPT các năm đến đề tham khảo do Đại học Sư phạm Hà Nội công bố, nhằm củng cố kiến thức.
Đăng ký thi ba môn Toán, Vật lý và Hoá học để xét tuyển vào ngành Sư phạm Toán, Ngọc Diệp, học sinh lớp 12 trường THPT Gia Thuỷ, Nam Định, cũng mất ngủ vì lo lắng.
Đi từ 3h sáng và có mặt ở điểm thi sau đó hai tiếng, Diệp tranh thủ ăn nhẹ, ngồi ôn lại kiến thức trước khi vào ca thi đầu tiên lúc 7h.
Cả Châu và Diệp đều hy vọng đây là cánh cửa lớn để đặt chân vào Sư phạm, giảm áp lực từ kỳ thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 6 tới.
Kỳ thi đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm Hà Nội gồm 8 môn thi: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Trong đó, đề Ngữ văn có 30% câu hỏi dạng trắc nghiệm và 70% tự luận, trong khi các môn khác là 70% trắc nghiệm, 30% tự luận.
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết với phần trắc nghiệm, đề có rất ít câu hỏi nhận biết – mức thấp nhất trong các thang đánh giá mà chủ yếu ở mức thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Với tự luận, nhà trường hy vọng đây là cơ sở đầu tiên đánh giá thí sinh có khả năng diễn đạt cho người khác hiểu hay không. “Đây là tố chất giáo viên cần có”, ông Minh nói.
Nguyễn Tiến Việt, học sinh trường THPT Yên Mô A, Ninh Bình nói lo lắng vì cấu trúc đề thi này khác với đề tốt nghiệp THPT, thậm chí khó hơn. Trong khi đó, ở trường, các em đã quen ôn luyện và thi dạng đề trắc nghiệm 100%.
Dự định đăng ký vào hai ngành có điểm chuẩn cao và tỷ lệ cạnh tranh lớn là Sư phạm Toán và Công nghệ thông tin, Việt mong những kiến thức bản thân cùng một chút may mắn sẽ giúp em trúng tuyển đại học sớm.
Năm thứ hai tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, trường Đại học Sư phạm Hà Nội ghi nhận gần 4.700 thí sinh đăng ký, gấp đôi so với năm đầu tiên. 166 phòng thi đã được bố trí tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hai phòng thi tại Đại học Quy Nhơn (Bình Định).
Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ công bố kết quả thi đánh giá năng lực vào đầu tháng 6. Ngoài trường này, 7 trường khác cũng sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển, gồm Đại học Sư phạm TP HCM; các trường Sư phạm thuộc Đại học Huế, Thái Nguyên, Đà Nẵng; trường Đại học Vinh (Nghệ An), Sư phạm Hà Nội 2 (Vĩnh Phúc) và Đại học Quy Nhơn.
Riêng với Đại học Sư phạm Hà Nội, thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực phải có hạnh kiểm tất cả học kỳ từ loại khá và điểm trung bình chung của 5 học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12) từ 6,5 trở lên.
Điểm xét tuyển từng ngành dựa vào kết quả thi hai môn (đã nhân hệ số và cộng điểm ưu tiên). Với các ngành có thi năng khiếu, trường xét theo tổng điểm môn thi năng khiếu và thi đánh giá năng lực.
Ngoài xét tuyển theo điểm thi đánh giá năng lực, Đại học Sư phạm Hà Nội sử dụng bốn phương thức khác, gồm xét tuyển thẳng, dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, dựa vào học bạ THPT, xét kết hợp học bạ và kết quả thi năng khiếu vào một số ngành. Tổng chỉ tiêu khoảng 7.000.
Chỉ tiêu xét kết quả thi đánh giá năng lực vào Đại học Sư phạm Hà Nội
Dương Tâm – Đức Vũ
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/hon-4-600-thi-sinh-do-ve-ha-noi-thi-su-pham-4601619.html