Các hồ sơ tham gia cuộc thi trải đều trên các lĩnh vực có tính ứng dụng rộng như y sinh – hóa sinh, công nghệ, nông nghiệp, môi trường và vật liệu mới. Thí sinh đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước trong đó tỷ lệ lớn đến từ Hà Nội, Điện Biên, TP HCM, Hải Phòng, Nghệ An, Ninh Thuận, Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình…
Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trẻ và sinh viên từ các trường, đại học trong cả nước. Các dự án nổi bật với hàm lượng khoa học cao, có thể kể đến như Hợp chất Curcumin trên nền vật liệu MOF ứng dụng trong lĩnh vực y sinh từ nhóm Vật liệu Hóa, Sinh và Môi trường. Nhiều sản phẩm, giải pháp có tính ứng dụng thực tiễn cao như hệ thống xử lý nước thải mới cho trang trại nuôi tôm hay chữa bệnh ngoài da bằng vỏ cây núc nác…
Điểm đặc biệt, năm nay có nhiều tác giả là những nhà sáng chế không chuyên đến từ các địa phương, mang theo với nhiều giải pháp, sáng kiến phục vụ cuộc sống. Trong số này có thể kể đến dự án “Sản xuất tơ sợi từ lá cây lưỡi hổ để làm tóc giả” của học sinh Trần Thị Quỳnh, Mường Nhé, Điện Biên. Tơ sợi tự nhiên từ lá cây lưỡi hổ có thể dùng làm tóc giả, có độ bền cao, màu sắc đa dạng, khả năng chịu nhiệt tốt nên có thể dễ dàng thay đổi kiểu dáng. Hay một dự án “Tưới phun tự động có ứng dụng cảm biến độ ẩm đất và nhiệt” trong nông nghiệp áp dụng 4.0 được sáng chế phù hợp với điều kiện canh tác, khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Từ ngày 10 – 14/3, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng kiến Khoa học (Creative Science Contest) năm 2023 sẽ sàng lọc hồ sơ hợp lệ để bước vào vòng 2 – vòng sơ loại (diễn ra từ ngày 14/3/- 31/3). Các hồ sơ được duyệt vào vòng bình chọn sẽ được đăng tải trên trang của cuộc thi.
Ở vòng này, độc giả VnExpress sẽ bình chọn cho sản phẩm/giải pháp mà mình yêu thích và đánh giá cao. Ban tổ chức và Ban giám khảo sẽ chấm điểm, chọn bài thi vào vòng chung kết. Điểm xét vào chung kết của mỗi dự án gồm điểm bình chọn và điểm đánh giá của giám khảo. Trong đó 40% bình chọn của độc giả và 60% điểm Ban giám khảo.
Cuộc thi Sáng kiến Khoa học với 4 giai đoạn: Vòng nhận hồ sơ, sơ loại, chung kết và lễ trao giải. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào tháng 5. Năm nay giải thưởng được nâng lên 300 triệu đồng. Trong đó, giải đặc biệt 100 triệu đồng, giải nhất 70 triệu đồng, giải nhì 50 triệu đồng, giải ba 30 triệu đồng cùng giải khuyến khích 20 triệu đồng. Đặc biệt cuộc thi có thêm hạng mục “Giải sáng kiến” được trao cho sản phẩm, sáng kiến đặc biệt phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, miền núi trị giá 30 triệu đồng.
Toàn bộ tiền giải thưởng do Quỹ Hy vọng (Hope Foundation) tài trợ. Đây là quỹ xã hội – từ thiện hoạt động vì cộng đồng, không lợi nhuận, được vận hành bởi Báo VnExpress và Công ty cổ phần FPT. Quỹ theo đuổi hai mục tiêu: hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Một trong các hoạt động của quỹ là thúc đẩy ứng dụng công nghệ, trang bị công cụ phát triển bền vững cho các cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là trang bị tri thức thông qua giáo dục.
Ngoài phần thưởng tiền mặt, các tác giả dự thi còn có các lợi ích khác như cơ hội được truyền thông trên các nền tảng của Báo điện tử VnExpress, được kết nối tới các đối tác quan tâm để phát triển, hoàn thiện, kinh doanh sản phẩm.
VnExpress tổ chức cuộc thi nhằm tạo sân chơi cho những người yêu khoa học, công nghệ; hướng tới các nhà khoa học chuyên và không chuyên tuổi dưới 40, để tìm kiếm những sáng kiến, giải pháp, kết nối đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ của khoa học và công nghệ. Chương trình tổ chức nhằm khuyến khích phong trào nghiên cứu khoa học, tạo động lực cho việc phát triển và ứng dụng các sáng kiến phục vụ đời sống.
Như Quỳnh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/hon-130-du-an-tham-gia-cuoc-thi-sang-kien-khoa-hoc-2023-4579720.html