Bạn đang xem bài viết Hội chứng thận hư là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Hội chứng thận hư là một bệnh lý nguy hiểm, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở trẻ em. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị hội chứng thận hư nhé!
Hội chứng thận hư là gì?
Hội chứng thận hư hay còn gọi bệnh thận hư là một rối loạn thận gây ra bài tiết quá nhiều protein trong nước tiểu. Bệnh có thể xảy ra ở mọi giới tính và lứa tuổi nhưng phổ biến ở trẻ em. Hội chứng thận hư gây sưng (phù), đặc biệt là ở bàn chân và mắt cá chân.
Nếu bệnh nhân mắc hội chứng thận hư không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, tắc mạch, đặc biệt là suy thận.
Nguyên nhân bị hội chứng thận hư
Do tổn thương của các vi mạch máu nhỏ của thận (cầu thận). Các cầu thận sẽ lọc máu và có nhiệm vụ tách các chất mà cơ thể cần. Khi các cầu thận bị tổn thương, cho phép quá nhiều protein trong máu bài tiết vào nước tiểu, dẫn đến hội chứng thận hư.
Các nguyên nhân có thể gây ra tình trạng trên như
- Tổn thương màng lọc cầu thận (nephron) ngoại sinh: do hậu nhiễm virus, ký sinh trùng, dùng thuốc… hoặc do nội sinh như bệnh tự miễn (SLE) dẫn đến suy giảm chức năng thận
- Bệnh đái tháo đường: Do lượng đường trong máu cao, lâu ngày ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng thận.
- Bệnh cầu thận sang thương tối thiểu: Có thể tự phát (cơ địa) hoặc sau dùng thuốc – đặc biệt nhóm NSAIDs (thuốc chống viêm không steroid), xảy ra chủ yếu ở trẻ em. Bệnh thường lành tính, ít khả năng tiến triển bệnh thận mạn.
- Xơ hóa cầu thận từng phần (FSGS): là nguyên nhân gây nên hội chứng suy thận ở trẻ em và người lớn.
- Lupus ban đỏ hệ thống: Đây là một bệnh tự miễn mạn tính gây tổn thương hầu hết các cơ quan trong cơ thể.
- Bệnh amyloidosis (Bệnh thoái hóa do tinh bột): là các rối loạn bởi một số protein bất thường không tan tích tụ tại các cơ quan điển hình như thận, làm hỏng hệ thống lọc của thận.
Triệu chứng của hội chứng thận hư
Người mắc hội chứng thận hư có thể gặp những tình trạng như sau
- Phù: toàn thân, quanh mắt, chân, đặc biệt là bàn chân và mắt cá chân, bụng căng phù, phù mặt. Tình trạng này xảy ra là do giảm protein máu dẫn tới giảm sức kéo và giữ nước từ các mô kẽ vào trong lòng mạch, gây ứ nước ở mô kẽ dẫn đến phù.
- Tiểu ít, đi tiểu thấy xuất hiện có bọt. Protein dư thừa trong nước tiểu dẫn đến nước tiểu đục hơn và có bọt.
- Tăng cân do ứ nước.
- Cơ thể thường xuyên mệt mỏi, ăn kém, ăn không ngon, da xanh xao do protein trong máu thấp.
- Tăng huyết áp do tình trạng ứ nước và muối trong cơ thể.
Biến chứng nguy hiểm
Nhiễm trùng: Do trong quá trình điều trị thận hư cần sử dụng thuốc ức chế miễn dịch lâu ngày dễ gây nhiễm trùng. Protein đặc biệt giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng bị mất đi ở các bệnh nhân mắc hội chứng thận hư dẫn đến dễ nhiễm trùng, nhất là đối với trẻ em.
Thuyên tắc huyết khối: Tiểu cầu thận không thể lọc máu đúng cách làm tăng nguy cơ phát triển cục máu đông trong tĩnh mạch. Những protein đóng vai trò ngăn chặn sự hình thành cục máu đông trong cơ thể có khả năng bị thất thoát qua nước tiểu ở bệnh nhân bị hội chứng thận hư dẫn đến tăng nguy cơ gây ra cục máu đông, rất nguy hiểm đối với sức khỏe tim mạch.
Suy dinh dưỡng: Mất quá nhiều protein trong máu có thể dẫn đến suy dinh dưỡng. Tình trạng này gây giảm cân nghiêm trọng khó nhận ra bởi cơ thể bị phù. Ngoài ra, cơ thể cũng có thể bị suy giảm số lượng tế bào hồng cầu (thiếu máu), vitamin D và canxi.
Tổn thương thận cấp tính – suy giảm chức năng thận đột ngột: Nếu gặp biến chứng này bạn cần phải chạy thận nhân tạo.
Bệnh thận mạn: Hội chứng thận hư có thể khiến thận của bạn mất chức năng theo thời gian.
Tăng cao cholesterol máu và triglyceride máu.
Sự ứ dịch còn có thể gây ra các biến chứng: khó thở (tràn dịch màng phổi hoặc phù thanh quản), đau khớp (tràn dịch khớp), đau bụng (cổ trướng hoặc phù nề mạc treo ở trẻ em) và rối loạn điện giải.
Cách chẩn đoán bệnh
Bác sĩ sẽ khám lâm sàng và xem xét các dấu hiệu của bệnh. Sau đó sẽ tiến hành hỏi triệu chứng, tiền sử bệnh, tiền sử dùng thuốc của bệnh nhân.
Một số xét nghiệm quan trọng trong việc chẩn đoán hội chứng thận hư là
- Xét nghiệm nước tiểu: nhằm xác định protein niệu. Lượng protein thông thường dưới 150 mg/ngày, lượng protein trong nước tiểu tăng đột biến khoảng 3 g protein được thu thập trong 24 giờ là dấu hiệu của hội chứng thận hư.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm giúp đánh giá mức độ nặng và biến chứng của bệnh. Một số chỉ số còn giúp xác định nguyên nhân của bệnh.
- Sinh thiết thận: bác sĩ sẽ tiến hành lấy một mẫu mô nhỏ ở thận để quan sát dưới kính hiển vi nhằm phát hiện các tổn thương hoặc tình trạng bệnh lý ở thận.
Tiêu chuẩn chẩn đoán Hội chứng thận hư:
- Protein niệu cao hơn 3,5g/24h.
- Protein trong máu thấp hơn 60g/l kèm theo Albumin máu nhỏ hơn 30g/l.
- Phù.
- Tăng cholesterol máu từ 6,5 mmol/lít trở lên.
- Có hạt mỡ lưỡng chiết, trụ mỡ xuất hiện trong nước tiểu
Tiêu chuẩn 1 và 2 là bắt buộc trong chẩn đoán hội chứng thận hư. Những tiêu chuẩn còn lại có thể không đầy đủ.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Khi bạn có các triệu chứng sau đây thì đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và chữa trị để tránh các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là suy thận:
- Phù (đặc biệt ở mắt cá chân).
- Tiểu ít (nước tiểu có bọt).
- Tăng cân do ứ nước.
- Tăng huyết áp.
- Mệt mỏi.
- Ăn kém, da xanh xao.
Nơi khám chữa bệnh thận uy tín
- Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Bình dân, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
- Hà Nội: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Các cách điều trị hội chứng thận hư
Trong chế độ ăn phải hạn chế muối và nước khi bị phù nhiều. Thuốc đặc hiệu điều trị hội chứng thận hư nguyên phát là corticoid. Kết hợp dùng các thuốc khác theo chỉ định bác sĩ như:
- Thuốc huyết áp: giúp làm giảm huyết áp và lượng protein thải ra trong nước tiểu.
- Thuốc lợi tiểu: giúp giảm phù bằng cách tăng thải chất lỏng qua thận.
- Thuốc giảm cholesterol: giảm mức cholesterol giúp tránh các cơn đau tim và giảm nguy cơ tử vong.
- Thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông máu): giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
- Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch: chẳng hạn như corticosteroid, làm giảm tình trạng viêm.
- Thuốc kháng sinh: dùng khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn.
- Người bệnh sẽ bù protein cho mình thông qua thức ăn. Nhu cầu một người bình thường mỗi ngày cần ăn khoảng 200g thịt nạc, bệnh nhân khi điều trị hội chứng thận hư cần bổ sung khoảng 300g/ngày.
- Truyền plasma và albumin khi xét nghiệm albumin máu dưới 10g/l)
Biện pháp phòng ngừa hội chứng thận hư
Hội chứng thận hư không có biện pháp phòng mang tính phòng ngừa thật sự, bạn nên chú ý các điểm sau:
- Chủ yếu quản lý – điều trị tốt bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường.
- Chú ý những thuốc đang dùng, không lạm dụng các thuốc giảm đau, kháng viêm.
- Đảm bảo tiêm ngừa, hoặc có kháng thể đầy đủ với các loại virus viêm gan B, C.
Hãy kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện các dấu hiệu của bệnh
Xem thêm
- Cảnh báo 16 dấu hiệu suy thận có thể bạn chưa biết
- Suy thận mãn
- Suy thận cấp tính
Nguồn: America Kidney Fund, Mayoclinic, Cleveland Clinic.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Hội chứng thận hư là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.