Hơn một tuần trước, Nguyễn Dương Mai Hương, lớp 10A4 trường THPT Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội), hoàn thành bài kiểm tra học kỳ I môn Văn. Ngữ liệu được sử dụng là phần giới thiệu về UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc) tại Việt Nam, được lấy từ website của tổ chức này. Phần Đọc Hiểu gồm 7 câu trắc nghiệm, tổng 3,5 điểm.
Nữ sinh đánh giá đề thi mới mẻ khi có phần trắc nghiệm. Hương không mất nhiều thời gian ôn tập vì “không phải học thuộc”, chủ yếu học cách tìm chi tiết trong ngữ liệu để trả lời câu hỏi. “Em thích đề kiểm tra kiểu mới thế này hơn dạng chỉ gồm nghị luận văn học, nghị luận xã hội, lại toàn văn bản trong sách giáo khoa”, Hương nói.
Đề kiểm tra Văn hết học kỳ I không có phần trắc nghiệm nhưng Nguyễn Hồ Quỳnh Như, lớp 10 Toán, trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP HCM), vẫn hào hứng vì được tiếp cận ngữ liệu mới, không phải thuộc lòng. Thay vào đó, em dành thời gian luyện viết, đọc hiểu.
Đề Văn hết học kỳ I của trường Như dùng bài thơ “Mùa hạ đi đâu” của nhà thơ Hữu Thỉnh, thời gian làm bài 90 phút. Các câu hỏi ở đọc hiểu, nghị luận văn học, xã hội đều sử dụng chất liệu từ tác phẩm này. Dù làm bài chưa như ý, Như vẫn mong giáo viên tiếp tục giữ cách ra đề này.
2022 là năm đầu tiên chương trình mới áp dụng với bậc THPT, bắt đầu từ lớp 10. Thời điểm này, đa số trường THPT đã hoàn thành kiểm tra học kỳ I. Trong khi học sinh hào hứng với đề thi Văn có phần trắc nghiệm, ngữ liệu mới, giáo viên gặp áp lực với yêu cầu đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá. Cô Nguyễn Trần Hạnh Nguyên, Tổ trưởng Ngữ văn, trường THPT Trưng Vương (TP HCM), cho biết đã chuẩn bị tinh thần “nghe góp ý nếu đề thi bị chê trách”.
Trước năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo giáo viên sử dụng ngữ liệu mới trong luyện tập và kiểm tra môn Văn. Việc này nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc chép văn mẫu; giúp giáo viên đánh giá chính xác năng lực của các em. Song, theo cô Nguyên, giáo viên chưa được tập huấn hay hướng dẫn cụ thể việc ra đề theo chương trình mới, “phải tự mò mẫm làm theo kinh nghiệm”.
Với việc chọn ngữ liệu, cô Quyên, giáo viên Ngữ văn tại một trường THPT không chuyên ở ngoại thành Hà Nội, gặp khó khăn khi tìm văn bản ngoài sách giáo khoa cho học sinh ôn luyện, kiểm tra. Theo cô giáo 15 năm kinh nghiệm, hiện chưa có nguồn chuẩn hay một kho ngữ liệu đảm bảo chất lượng, nên các giáo viên chủ yếu dựa vào các sách bổ trợ, nâng cao hoặc chủ động trao đổi tài liệu với nhau. “Ngữ liệu chưa có sự chuẩn hóa, nhiều câu hỏi cũng khiến giáo viên tranh luận xem đáp án nào đúng. Do đó, chọn ngữ liệu ra sao là thách thức”, cô Quyên nói.
Còn cô Hạnh Nguyên nhận định nếu chọn một văn bản quen thuộc, giáo viên có thể bị đánh giá không đổi mới, nhàm chán, nhưng ngữ liệu quá mới lại khiến học sinh “ngộp”, thấy đuối ngay khi đọc. Đề kiểm tra hết học kỳ I môn Văn lớp 10, trường THPT Trưng Vương chọn bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên làm ngữ liệu. Tác phẩm này không thuộc chương trình lớp 10, nhưng nằm trong sách giáo khoa lớp 8. Theo cô Nguyên, việc chọn ngữ liệu “vừa lạ vừa quen” này, trường mong có thể giảm lo lắng của học sinh, đồng thời khơi gợi hứng thú của các em về chương trình mới.
Ở phần Đọc Hiểu, một số trường sử dụng 4-6 câu hỏi trắc nghiệm. Việc thiết kế câu hỏi và các đáp án trắc nghiệm cũng không phải nhiệm vụ dễ dàng, theo nhiều nhà giáo.
Trả lời VnExpress hồi đầu tháng 11, PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt – Ngữ Văn, bộ sách Kết nối Tri thức với cuộc sống, cho rằng để đánh giá và phân loại chính xác năng lực, đề trắc nghiệm phải làm tốt cả những phương án “mồi nhử”. Tuy nhiên, theo ông Hùng, các câu hỏi trắc nghiệm hầu hết do giáo viên tự thiết kế và chưa được thử nghiệm theo đúng quy trình thiết kế dạng câu hỏi này. Các câu hỏi thường chứa phương án sai hiển nhiên hoặc đúng hiển nhiên, gần như “cho không” điểm học sinh mà chưa đặt ra yêu cầu về tư duy với các em.
Đổi mới đề thi đặt ra yêu cầu thay đổi cách chấm. Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng Ngữ văn, trường THPT chuyên Lê Văn Chánh (Phú Yên), cho rằng đáp án cần “mở”, tạo điều kiện cho học sinh thể hiện năng lực, sự sáng tạo chứ không nên quá tỉ mỉ theo từng ý hay “gò” giáo viên vào “khuôn”. “Khi chấm bài, giáo viên cũng không nên quá máy móc, khắt khe, cần phải mở lòng chấp nhận những câu văn ngô nghê, non nớt nhưng là sản phẩm sáng tạo thực sự của chính các em”, thầy Minh nói.
Cùng quan điểm, cô Hạnh Nguyên yêu cầu giáo viên khi chấm bài cần chú trọng phát hiện sự vận dụng kỹ năng của học sinh, tôn trọng những cách hiểu khác nhau, miễn các em lý giải vấn đề một cách hợp lý, không lệch chuẩn, hướng đến giá trị tích cực, phù hợp với lứa tuổi. Trước đây, phần nghị luận văn học luôn có điểm cho nội dung về tác giả, tác phẩm nhưng khi ra đề theo hướng mới, ngữ liệu mới, thầy cô cũng bỏ yêu cầu này trong đáp án.
Để thực hiện tốt chương trình mới với môn Văn, thầy Phạm Sỹ Cường, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng giáo viên cần trang bị tốt kiến thức lý luận văn học, đặc biệt là lý luận về thể loại, do trục chương trình môn Văn được thiết kế theo hướng này. Khi đó, giáo viên sẽ cấu trúc đề tốt hơn.
Với việc chọn ngữ liệu, thầy Cường nói cần cố gắng chọn những văn bản có tính thời sự nhưng gần gũi, thiết thực với học sinh, không nên quá hàn lâm. “Nhìn chung, không có giải pháp nào tốt hơn việc giáo viên cần tự đọc, học hỏi, tham khảo đồng nghiệp, tăng cường chia sẻ chuyên môn”, thầy Cường nói.
Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh nhận định việc kiểm tra theo hướng mới khiến cả thầy và trò không tránh khỏi khó khăn, bỡ ngỡ nhưng cũng tạo được nhiều hứng thú cho học sinh, bởi các em không phải học thuộc như trước, từ đó tạo môi trường để học sinh phát huy tính sáng tạo.
Lê Quốc Huy, lớp 10A1 trường THPT C Phủ Lý (Hà Nam), sẽ kiểm tra học kỳ môn Văn vào ngày 6/1. Đọc những đề kiểm tra “kiểu mới” trên mạng, Huy hào hứng và mong được làm đề thi với cấu trúc tương tự. “Các đề kiểm tra Văn trước đây gắn với sách và các bài văn mẫu, khiến em khá sợ Văn. Nếu được kiểm tra theo dạng đề mới, việc học với em sẽ dễ dàng và hứng khởi hơn”, Huy nói.
Thanh Hằng – Lam Thanh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/hoc-tro-hao-hung-voi-de-thi-van-kieu-moi-4554149.html