Bộ ảnh được lan truyền trên mạng cách đây vài hôm, thu hút hàng nghìn lượt yêu thích và chia sẻ.
Trong ảnh, học sinh lớp 12 chuyên Văn-Sử-Địa, trường THPT chuyên Nguyễn Du, TP Buôn Ma Thuột, hóa thân thành các nhân vật trong 11 tác phẩm văn học và điện ảnh, gồm Truyện Kiều, Vợ chồng A Phủ, Chí Phèo, Số đỏ, Vợ nhặt, Tắt đèn, Tấm Cám, Mắt biếc,Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Em và Trịnh và Cô ba Sài Gòn.
Huỳnh Nguyễn Gia Huyên, lớp trưởng, cho biết bộ ảnh được lên ý tưởng từ năm ngoái với mục đích ghi lại kỷ niệm tuổi học trò, cũng là món quà dành tặng cô giáo chủ nhiệm – người truyền cảm hứng và niềm đam mê văn học cho các em. Thời gian từ khi các em bắt tay vào thực hiện đến khi hoàn thành là 4 tháng.
“Chúng em không ngờ lại được đón nhận như vậy. Ngoài vài ý kiến chê diễn viên không xinh như nhân vật, phần lớn yêu thích và bình luận tích cực. Ai cũng rất vui và có kỷ niệm đáng nhớ”, Huyên nói.
Theo Huyên, vì là lớp chuyên khối xã hội, trong quá trình học, các em được tiếp xúc, nghiên cứu sâu về nhiều tác phẩm văn học, kịch. Ngoài hình thức phổ biến là thuyết trình, học sinh cũng thường lên kịch bản, biểu diễn một số tác phẩm.
Tháng 12 năm ngoái, cả lớp bàn bạc và thống nhất về ý tưởng của bộ ảnh kỷ yếu rồi lên kịch bản, phân vai và chuẩn bị trang phục.
Sau khi thi hết học kỳ I và chuẩn bị nghỉ Tết, bộ ảnh được bấm máy. Huyên cho hay lúc đầu cả lớp tính chọn 5-6 tác phẩm nhưng vì có tới 37 thành viên nên quyết định tăng lên 11. Danh sách truyện và những tác phẩm điện ảnh cũng như vai trò của từng thành viên được ban đại diện lớp đề xuất rồi lấy ý kiến.
Việc phân vai dựa trên vóc dáng, thần thái của từng bạn, nếu ai đó thấy không hợp lý thì sẽ điều chỉnh. Tiếp đó, cả lớp chọn ra một vài cảnh điển hình ở mỗi tác phẩm, như truyện Kiều có cảnh Thúy Kiều, Thúy Vân du xuân; Thúy Kiều, Thúy Vân gặp Kim Trọng; hai chị em trao duyên hay Thúy Kiều hầu trà Hoạn Thư… Mỗi bạn nữ xuất hiện ở một cảnh, riêng 8 bạn nam sẽ thay nhau đóng 2-3 cảnh.
Cả lớp cũng tính đến việc bộ ảnh có thể được chia sẻ trên mạng nên một số nhân vật được biến tấu nhằm đảm bảo sự chỉn chu về ngoại hình. Chẳng hạn với nhân vật Thị Nở, bạn nữ đảm nhận vai này ưa nhìn, không bôi răng đen hay hóa trang xấu xí như hình tượng quen thuộc về nhân vật này.
Khó khăn nhất là khâu chuẩn bị trang phục sao cho phù hợp với bối cảnh của tác phẩm.
“TP Buôn Ma Thuột cũng ít dịch vụ này nên khó tìm được đồ như mong muốn, đôi khi chỉ mang tính chất minh họa. Vì thế, tác phẩm lên ảnh cũng không hoàn toàn giống ý tưởng ban đầu của chúng em”, Huyên cho hay.
Cuối cùng, cả lớp dành một ngày để chụp, chọn ba địa điểm gần nhau để tiện cho việc di chuyển, gồm làng cà phê, biệt điện Bảo Đại, cánh đồng và nhà sàn ở xã Ea Kao.
“Mới đầu các bạn cũng ngượng trước ống kính. Tuy nhiên, ai cũng hiểu thời gian gấp gáp, không thể chụp đi chụp lại nên hợp tác và hào hứng”, Huyên nói, cho biết vất vả nhất khi chụp phân cảnh tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Vì không tìm được bối cảnh là đồng cỏ nên các em phải chọn một ruộng lúa có thể lội xuống được.
“Ảnh chụp vào giữa trưa nắng, nước ruộng nóng bỏng. Các diễn viên cũng sợ đỉa nhưng phải cố vì đã nhận vai thì phải có trách nhiệm”, Huyên chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Tăng, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Văn-Sử-Địa, nói ủng hộ khi học trò nêu ý tưởng về bộ ảnh kỷ yếu mang màu sắc chuyên Văn. Cô gợi ý các em nên chọn những nhân vật, tác phẩm văn học có tác động tích cực tới đời sống, suy nghĩ của mình, tránh những chi tiết phản cảm.
Theo cô Tăng, học sinh nên được quyền sáng tạo, tiếp nhận tác phẩm theo tư duy của mình, miễn không ngược lại với giá trị của tác phẩm hay chuẩn mực đạo đức xã hội. Việc hóa thân vào nhân vật trong các tác phẩm văn học hoặc bộ phim nổi tiếng không tránh khỏi ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, đây cũng là cách học Văn hiệu quả, đưa tác phẩm gần gũi với đời sống hơn.
Ngắm nhìn món quà của học trò sau khi hoàn thành, cô cảm nhận sâu sắc tình cảm của các em dành cho mình. Cô Tăng cho rằng bộ ảnh được đón nhận vì lạ, không đi theo lối mòn, đúng chất học sinh chuyên Văn và cho thấy mối quan hệ giữa văn học với đời sống; giữa văn học và tâm hồn trẻ con gần gũi, thiết thực chứ không xa rời, sách vở như người lớn nghĩ.
Lúc đầu, cô lăn tăn về việc nam sinh vào vai Trịnh Công Sơn trong bộ phim Em và Trịnh cầm điếu thuốc, cho rằng không phù hợp với học sinh. Nhưng xét về tổng thể, cô thấy việc tái hiện này phản ánh đúng thói quen của nhạc sĩ.
“Tôi hài lòng với kỷ yếu này vì đúng như kỳ vọng. Các bạn thông minh, dám có ý tưởng, dám làm và được phụ huynh cùng giáo viên ủng hộ”, cô Tăng nói.
Bình Minh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/hoc-sinh-hoa-than-thanh-chi-pheo-tam-cam-trong-anh-ky-yeu-4611614.html