Sáng 23/12, trường Phổ thông liên cấp Olympia (quận Nam Từ Liêm) nhộn nhịp học sinh, phụ huynh tham gia trải nghiệm dự án “Nếp nhà xưa và nay”. Nhiều trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố, ném vòng, đi cà kheo, ô ăn quan được tổ chức ngay tại khuôn viên trường.
Sau khi chơi kéo co, Uông Gia Phong, học sinh lớp 5 H4, ngồi bệt trên sân trường để chơi ô ăn quan cùng bạn. “Con rất hào hứng, các trò chơi ngày xưa rất hay”, Phong nói.
Ngoài trải nghiệm các trò chơi, học sinh còn thuyết trình về các nét văn hóa xưa và nay. Nguyễn Đặng Đức An, lớp 5 H1, chọn đề tài về bữa cơm gia đình. An cho rằng bữa cơm tối là nét văn hóa cần được gìn giữ, bởi đây khoảng thời gian các thành viên tụ họp, chia sẻ với nhau nhiều điều sau một ngày học tập và làm việc.
“Nếp nhà xưa và nay” là dự án do hơn 100 học sinh khối 5, trường Phổ thông liên cấp Olympia, thực hiện để lấy điểm học kỳ môn Tiếng Việt và Tin học. Đây là lần đầu tiên, việc này diễn ra với quy mô cả khối ở trường học này. Trước đó, ở một số trường ngoài công lập khác, việc đánh giá về học tập bằng dự án thay cho bài kiểm tra cuối kỳ thường diễn ra với học sinh khối 8, 9.
Cô Nguyễn Thị Huệ, giáo viên Tiếng Việt và là người phụ trách dự án, cho biết ý tưởng thực hiện “Nếp nhà xưa và nay” xuất phát từ đề nghị của học sinh. Cô từng nhận được thắc mắc của học trò, rằng các em không biết về cuộc sống trước kia của ông bà, bố mẹ, nên không hiểu tại sao phải thực hiện một số nề nếp trong gia đình.
“Tôi và đồng nghiệp thấy đúng thật và nghĩ về một dự án liên quan văn hóa cổ truyền. Sau khi khảo sát hơn 100 học sinh lớp 5, các bạn đồng ý nhiệt tình”, cô Huệ nói.
Dự án “Nếp nhà xưa và nay” diễn ra trong sáu tuần, học sinh lên ý tưởng về các hoạt động và làm việc nhóm. Trong vai trò là ban giám khảo, thầy cô sẽ tuyển chọn và phân công học sinh vào các nhiệm vụ phù hợp, dựa trên năng lực, nguyện vọng của các em như thuyết trình, MC, thiết kế, tổ chức đạo cụ.
Các em cũng được hướng dẫn sử dụng Scratch – ngôn ngữ lập trình dựa trên nguyên lý kéo – thả, dành cho học sinh 8-16 tuổi để thiết kế trò chơi hỏi đáp về kiến thức văn hóa dân gian. “Ban đầu, chúng tôi cũng băn khoăn. Nhưng sau buổi tư vấn của giáo viên Tin học, các bạn thực hiện quá tốt, sản phẩm vượt mong đợi”, cô Huệ chia sẻ.
Hiện các trường công lập đánh giá kết quả học tập của học sinh khối 5 thông qua các bài kiểm tra vào cuối mỗi học kỳ, theo thông tư 22 năm 2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cô Huệ cho rằng việc xây dựng một đề kiểm tra học kỳ không phức tạp, nhưng việc học và kiểm tra qua các dự án thực tế giúp học sinh phát triển nhiều kỹ năng hơn. “Trong 6 tuần đồng hành cùng học trò, tôi và đồng nghiệp nhiều ngày thức đêm, lao tâm khổ tứ, nhưng cái gì cũng có giá của nó”, cô Huệ nói, cho biết học sinh được đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí như khả năng tư duy, làm việc nhóm, kỹ năng làm việc độc lập, thuyết trình.
Đảm nhận vị trí truyền thông và tổ chức trò chơi, Uông Gia Phong phát huy khả năng hội họa bằng các thiết kế poster sự kiện. Trần Ngọc Minh Châu, lớp 5 H3, cải thiện được kỹ năng Tin học, trình bày Word qua việc tìm tư liệu để thuyết trình về việc giáo dục con cái trong gia đình xưa và nay.
Còn Nguyễn Đặng Đức An, cậu bé chọn chủ đề thuyết trình về bữa cơm gia đình, lại học được cách làm thơ lục bát. An kết thúc bài thuyết trình bằng bốn câu do mình tự làm: “Nhà mình còn có bữa cơm/Mỗi chiều ngan ngát mùi thơm hương tình/Bữa cơm sum họp gia đình/Cao lương chẳng có nhưng mình ngồi chung”.
Anh Nguyễn Việt Bằng, bố của Đức An, nói qua phần thuyết trình, con đã tự tin, mạnh dạn hơn. Anh cũng hiểu mong muốn của con về bữa cơm gia đình sum họp. “Những điều này bình thường nói nghe rất khách sáo, nhưng nay tôi đã hiểu tâm tư của con và sẽ cố gắng sắp xếp công việc để về ăn tối với gia đình nhiều hơn”, anh Bằng nói.
Cùng con chơi ném vòng, chị Linh cho biết “rất vui khi con biết và được trải nghiệm những điều từng là một phần cuộc sống của bố mẹ, ông bà”. “Hoạt động này có ý nghĩa hơn nhiều một bài kiểm tra”, chị Linh nói.
Sau khi dự án kết thúc, cô Huệ cho biết có một buổi tổng kết. Học sinh sẽ chia sẻ những điều mình đã và chưa làm được, sau đó đề xuất cách khắc phục cho các dự án sắp tới. “Không chỉ dừng lại ở việc lên ý tưởng rồi thực hiện, lấy điểm, chúng tôi muốn học sinh nhận ra và khắc phục những điều chưa tốt, để các bạn rèn kỹ năng giải quyết vấn đề”, cô Huệ nói.
Thanh Hằng
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/hoc-sinh-ha-noi-hoc-tieng-viet-tin-hoc-qua-tro-choi-dan-gian-4552162.html