Một buổi múa lân tưng bừng diễn ra cuối tháng 1 tại ngôi làng của Guan ở Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, để chào mừng cậu bé nhập học Đại học Thanh Hoa. Guan là một trong 50 học sinh ở Trung Quốc được chọn, sẽ học thẳng một mạch trong 8 năm tại trường.
Cả làng phấn khích, bởi Guan không chỉ là học sinh cấp hai đầu tiên trong vùng mà còn là người trẻ nhất theo học tại một trường đại học hàng đầu. Em nhận giấy báo trúng tuyển hồi tháng 10/2022, khi đang là học sinh trung học năm thứ 3 (lớp 9) ở trường ngoại ngữ Guolong.
Guan sẽ bắt đầu hành trình tại Đại học Thanh Hoa với các khóa học dự bị từ mùa xuân này. Sau khi vượt qua kỳ thi của các khóa học dự bị, nam sinh được định hướng lấy bằng tiến sĩ trong tám năm, theo chương trình 3+2+3 từ bậc cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Chương trình cũng cho phép em bỏ qua kỳ thi tuyển sinh trung học và đại học.
Đại học Thanh Hoa cho biết chương trình tuyển những học sinh có động lực theo đuổi toán học, cung cấp cho họ sự đào tạo vượt trội và cơ hội làm việc với các bậc thầy toán học trên thế giới. Mục tiêu là giúp họ trở thành những nhà toán học hàng đầu trong tương lai. Shing Tung Yau, cựu giáo sư Đại học Harvard, nhà toán học Trung Quốc đầu tiên giành huy chương Fields vào năm 1982, là chủ nhiệm chương trình.
Khâu tuyển chọn có 7 bước, gồm bài kiểm tra đánh giá sơ bộ, toàn diện, chuyên môn, thể chất, công nhận trúng tuyển, xác nhận nhập học và các khóa học dự bị. Các bài kiểm tra bao gồm đọc, hiểu tiếng Trung và tiếng Anh, Toán và Vật lý. Trong đó, các bài kiểm tra toán gồm cả kiến thức ở cấp phổ thông, cũng như các khái niệm cơ bản về giải tích, đại số tuyến tính…
Trên các mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người bất ngờ trước thông tin này, ca ngợi cậu bé là “tuyệt vời”, “có năng khiếu”, là “tương lai của đất nước”… Một số khác tỏ ra lo lắng về việc thích nghi của Guan với cuộc sống đại học, gợi ý trường đại học nên chú ý đến sức khỏe tâm lý của em.
Đại học Thanh Hoa đã có giải pháp để các sinh viên trẻ chuyển đổi suôn sẻ từ việc học ở trường trung học cơ sở sang trường đại học. Trong giai đoạn dự bị, các chương trình toán và khoa học được giảng dạy theo các lớp học nhỏ, mỗi môn chia thành ba cấp độ. Điều này cho phép sinh viên trải nghiệm các cấp độ và phong cách giảng dạy khác nhau. Họ được hướng dẫn chủ động tư duy và học tập, dần dần tìm ra nhịp độ học tập của riêng mình.
Từ những năm 1980, một số cơ sở giáo dục đại học nổi tiếng ở Trung Quốc đã chiêu sinh và đào tạo các tài năng trẻ. Năm 1978, Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, đã lập lớp học đặc biệt cho những học sinh có năng khiếu. Ngày nay, chương trình của Thanh Hoa nhắm vào các học sinh tài năng từ lớp 9, cho thấy sự quan tâm của Trung Quốc trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Doãn Hùng(Theo Global Times, Tsinghua University)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/hoc-sinh-14-tuoi-duoc-nhan-vao-dai-hoc-thanh-hoa-4566660.html